Cận thị: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục đơn giản
Cận thị là tật ở mắt, thường gặp nhất ở lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên và cả ở người trong giai đoạn đầu trưởng thành. Việc đeo kính cận sẽ khiến họ gặp nhiều bất tiện trong nhiều tình huống, như di chuyển khi trời mưa, đọc bảng hiệu ở xa, chơi các môn thể thao hoạt động mạnh… Vậy, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục cận thị như thế nào?
Cận thị là tật ở mắt, thường gặp ở lứa tuổi trẻ em
Thế nào là cận thị?
Cận thị (myopia) là tình trạng mắt bạn không thể nhìn thấy các vật ở xa tuy nhiên các đối tượng ở gần thì vẫn có thể thấy rõ. Ví dụ, bạn không thể nhận ra biển báo đường cao tốc cho đến khi chỉ còn cách nó một vài mét. Tình trạng này có thể sẽ diễn tiến dần dần hoặc nhanh chóng trở nặng hơn.
Theo như thống kê từ các chuyên gia, tỷ lệ cận thị ở độ tuổi trẻ em và thiếu niên đang ngày càng tăng tại Việt Nam. Cụ thể hơn, ở Việt Nam, hiện có hơn 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi 6 – 15 tuổi. Trong đó, tỷ lệ tật cận thị chiếm đến 2/3. Tỷ lệ cận ở thành phố lên đến hơn 50%, các vùng ven và nông thôn thì tỉ lệ này chiếm khoảng 10-15%.
Phân loại mức độ cận thị như sau:
- Mức độ nhẹ: Dưới – 3.00 diop
- Mức độ trung bình: Từ -3.25 đến – 6.00 diop
- Mức độ nặng: Trên – 6.00 diop
Dấu hiệu nhận biết cận thị bạn không nên bỏ qua
Triệu chứng cận thị ở trẻ em rõ ràng nhất là ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Cận thị thường được phát hiện trong những năm đầu đi học và thường dần nặng hơn cho tới khi trẻ khoảng 20 tuổi. Từ 20 – 40 tuổi, dấu hiệu của cận thị thường khá ổn định.
Một người bị cận có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:
Mờ mắt khi nhìn vật ở xa
Mờ mắt khi nhìn các vật ở xa là dấu hiệu của cận thị đặc trưng, phổ biến nhất. Người bị cận có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn những vật từ phía xa. Ví dụ, một người trưởng thành bị cận có thể không nhận ra các biển báo trên đường cho đến khi biển báo đó còn cách họ chỉ vài bước chân.
Ở trẻ em, bạn có thể nhận thấy trẻ cũng gặp khó khăn khi nhìn vật ở khoảng cách xa. Trẻ dường như không thể nhận biết được các vật thể ở xa và cần phải thường xuyên cầm đồ vật ở gần mắt. Trẻ ở độ tuổi đến trường thì cần ngồi gần tivi, cúi sát mặt xuống sách hay phải ngồi bàn đầu trong lớp học mới nhìn rõ được.
Thường xuyên nheo mắt hoặc nghiêng đầu để quan sát vật ở xa
Một dấu hiệu bị cận khác mà bạn có thể thấy chính là thường xuyên nheo mắt hoặc nghiêng đầu để nhìn được rõ hơn. Theo thông thường, độ cận của mỗi bên mắt sẽ không giống nhau.
Điều này làm cho người cận thị có xu hướng tập trung nhìn bằng bên mắt có thể thấy rõ hơn đồng thời nhắm mắt còn lại. Tương tự như vậy, khi nghiêng đầu, họ chủ yếu nghiêng về phía mắt nhìn rõ để quan sát thuận tiện hơn.
Mỏi mắt là dấu hiệu của cận thị
Dấu hiệu bị cận là trẻ phải liên tục điều chỉnh cơ mắt để nỗ lực nhìn những vật ở xa. Điều này sẽ khiến cho cơ mắt phải làm việc và hoạt động nhiều, từ đó dẫn đến mỏi mắt. Mỏi mắt khiến trẻ phải nháy mắt liên tục, cũng có thể dẫn đến đau đầu và mệt mỏi, chảy nước mắt, ngứa hoặc khô mắt.
Mỏi mắt là dấu hiệu của cận thị
Dấu hiệu nhức đầu
Nhức đầu là một trong những dấu hiệu bị cận nhẹ mà nhiều người thường dễ dàng bỏ qua. Bởi có nhiều nguyên nhân gây ra nhức đầu nên ít ai nghĩ rằng đây là biểu hiện của cận thị.
