Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm thần kinh thị giác là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Đau nhức và mất thị lực tạm thời ở một mắt là triệu chứng phổ biến của bệnh lý này. Vậy viêm thần kinh thị giác là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ, có chức năng dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc (mắt) về thùy chẩm ở não để phân tích. Từng dây đảm nhận nhiệm vụ cho từng mắt, trên một thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh thị giác có đường đi đối xứng nhau về hai bên bán cầu não.
Viêm thần kinh thị giác là một tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, dây thần kinh chịu trách nhiệm truyền tín hiệu từ mắt đến não. Tình trạng này có thể gây đau và giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Viêm thần kinh thị giác thường xảy ra ở một bên mắt và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người trẻ tuổi và trung niên.
Hầu hết những người mắc phải một đợt viêm thần kinh thị giác cuối cùng đều phục hồi thị lực gần như hoàn toàn. Điều trị bằng thuốc steroid được quan sát thấy có thể giúp tăng tốc độ phục hồi thị lực sau chứng bệnh này.
Triệu chứng
Viêm thần kinh thị giác thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau: Hầu hết những người bị viêm thần kinh thị giác đều bị đau mắt khi chuyển động của nhãn cầu. Đôi khi cơn đau có cảm giác như đau âm ỉ sau mắt.
- Mất thị lực ở một mắt: Bệnh nhân thường đi khám do giảm thị lực tạm thời xảy ra ở một bên mắt nhưng với biểu hiện sự khiếm khuyết khác nhau. Mất thị lực rõ rệt thường phát triển sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày và sẽ cải thiện trong vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, một số ít người lại có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
- Mất trường thị giác: Chức năng thị lực một bên có thể vẫn còn nhưng vùng thị trường lại có thể bị ảnh hưởng, như mất thị trường trung tâm, mất thị trường một bên.
- Mất thị lực màu: Ngoài chức năng nhận cảm ánh sáng thông thường, viêm thần kinh thị giác cũng khiến cho người bệnh mất khả năng phân tích màu sắc. Bạn có thể nhận thấy rằng màu sắc xuất hiện kém sinh động hơn bình thường.
- Ánh sáng nhấp nháy: Một số người bị viêm thần kinh thị giác khai báo triệu chứng là nhìn thấy đèn sáng nhấp nháy liên tục hoặc sự nhấp nháy chỉ xảy ra khi có chuyển động mắt.
Nguyên nhân
Viêm dây thần kinh thị giác hay gặp từ đối tượng thanh niên đến trung niên (từ 20 – 45 tuổi), tuổi trung bình khởi phát là khoảng 30 tuổi. Người ngoài 45 tuổi hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, người ta còn thấy tỷ lệ phụ nữ mắc viêm dây thần kinh thị giác nhiều gấp đôi nam giới.
Viêm dây thần kinh thị giác cũng xảy ra nhiều hơn người da trắng. Một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm dây thần kinh thị giác. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm dây thần kinh thị giác. Nhìn chung, các chuyên gia nhãn khoa thường xếp theo 3 nhóm nguyên nhân theo vị trí là: tại chỗ, lân cận và toàn thân.
- Tại chỗ: mọi viêm nhiễm trong nhãn cầu đều có thể gây ra viêm gai thị (có thể xuất phát từ các bệnh lý ở mắt như: viêm màng bồ đào, viêm hắc mạc, viêm võng mạc do virus cự bào trong bệnh AIDS, viêm nội nhãn).
- Lân cận: Các ổ nhiễm trùng lân cận thị thần kinh như viêm tai, viêm mũi-xoang, viêm họng, viêm amidan, sâu răng… có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh.
