Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tai ngoài ác tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm tai ngoài ác tính là một bệnh lý nghiêm trọng, thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường. Đây là tình trạng viêm hoại tử lan rộng, có thể gây tổn thương mô nghiêm trọng và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể lan rộng từ ống tai ra xung quanh, bao gồm cả xương hàm và mặt. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị bệnh là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.
Tổng quan chung
Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng tai phổ biến. Trong một số trường hợp, viêm tai ngoài có thể lan rộng đến các mô xung quanh, bao gồm xương hàm, mặt và trở thành viêm tai ngoài ác tính.
Không giống như viêm tai ngoài thông thường, viêm tai ngoài ác tính không liên quan đến nước đọng lại trong ống tai. Bệnh thường do các vi khuẩn như pseudomonas aeruginosa và staphylococcus aureus gây ra. Bên cạnh đó, tiểu đường cũng là một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai ngoài ác tính. Hơn 90% người mắc bệnh đều bị tiểu đường trước đó.
Nhiễm trùng tai ngoài ác tính nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Triệu chứng
Khi mắc bệnh, bạn có thể cảm nhận rõ mùi hôi từ tai, kèm theo đó là hiện tượng chảy dịch vàng hoặc xanh. Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh nhân viêm ống tai ngoài hoại tử, chúng xuất hiện liên tục trong một thời gian dài và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Bên cạnh đó, người mắc viêm ống tai ngoài hoại tử cũng phải đối mặt với tình trạng thính lực suy giảm, thường xuyên bị sưng đau tai, nhất là khi bạn cử động đầu.
Ngoài các dấu hiệu đặc trưng kể trên, mọi người không nên bỏ qua triệu chứng sốt cao, cơ mặt yếu hoặc nhai, nuốt gặp nhiều khó khăn. Như đã phân tích ở trên, bệnh viêm ống tai ngoài ác tính thường lan sang các mô xương xung quanh, ví dụ như xương mặt, xương hàm. Vì vậy các triệu chứng kể trên là không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân
Viêm tai ngoài ác tính phát triển từ ngoài vào trong gây viêm tế bào, viêm xương và có thể làm liệt các dây thần kinh, thậm chí có thể gây tử vong khi quá trình viêm lan tới lớp màng trong của não.
Tác nhân gây bệnh viêm tai ngoài ác tính chủ yếu là vi khuẩn làm mủ xanh Pseudomonas Aeruginosa. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do sự tác động và xâm nhập vào ống tai của một số loại vi sinh vật khác. Cụ thể như vi khuẩn Staphylococcus Aureus, Aspergillus, Proteus Mirabilis, Klebsiella Oxytoca, Burkholderia Cepacia và Candida Parapsilosis.
Thông thường sau khi xâm nhập, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh và gây bệnh viêm tai ngoài. Tuy nhiên, do bệnh nhân chủ quan trong việc điều trị cùng với những điều kiện thuận lợi khác khiến vi khuẩn cùng tình trạng viêm nhiễm lan rộng, gây tổn thương, thậm chí phá vỡ cấu trúc mô mềm xung quanh. Sau khi viêm nhiễm lan rộng đến nền sọ, bệnh viêm tai giữa ác tính sẽ xuất hiện.
Có rất nhiều người phải đối mặt với nguy cơ này, đặc biệt là những người bị đái tháo đường, nhiễm HIV hoặc người già suy nhược… Theo kết quả nghiên cứu, những bệnh nhân bị đái tháo đường, người có hệ miễn dịch suy yếu (trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị HIV, người đang trong quá trình điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với thông thường.
Đối tượng nguy cơ
- Yếu tố tuổi và giới tính: Những người có độ tuổi trên 60 thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tai ngoài hoại tử cao. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguy cơ bị viêm tai ngoài hoại tử ở nam giới cũng cao hơn so với nữ giới.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu: Nếu viêm tai ngoài xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi khiến tình trạng viêm nhiễm tiến triển theo hướng xấu, dễ dàng lây lan sang nhiều cơ quan lân cận và gây bệnh viêm tai ngoài hoại tử. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể không đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Người đái tháo đường: Bệnh tiểu đường khiến cơ thể gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát sự tiến triển của vi khuẩn. Mặt khác, bệnh tiểu đường có thể khiến những vết trầy xước, tổn thương ở ống tai lâu lành. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập sâu vào bên trong, dẫn đến viêm và gây biến chứng.
- Phơi nhiễm Pseudomonas Aeruginosa: Phơi nhiễm Pseudomonas Aeruginosan thường xuất hiện trong những hồ nước chứa hàm lượng Clo cao như nước trong hồ bơi và những nơi có nguồn nước bẩn.
- Tổn thương tai ngoài: Chấn thương tai ngoài hoặc trầy xước, tổn thương tai ngoài từ những lần va đập, té ngã, làm sạch ống tai quá mạnh, gãi bên trong tai, có vật lạ mắc kẹt trong ống tai… sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và gây hoại tử nếu không được thăm khám và xử lý đúng cách.
- Thời tiết là yếu tố thuận lợi đối với viêm tai ngoài ác tính. Những người làm việc hoặc sinh sống ở những nơi có khí hậu nóng ẩm sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm tai ngoài và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu. Nguyên nhân là do khí hậu nóng ẩm chính là điều kiện thuận lợi cho sự tiến triển của nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh.
Chẩn đoán
Để xác định xem bạn có bị viêm tai ngoài ác tính hay không, bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra thể chất. Bạn có thể cần trả lời một số câu hỏi về bệnh sử cá nhân. Điều này sẽ cho phép bác sĩ xác định các yếu tố có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch của bạn.
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tai của bạn để xem có nhiễm trùng hay không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra đầu và vùng sau tai. Nếu tai chảy dịch, bác sĩ có thể lấy mẫu để gửi đi phân tích ở phòng thí nghiệm. Điều này sẽ giúp xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nếu bạn mắc phải chứng bệnh nghiêm trọng này, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xem nhiễm trùng có lan rộng không. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Khám hệ thần kinh
- Chụp CT đầu
- Chụp MRI đầu
- Xạ hình
Phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh nghiêm trọng này là điều trị triệt để nhiễm trùng tai ngoài. Bạn cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ và uống kháng sinh đúng liều.
- Ngoài ra, nếu hệ thống miễn dịch của bạn yếu, bạn cần phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình.
- Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên kiểm soát lượng đường trong máu nghiêm ngặt.
- Nếu bạn bị nhiễm HIV, hãy tuân thủ việc điều trị và sử dụng thuốc để kiểm soát sự nhân lên của virus trong cơ thể. Bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng cần làm để tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Điều trị như thế nào?
Điều trị viêm tai ngoài ác tính chủ yếu bằng kháng sinh. Bệnh nhân có thể cần sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài, từ 3-5 tháng, và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể cần tiêm kháng sinh qua tĩnh mạch. Nếu nhiễm trùng không được kiểm soát bằng thuốc, phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử sẽ được thực hiện. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ đúng liệu trình điều trị và tái khám thường xuyên để đảm bảo nhiễm trùng được kiểm soát hoàn toàn.
Kết luận
Viêm tai ngoài ác tính là một bệnh lý nghiêm trọng cần được nhận biết và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Hãy luôn thăm khám và tư vấn bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất.