Cảnh báo về sa tử cung khi mang thai
Sa tử cung khi mang thai là tình trạng hiếm gặp với tỷ lệ 1/10.000-15.000 phụ nữ mang thai. Con số này đã giảm hơn nữa trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua, có thể là do sự giảm tỷ lệ sinh con. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, con số này vẫn còn cao do tình trạng suy dinh dưỡng, sinh nhiều con và khoảng cách giữa các lần sinh liên tiếp gần nhau.
Dấu hiệu sa tử cung khi mang thai
Sa tử cung khi mang thai hay sa âm đạo thai kỳ thường hiếm gặp, đây là hiện tượng khi mà tử cung tụt xuống âm đạo, đôi khi là tụt hẳn ngoài âm đạo do cơ dây chằng bị kéo căng, suy yếu dẫn đến không thể nâng đỡ tử cung.
Các giai đoạn sa tử cung
Tình trạng sa tử cung trong thai kỳ được chia làm 4 mức độ tương đương với 4 giai đoạn tùy theo mức độ sa của tử cung, bao gồm:
- Giai đoạn I: Tử cung nằm ở nửa trên của âm đạo;
- Giai đoạn II: Tử cung đã hạ xuống gần đến lỗ âm đạo hoặc thập thò cách cửa âm đạo 1cm trở vào trong;
- Giai đoạn III: Tử cung trượt xuống và nhô ra ngoài âm đạo phần lớn nhưng khoảng cách khối sa đến mép màng trinh chưa đến hết toàn bộ chiều dài âm đạo;
- Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn nặng nhất khi toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo đến hết chiều dài âm đạo.
Một số triệu chứng của sa tử cung khi mang thai mà bạn có thể gặp, bao gồm:
- Một khối mềm nhô ra có thể nhìn thấy từ âm đạo
- Tăng tiết dịch từ âm đạo (trong tam cá nguyệt thứ hai)
- Cảm giác căng trướng ở âm đạo
- Nặng vùng chậu
- Đau lưng
- Tiểu không tự chủ, cảm giác tiểu không hết nước tiểu.
Sa tử cung hiếm khi xảy ra trước khi mang thai. Nếu có, nó có thể biến mất khi mang thai nhưng có thể tái phát sau khi sinh.
Nguyên nhân gây sa tử cung khi mang thai
Nguyên nhân gây sa tử cung khi mang thai cũng giống như những nguyên nhân xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà có thể gây yếu cơ vùng chậu:
- Chấn thương cơ vùng chậu: Cơ có thể bị căng và yếu đi khi sinh qua đường âm đạo (sinh thường). Nó làm tăng nguy cơ sa tử cung ở những lần mang thai tiếp theo.
- Mang thai nhiều lần và/hoặc sinh con/mang thai tiếp theo trong khoảng thời gian ngắn.
- Sinh con to bằng phương pháp sinh thường.
- Rối loạn mô liên kết bẩm sinh: Những bệnh này có thể khiến cơ và dây chằng vùng chậu yếu, làm tăng nguy cơ sa tử cung.
- Thay đổi sinh lý của tử cung, dây chằng và cơ của cơ thể khi mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến dây chằng giãn ra và có thể làm tăng nguy cơ sa tử cung.
- Tăng áp lực trong ổ bụng mạn tính: Điều này có thể là do tăng áp lực ổ bụng kéo dài khi đi đại tiện hoặc khiêng vác vật nặng.
Điều trị sa tử cung khi mang thai
Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp chữa sa tử cung khi mang thai, theo mức độ sa và yêu cầu của thai phụ. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý:
- Vệ sinh vùng kín và nằm nghỉ ở tư thế thoải mái, thay đổi tư thế nằm mỗi 2 tiếng cũng được khuyến cáo và cần lưu ý đến tình trạng ứ trệ tuần hoàn khi nằm lâu gây xây xẩm, choáng váng thậm chí ngất..
- Sử dụng vòng nâng đỡ cổ tử cung (pessary) đặt trong âm đạo, được xem là một biện pháp điều trị an toàn và hiệu quả, không xâm lấn, không chảy máu.
- Thực hiện theo phác đồ và lời khuyên của bác sĩ không bỏ bất cứ buổi thăm khám nào theo hẹn của bác sĩ.
- Luyện tập các bài tập thể dục sàn chậu được bác sĩ hướng dẫn ngay cả sau khi đã sinh em bé để chức năng vùng sàn chậu sớm hồi phục và khỏe mạnh. Nếu cảm thấy tập luyện chưa đúng hoặc có thắc mắc về bài tập chữa sa tử cung cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn.
Luôn lưu ý rằng mỗi trường hợp sa tử cung khi mang thai là khác nhau, vì vậy hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và tư vấn chăm sóc tốt nhất cho bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.