Tuy nhiên, nếu dấu hiệu này thường xảy ra khi bạn xem tivi hoặc dùng điện thoại thông minh, máy tính hay đọc sách thì khả năng cao là bạn đã gặp những vấn đề về mắt. Hãy theo dõi các cơn đau đầu của bạn, nếu nó thường xuyên lặp đi lặp lại thì nên đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Dụi mắt thường xuyên
Nếu trẻ còn quá nhỏ và không thể nói cho bạn biết về cơn nhức đầu hay các triệu chứng khác thì dụi mắt lại là dấu hiệu cận thị dễ nhận biết hơn cả. Dụi mắt có thể là do khó chịu hay bị mỏi mắt sau khi sử dụng thiết bị điện tử trong một thời gian dài. Hãy giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử để xem liệu triệu chứng này có được cải thiện hay không. Nếu bạn vẫn thấy trẻ dụi mắt, hãy hẹn khám để có thể đánh giá thị lực.
Khó khăn quan sát khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm
Ở người trưởng thành bị cận thị, việc lái xe có thể sẽ gặp khó khăn do tầm nhìn xa bị giới hạn. Hơn thế nữa, khi lái xe vào ban đêm, trong điều kiện thiếu ánh sáng, bạn có thể khó nhìn rõ, mọi thứ xung quanh sẽ bị mờ nhòe, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Một số biện pháp khắc phục cận thị đơn giản
Để điều trị tật cận thị, bạn cần phải cải thiện khả năng nhìn của mình bằng cách tập trung ánh sáng vào võng mạc với sự trợ giúp từ thấu kính điều chỉnh hoặc áp dụng biện pháp phẫu thuật khúc xạ.
Đeo kính gọng
Đây là giải pháp phổ biến và ít tốn kém nhất để giúp điều chỉnh tật cận thị. Người bị cận thường được bác sĩ chỉ định đeo thấu kính phân kì. Nếu chọn đeo kính để chữa cận, kính thuốc sẽ giúp bạn chống lại độ cong của giác mạc hoặc làm tăng trục nhãn cầu. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại như kính hai tròng, kính đa tròng, kính đọc sách hoặc chọn kính áp tròng.
Tuy vậy, vẫn có một số bất tiện cho người đeo kính gọng như: Ít được tham gia các trò chơi vận động mạnh, tầm nhìn mờ đi khi trời mưa. Ngoài ra, phương pháp này không điều trị triệt để cận thị, chỉ có thể đeo kính gọng trong một khoảng thời gian. Sau đó, người bị cận cần phải đo kính định kỳ mỗi khi tái khám.
Đeo kính gọng là giải pháp phổ biến và ít tốn kém nhất để giúp điều chỉnh tật cận thị
Đeo kính áp tròng
Kính áp tròng mềm cũng là một giải pháp được nhiều người áp dụng. Tuy đeo kính áp tròng sẽ mang lại tính thẩm mỹ cao, nhưng một số người có thể bị dị ứng với kính áp tròng nếu mắt dễ mẫn cảm, hoặc dễ bị khô.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý vệ sinh kính áp tròng thường xuyên, tránh gây viêm nhiễm mắt. Khi hết hạn sử dụng, người cận thị cần phải thay kính và chi phí mỗi lần thay kính có giá thành khá cao.
Phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ
Nếu bạn không thích cảm giác đeo kính có gọng hoặc do đặc thù công việc, nghề nghiệp hạn chế, bạn có thể tiến hành mổ cận thị. Phương pháp này sẽ giúp bạn giảm hay thậm chí giúp loại bỏ sự phụ thuộc của bạn vào kính hoặc kính áp tròng. Các thủ thuật phổ biến nhất hiện nay là LASEK (dùng tia laser để loại bỏ một lớp mô giác mạc) và LASIK (dùng laser hoặc dụng cụ cơ khí để cắt một vạt mỏng qua đỉnh của giác mạc).
Phẫu thuật Phakic
Phương pháp này còn được gọi là đặt kính nội nhãn, thường áp dụng cho những bệnh nhân có độ cận cao nhưng lại không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ. Nhược điểm là có nguy cơ tăng nhãn áp và có khả năng viêm nhiễm, thời gian phục hồi lâu hơn phương pháp phẫu thuật khúc xạ.
Chỉnh hình giác mạc tạm thời Ortho K
Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp cận thị nhưng chưa đủ tuổi phẫu thuật (< 18 tuổi) hoặc không có nhu cầu áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Liệu pháp Ortho K (Orthokeratology) giúp khử độ cận tạm thời bằng kính áp tròng ban đêm, nó có khả năng chỉnh hình dạng giác mạc như bình thường để giúp cải thiện thị lực. Tuy nhiên, nếu ngưng sử dụng, bề mặt giác mạc sẽ trở về độ cong ban đầu gây cận thị.
Phương pháp này chỉ có thể thực hiện tạm thời, không mang lại hiệu quả nhiều đối với những trường hợp cận nặng. Bởi vì là kính áp tròng nên vẫn có rủi ro nhiễm trùng mắt hoặc các biến chứng khác. Hơn nữa, chi phí cho mỗi lần thay kính áp tròng chỉnh hình giác mạc Ortho K khá đắt đỏ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.