- Toàn thân: Các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân cấp và mạn tính cũng có khả năng dẫn đến viêm thị thần kinh. Cụ thể như:
- Các loại virus đậu mùa, cúm, thấp khớp, bạch hầu, sốt phát ban, quai bị
- Nhiễm nấm: Nấm Candida albicans thường gây viêm hắc võng mạc kết hợp với viêm gai thị, hay gặp ở người nghiện heroin, suy giảm miễn dịch. Một số loại nấm khác cũng gây viêm thị thần kinh là cryptocode, aspergillose, histoplasmose…
- Các nhiễm khuẩn của hệ thần kinh: viêm não, viêm màng não là nguyên nhân của 1 số trường hợp bị bệnh.
- Các vi khuẩn như lao, giang mai, rickettsiosis cũng là những tác nhân gây bệnh hay gặp trong bệnh lý này.
- Những hội chứng màng bồ đào-màng não như bệnh Vogt-Koyanagi-Harada, nhẫn viêm đồng cảm, bệnh Behcet cũng hay kèm theo viêm gai thị.
- Các bệnh dị ứng: sau tiêm huyết thanh chống bạch hầu, uốn ván, dị ứng thực phẩm, phù Quincke…
Nguyên nhân khác: ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc, thiếu vitamin nhóm B, thiếu máu thị thần kinh, chấn thương…
Đối tượng nguy cơ
Viêm dây thần kinh thị giác có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng nếu có những yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn:
- Độ tuổi: Thường xảy ra ở người từ 20 đến 40 tuổi.
- Giới tính: Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới.
- Chủng tộc: Bệnh xảy ra phổ biến hơn ở người da trắng.
- Địa lý: Những người sống ở vùng núi cao có nguy cơ cao hơn.
- Di truyền: Một số đột biến gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ hình thành viêm dây thần kinh thị giác hoặc bệnh đa xơ cứng.
Chẩn đoán
Khi đến thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh án để xem bệnh nhân có từng bị đa xơ cứng, bệnh tiểu đường hay các bệnh khiến dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi về những dấu hiệu viêm dây thần kinh thị giác lâm sàng của người bệnh như khả năng thị lực giảm, khó phân biệt màu sắc, đau nhức mắt khi chuyển động… Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành các nghiệm pháp, xét nghiệm sau:
- Kiểm tra khả năng thị lực bằng bảng chữ cái.
- Soi đồng tử và nhận xét phản ứng của mắt bạn với ánh sáng trực tiếp.
- Soi đáy mắt.
- Tiến hành chụp CT để thấy hình ảnh cắt ngang của bộ não.
- Chụp MRI não cho thấy hình ảnh sọ não
- Chụp cắt lớp quang học cho thấy rõ hình ảnh các dây thần kinh ở mặt sau mắt.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm thần kinh thị giác, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, và tránh các yếu tố gây hại như hút thuốc.
- Kiểm tra mắt định kỳ: Đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao.
- Kiểm soát bệnh lý toàn thân: Điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan như bệnh tự miễn.
- Bảo vệ mắt: Đeo kính bảo hộ khi tham gia các hoạt động có nguy cơ chấn thương mắt.
Điều trị như thế nào?
Bệnh hình thành do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị sẽ phụ thuộc vào yếu tố gây bệnh. Viêm nhiễm, tổn thương dây thần kinh thị giác cần được điều trị toàn diện theo các chuyên khoa khác nhau như tai mũi họng, truyền nhiễm, dị ứng, thần kinh…
Điều trị viêm thần kinh thị giác thường bao gồm các phương pháp sau:
- Thuốc chống viêm: Sử dụng corticosteroid để giảm viêm.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Đối với những trường hợp do bệnh tự miễn.
- Điều trị nguyên nhân gốc: Nếu viêm thần kinh thị giác do bệnh lý khác, điều trị bệnh lý đó là cần thiết.
- Phục hồi chức năng thị lực: Các biện pháp giúp cải thiện và phục hồi thị lực sau khi điều trị viêm.
Nhìn chung, bệnh viêm dây thần kinh thị giác mặc dù không quá phổ biến trong đời sống nhưng tổn thương có thể để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể tái phát nên ngoài việc điều trị, người bệnh cần xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, chăm sóc mắt đúng cách và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm thần kinh thị giác.