Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan là gì?
Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan được định nghĩa là sự hiện diện của hơn 10 bạch cầu ái toan/mm3 dịch não tủy và/hoặc tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng trên 10% trong tổng số bạch cầu trong dịch não tuỷ.
Một số tác nhân truyền nhiễm gây ra bệnh viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan là các ký sinh trùng có lịch sử lưu hành ở Bắc Mỹ và Châu Âu nhưng hiện đã phân bố toàn cầu do vận chuyển thương mại và du lịch.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan
Các triệu chứng của viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan thường khởi phát trong vòng 24 giờ đến vài ngày sau khi ăn phải ký sinh trùng. Đôi khi có thể mất đến vài tuần các triệu chứng mới xuất hiện.
Các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp nhất của viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan là:
- Đau đầu đột ngột dữ dội
- Cứng cổ và không thể gập cổ về phía trước
- Dị cảm (cảm giác như kim châm trên da)
- Đau bụng, Buồn nôn, Nôn mửa
- Sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng)
- Sốt
- Phát ban ngứa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, những nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan là:
- Angiostrongylus cantonensis (giun lươn, hay giun phổi chuột);
- Baylisascaris procyonis (giun tròn gấu trúc);
- Gnathostoma spinigerum.
Những ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể bạn khi bạn uống nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với phân người hoặc phân của động vật bị nhiễm bệnh. Cuối cùng nó có thể di chuyển đến não hoặc tủy sống của bạn, nơi nó gây ra bệnh viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan.
Các nguyên nhân khác gây ra viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan, bao gồm:
- Nấm Cocciodioides, phổ biến ở Tây Nam Hoa Kỳ;
- Bệnh lao;
- Bệnh giang mai thần kinh;
- Sốt màng não miền núi (Rocky Mountain spotted fever).
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan rất hiếm nhưng một số người có thể mắc phải do họ sinh sống, đi du lịch hoặc công việc ở vùng có dịch tễ.
Nhiễm Angiostrongylus cantonensis là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan. Loại giun này thường gặp ở:
- Đông Nam Á;
- Quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm Hawaii;
- Châu Úc.
Các bác sĩ cũng đã quan sát thấy tình trạng nhiễm Angiostrongylus cantonensis ở chuột ở Châu Mỹ (Bắc, Trung và Nam Mỹ) và các đảo ở Ấn Độ Dương.
Angiostrongylus cantonensis có thể lây nhiễm cho người nếu ăn sống:
- Con Ốc, Ốc sên
- Ếch
- Tôm nước ngọt, Cua, Cá
Ngoài ra, nó có thể tồn tại trong rau, nước và trái cây bị ô nhiễm.
Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ có thể bị nhiễm trùng sau khi chơi với ốc sên hoặc các động vật khác và sau đó chạm tay vào miệng.
Giun tròn gấu trúc, Baylisascaris procyonis, lây nhiễm cho gấu trúc ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở:
- Trung Tây
- Đông Bắc
- Trung Đại Tây Dương
- Bờ biển phía Tây.
Những người sống ở những khu vực này làm việc hoặc chơi với gấu trúc có nguy cơ mắc viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan. Cũng như bệnh Angiostrongylus cantonensis, trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm Baylisascaris procyonis hơn do chúng thường xuyên chạm tay vào miệng.
Nhiễm Gnathostoma spinigerum thường gặp nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Thái Lan và Nhật Bản. Hầu hết các trường hợp đều đến từ việc ăn cá nước ngọt chưa được nấu chín kỹ.
Những người thường xuyên làm việc trên bùn đất ở miền Tây Nam Hoa Kỳ hoặc miền Bắc Mexico có nguy cơ tiếp xúc với loại nấm cũng có thể gây ra viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan
Chẩn đoán viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm.
Họ sẽ hỏi bạn về tiền căn sức khỏe và tiến hành thăm khám. Hãy nói với bác sĩ về:
- Những địa phương bạn đã du lịch (hoặc đi đến) gần đây;
- Nếu bạn làm việc trong vườn hoặc môi trường đất cát;
- Nếu gần đây bạn ăn cá sống, rau sống,…
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ tìm dấu hiệu:
- Sốt
- Vấn đề về da
- Tăng nhịp tim
- Cứng cổ
- Suy giảm ý thức.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan dựa trên các triệu chứng và khả năng bạn bị nhiễm ký sinh trùng, họ sẽ đề nghị một số cận lâm sàng để xác định.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc dịch não tủy. Ngoài ra, họ có thể sẽ chụp CT scan hoặc MRI.
Phòng ngừa bệnh
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng gây ra viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan:
- Không ăn ốc, ốc sên, ếch hoặc tôm sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
- Nếu bạn xử lý ốc, ốc sên, ếch hoặc tôm sống, hãy đeo găng tay và rửa tay sạch sau đó.
- Luôn rửa kỹ thực phẩm tươi.
- Tránh ăn rau, cá và thịt chưa nấu chín kỹ khi đi du lịch ở những khu vực thường có ký sinh trùng.
- Tránh tiếp xúc với gấu trúc.
- Luôn rửa tay sau khi ra ngoài trời.
- Không khuyến khích con bạn chạm tay vào miệng
Điều trị như thế nào
Điều trị viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan chủ yếu là chống viêm và điều trị triệu chứng.
- Điều trị triệu chứng: Điều trị các thuốc giảm đau, chống nôn, hạ sốt, an thần,… tương tự như các viêm màng não và bệnh nhiễm trùng khác. Chọc dò và dẫn lưu dịch não tuỷ để giảm áp lực nội sọ có tác dụng cải thiện tình trạng lâm sàng.
- Điều trị các thuốc steroid: Được chỉ định cho các trường hợp viêm màng não nặng. Các thuốc steroid có tác dụng làm giảm đau đầu, cải thiện nhanh các triệu chứng lâm sàng khác (sốt, buồn nôn, nôn). Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, giảm dần trong vòng 2 tuần. Người bệnh có triệu chứng tái phát sau khi ngừng steroid có thể cần điều trị nhắc lại bằng một đợt mới. Người bệnh nhiễm trùng sán dải lợn có chỉ định dùng steroid để ngăn ngừa phản ứng viêm do ấu trùng bị chết hàng loạt khi điều trị các thuốc chống ấu trùng như praziquantel hoặc albendazol.
Các thuốc chống giun sán có thể sử dụng trong điều trị viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan bao gồm albendazol, thiabendazol, mebendazol, levamizol, diethylcarbamazin và một số thuốc khác. Tuy nhiên, các thuốc này ít có tác dụng với các ấu trùng đã xâm nhập vào tổ chức não.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.