Các loại ung thư máu thường gặp
Ung thư máu, hay còn gọi là ung thư bạch cầu, là một bệnh ung thư ác tính rất khó chữa khỏi. Có nhiều loại ung thư máu và dấu hiệu của bệnh rất đa dạng. Hiểu biết về dấu hiệu sẽ giúp người bệnh lường trước được mức độ nghiêm trọng của bệnh và chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.
Tổng quan về bệnh ung thư máu
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu là căn bệnh nguy hiểm của cơ quan tạo máu (tủy xương), nơi tế bào máu được sản sinh và biệt hóa thành hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
Các tế bào máu tham gia vào quá trình vận chuyển oxy trong cơ thể (hồng cầu), chống lại nhiễm trùng (bạch cầu) và cầm máu (tiểu cầu). Khi bị ung thư máu, các tế bào máu không phát triển và biệt hóa như bình thường, bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát, làm gián đoạn chức năng của các tế bào máu bình thường
Ung thư máu có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn và là loại ung thư phổ biến với hơn 40.000 người được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm chỉ tính riêng ở Anh và chiếm 10% trong các loại ung thư được chẩn đoán ở Hoa Kỳ.
Ung thư máu là căn bệnh ác tính, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng
Nguyên nhân gây ung thư máu
Ung thư máu là bệnh ung thư ác tính mà không hình thành nên các khối u như nhiều bệnh ung thư khác. Ung thư máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
- Tiếp xúc với chất phóng xạ.
- Làm việc trong môi trường ô nhiễm có quá nhiều hóa chất (formaldehyde,benzene…)
- Thay đổi cấu trúc gen.
Dấu hiệu nhận biết
Ung thư máu tuy khó phát hiện sớm những cũng có một số biểu hiện cảnh báo mà người bệnh có thể nhận thấy được. Cụ thể là:
- Xuất hiện những đốm đỏ trên da: Đây là hệ quả của việc sụt giảm nhanh tiểu cầu.
- Nhức đầu dữ dội: Nguyên nhân bắt nguồn từ lượng hồng cầu giảm, khiến cho không cung cấp đủ oxy lên não. Cơn đau đầu có thể còn kèm theo da xanh xao, đổ nhiều mồ hôi.
- Đau xương: đây là một trong những dấu hiệu chính của bệnh. Những cơn đau có thể nhẹ/nặng tùy vào mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh. Cơn đau xuất hiện nhiều ở các vùng khớp đầu gối, cánh tay, lưng…
- Dưới da sưng nổi các hạch bạch huyết nhưng không gây đau.
- Mệt mỏi và xanh xao: Sự thiếu hụt hồng cầu trong máu đột ngột, hay đơn giản hơn là thiếu máu sẽ khiến cho cơ thể người bệnh luôn xanh xao, mệt mỏi.
- Thường xuyên bị sốt cao: Ung thư máu làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm. Bởi vậy những biểu hiện như nhiễm trùng và sốt có xảy ra rất thường xuyên.
- Liên tục chảy máu cam: Khi bị ung thư máu, lượng tiểu cầu giảm nhanh làm giảm khả năng cầm máu. Bởi vậy, bệnh nhân dễ bị chảy máu cam.
- Đau bụng: Ở giai đoạn nghiêm trọng, gan và lá lách có thể sưng tấy lên, gây cảm giác đầy hơi, đau tức bụng, ăn không ngon, buồn nôn hoặc ói mửa.
Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư máu
Phương pháp điều trị
Đối với bệnh ung thư máu, có thể áp dụng theo một hoặc một số trong 4 phương pháp điều trị sau đây:
- Hóa trị: Phương pháp này là việc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư bạch cầu bằng cách uống, tiêm, truyền các loại thuốc hóa học vào cơ thể.
- Điều trị sinh học: Đây là liệu trình có tác dụng tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và cải thiện sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng cách truyền vào người chất kháng thể đơn dòng.
- Xạ trị: Là cách sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Thay tủy: Đây là phương pháp vô cùng phức tạp. Tủy sống sẽ được lấy từ bất cứ người nào tương thích với người bệnh và cấy vào thay thế cho tủy cũ.
Các loại ung thư máu
Có 3 loại ung thư máu phổ biến là:
- Bệnh bạch cầu (có 2 dạng là cấp tính và mạnh tính)
- Ung thư hạch (có 2 loại là U lympho Hodgkin và không Hodgkin)
- U tủy (có 2 loại là u đa tủy và u plasmacytoma)
Theo Medical News Today, ngoài 3 loại ung thư máu phổ biến này, còn có các loại ung thư máu hiếm hơn ảnh hưởng đến các tế bào máu và cấu trúc trong hệ thống máu như:
- Bệnh đại phân tử
- Bệnh đa hồng cầu
- Mất mô tế bào Langerhans
- Tăng tiểu cầu thiết yếu
- U lympho tế bào T ở da
- U lympho thể nang
- U lympho Burkitt
Đặc điểm của từng loại ung thư máu
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu còn có tên gọi khác là bệnh máu trắng. Bệnh bạch cầu là ung thư của các tế bào bạch cầu bắt đầu trong tủy xương. Tủy xương chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào máu mới. Quá trình này từ các tế bào gốc, phát triển thành một loạt các tế bào máu khác nhau. Thông thường, những tế bào này trải qua một chu kỳ trưởng thành, nhân lên và chết đi. Tuy nhiên, trong bệnh bạch cầu, các tế bào bạch cầu non không trưởng thành như bình thường. Chúng hoạt động kém hơn nhưng vẫn nhân lên và tồn tại lâu hơn, lấn át các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương. Bệnh bạch cầu thường phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm gần 1/3 tổng số bệnh ung thư ở nhóm tuổi này.
