Bỏng nắng và những điều cần biết
Bỏng nắng là hiện tượng phổ biến thường gặp trong mùa hè này. Bệnh gặp khi bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài. Vậy nguyên nhân và làm thế nào để điều trị bỏng nắng? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Bỏng nắng là gì?
Bỏng nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu bỏng nắng có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 11 phút và da có thể đỏ lên trong vòng 2 – 6 giờ sau khi bị bỏng nhẹ. Triệu chứng tiếp tục phát triển trong 24 – 72 giờ tiếp theo và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để chữa lành.
Bệnh nhân bị bỏng nắng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, những trường hợp nặng và phồng rộp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Nếu tình trạng bỏng nắng lặp đi lặp lại có thể gây lão hoá da sớm, hư hỏng DNA trong tế bào biểu bì không được sửa chữa, hình thành những tế bào bất thường dẫn đến nguy cơ ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính (loại ung thư da nguy hiểm nhất). Đây là lý do tại sao việc phòng ngừa bỏng nắng rất quan trọng.
Nguyên nhân gây ra bỏng nắng
Phổ ánh nắng mặt trời được chia thành các nhóm chính dựa vào bước sóng là tia cực tím (< 400 nm), ánh sáng khả kiến (400 – 760 nm) và hồng ngoại (> 760 nm). Tia cực tím (ultraviolet, UV) gồm có ba phổ chính là UVA (320 – 400 nm), UVB (290 – 320 nm) và UVC (<290 nm). Trong đó, UVB là nguyên nhân chính gây bỏng nắng.
Cách xử trí đúng cách khi bị bỏng nắng là gì?
Khi có dấu hiệu hay triệu chứng bị bỏng nắng thì điều đầu tiên cần thực hiện là ngừng tiếp xúc ngay với ánh nắng mặt trời (vào trong nhà hay bóng râm). Sau đó có thể thực hiện các biện pháp sau đây để làm giảm khó chịu:
- Tắm hay ngâm nước lạnh thường xuyên để giảm đau, lau khô nhẹ nhàng và để lại một ít nước trên da. Sau đó, thoa dưỡng ẩm để giúp giảm khô da;
- Sử dụng dưỡng ẩm chứa lô hội hay đậu nành thường hữu ích trong việc giúp làm dịu da bị bỏng nắng. Nếu có vị trí nào cảm thấy khó chịu, ngứa hay bỏng rát thì có thể thoa kem hydrocortisone. Không điều trị bỏng nắng với sản phẩm “-caine” như benzocaine, vì có thể gây kích ứng hay dị ứng da;
- Cân nhắc dùng aspirin hoặc ibuprofen để giúp giảm sưng phù, đỏ và khó chịu;
- Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước;
- Da bỏng độ 2 sẽ xuất hiện mụn nước, bóng nước, chú ý là không tự chọc, hút bóng nước và để lành tự nhiên;
- Chăm sóc kỹ vùng da bị bỏng nắng trong quá trình lành thương như mặc quần áo bảo vệ che chắn khi ra ngoài, rửa thương tổn da nhẹ nhàng, không cào gãi, cọ xát mạnh;
- Cuối cùng là đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được tư vấn và chăm sóc da tối ưu nhất.
Phòng ngừa bỏng nắng như thế nào?
Chống nắng là phương pháp tốt nhất giúp phòng ngừa bỏng nắng và những tổn thương khác do bức xạ UV:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời, đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều;
- Mặc quần áo bảo vệ, đội nón rộng vành, đeo kính râm, găng tay;
- Thoa kem chống nắng thường xuyên và đúng cách;
- Sử dụng thuốc hỗ trợ chống nắng có chứa Polypodium leucotomos giúp tăng thêm hiệu quả bảo vệ và giảm bỏng nắng.
Như vậy, bỏng nắng là một dạng bỏng nhiệt và có thể để lại nhiều biến chứng hơn chúng ta nghĩ. Qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được nguyên nhân và triệu chứng cũng như cách xử lý, phòng ngừa hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.