Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm phổi do nấm là gì? Những điều cần biết về viêm phổi do nấm
Nấm phổi là bệnh viêm phổi gây nên bởi vi nấm. Loại nấm này thường chỉ gây bệnh ở các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân HIV hoặc những người được hóa trị. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về viêm phổi do nấm nhé.
Tổng quan chung
Bệnh viêm phổi do nấm là bệnh nhiễm trùng ở phổi gây ra bởi một hoặc nhiều loại nấm bệnh hoặc nấm cơ hội. Nhiễm nấm xảy ra sau khi bạn hít phải bào tử hoặc do nhiễm trùng tiềm ẩn gây ra. Tình trạng lan truyền theo đường máu thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch bị tổn hại.
Mầm bệnh nấm đặc hữu (ví dụ như Histoplasma capsulatum, Coccidioides immitis, Blastomyces dermatitidis, Paracoccidioides brasiliensis, Sporothrix schenckii, Cryptococcus neoformans) là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở những người khỏe mạnh và ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi do nấm bao gồm:
- Sốt dai dẳng trong Suy giảm miễn dịch có thể là dấu hiệu mắc bệnh phổi cơ hội hoặc nhiễm nấm toàn thân;
- Ho khan;
- Khó chịu ở ngực;
- Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức;
- Ho ra máu là một triệu chứng tương đối phổ biến của tình trạng xâm hại Aspergillosis/mucormycosis;
- Bệnh nấm đặc hữu có thể gây sưng hạch và tắc nghẽn đường dẫn khí lớn thông qua các hiệu ứng gây áp lực;
- Bệnh nấm đặc hữu có thiên hướng gây ra các triệu chứng của hội chứng “về khớp”;
- Bệnh nấm đặc hữu cũng có thể gây ra các triệu chứng sinh huyết trên da, não, xương, khớp và nhiễm trùng toàn diện;
- Nhiễm Aspergillus, Candida spp. và loại nấm cơ hội khác có thể gây ra các triệu chứng quá mẫn;
- Các triệu chứng do ảnh hưởng đến các bộ phận khác có liên quan đến phổi (đặc biệt là trong suy giảm miễn dịch), ví dụ như viêm màng não/áp-xe não, tổn thương da, thận, gan, cơ bắp, viêm nội nhãn, xoang mũi, nhiễm trùng hệ thống ảnh hưởng đến máu và tủy xương.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân
Bệnh ở phổi được phân thành hai loại chính:
- Nhiễm nấm cổ điển (Cryptococcus, Histoplasmoses)
- Nhiễm nấm cơ hội (Candida, Aspergillus)
Aspergillus, Candida và Cryptococcus là ba loại nấm gây bệnh ở phổi thường gặp nhất.
Bệnh viêm phổi do nấm thường gặp những bệnh nhân có suy giảm sự chống đỡ của cơ thể với bệnh tật, suy giảm hệ miễn dịch, hoặc rối loạn chuyển hóa, rối loạn dinh dưỡng, hay mắc các bệnh về máu, nấm sẽ phát triển ở những hốc bị tổn thương hoặc có sẵn hoặc do tình trạng hoại tử gây ra.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phổi do nấm là:
- Bệnh bạch cầu cấp tính hoặc u lympho trong quá trình điều trị bằng hóa chất
- Người ghép tế bào gốc ở tủy xương hoặc tế bào máu ngoại vi.
- Người ghép tạng đang dùng thuốc chống thải ghép.
- Điều trị bằng corticosteroid kéo dài.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
- Người suy tủy xương, hoặc giảm bạch cầu kéo dài do các nguyên nhân khác nhau.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
- Người có thể trạng gầy nhỏ, sức đề kháng yếu.
- Người bị lao phổi hoặc từng bị lao phổi.
- Mắc bệnh giãn phế quản…
Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định, các bác sĩ thường áp dụng một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp Xquang phổi thẳng, là xét nghiệm đầu tiên và rất cần thiết vì nó cung cấp rất nhiều thông tin về bệnh và những bệnh đi kèm: hình ảnh X Quang đặc hiệu thường thấy trên phim là hình một khối tròn, đặc, nằm trong một hang lao có hình cầu hoặc hình bầu dục, hình tròn đặc này thay đổi theo tư thế của bệnh nhân mà giới chuyên môn gọi là hình lục lạc. Với phim chụp phổi thông thường cho phép chúng ta chẩn đoán xác định đến 90% các trường hợp.
- Chụp Xquang với máy điện toán cắt lớp còn gọi là chụp CT, dùng để xác định rõ u nấm trong một số trường hợp gặp phải khó khăn trong chẩn đoán và khám lâm sàng và Xquang phổi thông thường.
- Huyết thanh chẩn đoán nấm Aspergillus: phản ứng kết tủa giữa kháng nguyên với kháng thể kháng nấm Aspergillus của người bệnh. Là xét nghiệm khá đặc hiệu, nó cho kết quả chẩn đoán xác định từ 93-100%. Nhưng không phải bệnh viện hay cơ sở y tế nào cũng thực hiện được vì thiếu trang thiết bị.
Phòng ngừa bệnh
Các lối sống và biện pháp khắc phục sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh viêm phổi do nấm:
- Các bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị mỗi ngày bằng thuốc kháng nấm dự phòng để tránh nhiễm nấm gây bệnh cơ hội, đặc biệt là Cryptococcus neoformans.
- Bệnh nhân ghép tạng cũng có thể được hưởng lợi từ các tác nhân kháng nấm dự phòng.
- Fluconazole có một số lợi ích như dự phòng chống lại bệnh nhiễm trùng nấm xâm lấn ở bệnh nhân cấy ghép tạng.
- Bệnh nhân có vấn đề về giảm bạch cầu kéo dài nên tránh các hoạt động tăng cường tiếp xúc với bào tử nấm trong môi trường, chẳng hạn như làm vườn hoặc chăm sóc cây trồng và hoa tươi, làm sạch, công tác xây dựng và xử lý các loại rau chưa nấu chín.
Điều trị như thế nào?
Một số phương pháp điều trị viêm phổi do nấm là:
Sử dụng thuốc kháng nấm: Có thể dùng thuốc kháng nấm đường toàn thân hoặc bơm trực tiếp vào hang nấm trong phổi bằng một ống thông đặt xuyên qua da. Thuốc kháng nấm thường dùng là Amphotericin B. Tuy nhiên, kết quả chưa rõ ràng và vẫn chưa được công nhận trong y văn. Hơn nữa thuốc Amphotericin B rất độc và khó tìm trên thị trường, vì vậy hiện nay hầu như không còn được áp dụng nữa.
- Nút mạch để cầm máu: Được áp dụng trong cấp cứu trường hợp bị ho ra máu ồ ạt. Mặc dù, chưa được chẩn đoán xác định vẫn có thể chụp mạch máu chọn lọc và bơm chất gây tắc mạch để cứu sống người bệnh. Động mạch được làm tắc thường là động mạch phế quản cung cấp máu để nuôi phổi.
- Phẫu thuật cắt phổi: Phần lớn các tác giả đều chủ trương khi đã phát hiện u nấm thì phải cắt phổi dự phòng. Trong khi đó một số tác giả khác đề nghị chỉ cắt phổi trong những trường hợp có ho ra máu. Vì những lý do thường gặp trong phẫu thuật như nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao do phổi bị các tổn thương mạn tính như lao, giãn phế quản…
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm phổi do nấm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.