Có các loại bệnh bạch cầu khác nhau ở dạng cấp tính và mạn tính gồm.
Cấp tính: Bạch cầu dòng tủy cấp tính bắt đầu trong tủy xương và phổ biến ở người lớn tuổi. Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính cũng bắt đầu trong tủy xương nhưng phổ biến ở trẻ em.
Mạn tính: Bạch cầu lymphocytic mãn tính bắt đầu trong các tế bào bạch cầu (tế bào lympho) trong tủy xương và chiếm khoảng 1/3 các bệnh bạch cầu mạn tính. Bạch cầu dòng tủy mạn tính (chiếm khoảng 10% các bệnh bạch cầu) và bạch cầu myelomonocytic (chủ yếu ở người lớn tuổi) bắt đầu trong các tế bào tạo máu của tủy xương và lây lan vào máu.
Ung thư hạch
Ung thư hạch ảnh hưởng đến các tế bào lympho chống lại nhiễm trùng. Các tế bào này lưu thông xung quanh cơ thể thông qua hệ thống hạch bạch huyết (mạng lưới các mạch và ống vận chuyển chất lỏng trong cơ thể). Khi tế bào lympho mắc bệnh ung thư, chúng nhân lên, tập hợp trong các hạch bạch huyết và các mô khác. Bệnh làm suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Có hai loại ung thư hạch là u lympho Hodgkin và không Hodgkin.
U lympho Hodgkin: Bắt đầu khi các tế bào lympho ung thư nhân lên và lấn át những tế bào khỏe mạnh. Các tế bào nhân lên tạo thành khối, điển hình là trong các hạch bạch huyết.
U lympho không Hodgkin: Bệnh thường hình thành trong các hạch bạch huyết và mô bạch huyết ở các cơ quan như da hoặc dạ dày. Một số ảnh hưởng đến tủy xương và máu. U này có thể phát triển ở một hoặc nhiều vị trí trong cơ thể.
U tủy
U tủy ảnh hưởng đến các tế bào huyết tương – loại tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể. Kháng thể là các protein giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tương tự như bệnh bạch cầu, u tủy cũng bắt đầu trong tủy xương. Các tế bào huyết tương ung thư nhân lên nhiều đến mức chèn ép các tế bào tủy xương khỏe mạnh, làm suy giảm khả năng tạo ra tất cả các loại tế bào máu của cơ thể. Ung thư này có hai loại là u đa tủy và u plasmacytoma. U đa tủy phổ biến hơn và ảnh hưởng đến nhiều vị trí trong cơ thể. U plasmacytoma thường xuất hiện ở xương, cơ, da hoặc phổi.
Đặc điểm của một số loại ung thư máu hiếm gặp:
Bệnh đại phân tử: Bệnh phát triển chậm, thường xảy ra ở người lớn tuổi; xuất hiện chủ yếu trong tủy xương, có thể liên quan đến lá lách và các hạch bạch huyết.
Bệnh đa hồng cầu: Ung thư gây ra sự gia tăng các tế bào hồng cầu, đôi khi tạo ra một lượng dư thừa các tế bào bạch cầu và tiểu cầu.
Mất mô tế bào Langerhans: Bệnh gây ra sự gia tăng tế bào bạch cầu được gọi là tế bào langerhans hoặc mô bào và chủ yếu ở trẻ em.
Tăng tiểu cầu thiết yếu: Ung thư này khiến tủy xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu (tế bào khiến máu đông lại). Do đó, bệnh gây ra các vấn đề về chảy máu hoặc đông máu.
U lympho tế bào T ở da: Một loại u lympho không Hodgkin ảnh hưởng đến các tế bào T trên da. Tế bào T là một loại tế bào máu trắng.
U lympho thể nang: Một dạng phụ của u lympho không Hodgkin có thể dẫn đến sự mở rộng của một số vùng hạch bạch huyết. U cũng phát triển ở các mô bạch huyết khác như tủy xương hoặc lá lách và lây lan đến các cơ quan khác.
U lympho Burkitt: Bệnh là loại phát triển rất nhanh của u lympho không Hodgkin. Các tế bào ung thư hạch tích tụ trong các hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Trong trường hợp nặng, ung thư này ảnh hưởng não và tủy sống.
Kết luận
Ung thư máu là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng bằng việc hiểu biết rõ hơn về các loại ung thư máu và dấu hiệu nhận biết, chúng ta có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Dù nghe có vẻ đáng sợ, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời luôn mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh. Hãy chú ý đến các triệu chứng bất thường và đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn y tế nếu cần thiết. Bên cạnh đó, duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp quan trọng giúp bạn và gia đình phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.