Biểu hiện sớm của bệnh viêm màng não
Viêm màng não là hiện tượng viêm của màng xung quanh não và tủy sống, dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, cứng gáy, sợ sáng, tăng số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Nguyên nhân viêm màng não có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.
Viêm màng não có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh viêm màng não, ai dễ mắc bệnh viêm màng não và biểu hiện sớm của bệnh viêm màng não.
Biểu hiện sớm của bệnh viêm màng não
Viêm màng não thường có những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với viêm đường hô hấp thông thường, sốt siêu vi như: sốt cao, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc ho, chảy nước mũi, nôn… Để phân biệt bệnh lý viêm màng não với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường khác, có thể dựa vào các triệu chứng quan trọng sau:
- Co giật: Người bệnh có thể co giật một phần cơ thể như tay, chân, mắt, miệng hoặc cũng có thể co giật toàn thân. Một số trường hợp co giật đơn thuần do sốt cao hoặc do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
- Rối loạn ý thức: người bệnh dễ bị kích động, sau đó ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
- Đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
- Đối với trẻ sơ sinh: dấu hiệu ban đầu thường không đặc hiệu và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Người bệnh có thể sốt hoặc không sốt, đi kèm một trong các triệu chứng trên. Một số biểu hiện thần kinh hay gặp là ngủ li bì, thóp phồng, co giật.
Nhức đầu là một trong các dấu hiệu của bệnh viêm màng não
Ai dễ mắc bệnh viêm màng não?
Bất kỳ ai cũng có khả năng bị viêm màng não, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở các nhóm đối tượng:
Có hệ miễn dịch suy giảm
Những người bị suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng hơn so với người khỏe mạnh, khiến họ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng gây viêm màng não. Một số vấn đề sức khỏe và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đó là:
- HIV/AIDS
- Rối loạn tự miễn dịch
- Hóa trị liệu
- Cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương
- Ung thư
- Thuốc ức chế miễn dịch
Có môi trường sống nhỏ hẹp
Bệnh viêm màng não rất dễ lây lan khi mọi người sinh sống cùng nhau trong không gian nhỏ như ký túc xá, doanh trại, trường học nội trú, trường mầm non…
Phụ nữ mang thai
Trẻ nhỏ và người lớn tuổi
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não. Tuy nhiên, một số nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh do virus. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh do vi khuẩn. Trong khi đó, người lớn tuổi có thể mắc một số bệnh lý nhiễm trùng – tiền căn của viêm màng não.
Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não
- Thường xuyên tiếp xúc với động vật
Người làm công việc phải tiếp xúc với động vật hàng ngày như chăn nuôi gia súc, bác sĩ thú y… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Cách điều trị bệnh viêm màng não
Viêm màng não có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như: viêm màng não do vi khuẩn, viêm màng não do nấm, ký sinh trùng, virus,… Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị bệnh thích hợp giúp rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân mau hồi phục và quay lại cuộc sống bình thường.
Điều trị viêm màng não do vi khuẩn
Điều trị đặc hiệu
- Điều trị viêm màng não thông thường sẽ kết hợp chẩn đoán căn nguyên và điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh sớm. Điều này có nghĩa là khi bệnh nhân nghi ngờ bị viêm màng não sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân. Sau đó, người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh sớm, không chờ tới khi có kết quả mới bắt đầu điều trị.
- Kháng sinh được sử dụng theo mầm bệnh và theo kháng sinh đồ. Khi chưa xác định chính xác loại vi khuẩn gây viêm màng não, cần chọn loại kháng sinh có tác dụng rộng và loại ngấm tốt qua màng não và nên dùng kháng sinh cho bệnh viêm màng não theo đường truyền tĩnh mạch.
Điều trị triệu chứng
- Bên cạnh việc điều trị đặc hiệu, các bác sĩ cũng còn điều trị triệu chứng của viêm màng não do vi khuẩn: chống phù não, an thần, chống co giật, chống sốc và trụy tim mạch, chống suy thở, điều trị đề phòng sốt cao, co giật, nuôi dưỡng tốt, đề phòng loét. Xử trí biến chứng áp xe não, dày dính màng não, viêm tắc tĩnh mạch não, hội chứng đông máu nội mạch,…
Điều trị viêm màng não do nấm
- Bệnh nhân viêm màng não do nấm nên được điều trị ở những cơ sở y tế có điều kiện xét nghiệm và chăm sóc phù hợp. Amphotericin B là thuốc ưu tiên điều trị viêm màng não do nấm Cryptococcus qua đường tĩnh mạch. Amphotericin B có thể gây một số tác dụng phụ như sốt, hạ kali và magnesi máu, suy thận, thiếu máu. Flucytosin có thể gây ức chế tủy xương, giảm các dòng tế bào máu.
- Fluconazol có thể chỉ định từ đầu cho các trường hợp viêm màng não nhẹ, không biến chứng hoặc trong trường hợp không có thuốc amphotericin B. Fluconazol thường được chỉ định điều trị củng cố sau điều trị bằng thuốc amphotericin B.
- Điều trị tăng áp lực nội sọ bằng phương pháp chọc dẫn lưu dịch não tủy hàng ngày, một hoặc nhiều lần tùy vào mức độ tăng áp lực nội sọ của từng bệnh nhân. Dẫn lưu mỗi lần 15 – 20ml hoặc cho đến khi người bệnh viêm màng não bớt đau đầu.
- Viêm màng não do nấm có tỷ lệ tử vong cao. Nhiều trường hợp sau điều trị khỏi bệnh vẫn có thể để lại các di chứng như mù, sụt giảm trí tuệ.
Điều trị viêm màng não do ký sinh trùng
- Điều trị viêm màng não do ký sinh trùng bằng các loại thuốc có khả năng diệt ký sinh trùng. Các chuyên gia khuyến cáo khi người dân có các triệu chứng như đau đầu không thuyên giảm ngay cả sau khi dùng thuốc giảm đau, ngứa, nổi mẩn trên da, có thói quen ăn sống (nem chua, rau sống), thức ăn chưa được nấu chín (các loại thịt, hải sản,…), trong nhà có nuôi chó mèo cần được thăm khám sớm tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm màng não do virus
- Tiên lượng viêm màng não virus nhìn chung tốt hơn viêm màng não mủ. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Một số căn nguyên virus gây bệnh viêm màng não có thuốc điều trị đặc hiệu như HSV, VZV, CMV. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau khoản 10 – 14 ngày nếu được điều trị thích hợp và kịp thời.
Phòng ngừa lây lan bệnh viêm màng não
Viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh, biến chứng viêm màng não để lại những di chứng lâu dài cho người bệnh. Do đó, người dân nên chủ động ngừa viêm màng não ngay từ sớm bằng cách áp dụng một số biện pháp sau:
- Duy trì khoảng cách với người bệnh viêm màng não, vì bệnh có thể lây truyền qua đường giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Nếu trong gia đình có người bệnh viêm màng não, hãy duy trì khoảng cách và cho người bệnh không gian sinh hoạt riêng;
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, vì viêm màng não cũng có thể lây truyền gián tiếp khi dùng chung đồ dùng cá nhân có chứa dịch tiết từ người bệnh;
- Giữ vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Vệ sinh mũi miệng bằng nước sát khuẩn thông thường;
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung đầy đủ các loại vitamin, rau củ, trái cây, áp dụng lối sống lành mạnh;
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát để có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, kể cả viêm màng não để có hướng can thiệp kịp thời.
Bên cạnh các phương pháp phòng bệnh viêm màng não kể trên, người dân nên chủ động tiêm phòng vắc xin ngừa nguyên nhân gây bệnh viêm màng não phổ biến như Hib, phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn tuýp BC, ACYW.
Hi vọng với bài viết trên các bạn có thể hiểu hơn về bệnh viêm màng não và biểu hiện sớm của bệnh viêm màng não.