Các cấp độ của sa tử cung
Sa tử cung là bệnh lý phụ khoa có thể gặp ở mọi phụ nữ nhưng thường gặp ở phụ nữ đã sinh nở. Tử cung lẽ ra phải nằm ở trên âm đạo nhưng vì nhiều lý do khiến cơ và dây chằng bị kéo giãn và không thể nâng đỡ được tử cung, tử cung bị tụt xuống ống âm đạo, thậm chí lộ ra ngoài âm đạo. Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây để biết được các cấp độ của sa tử cung.
Dấu hiệu sa tử cung
Triệu chứng thường gặp nhất của sa tử cung là những cơn đau bụng lâm râm ở vùng tử cung, kèm theo dấu hiệu xuất huyết trong ổ bụng, nhất là trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, biểu hiện đau tử cung có thể không đủ hoặc không cụ thể để bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác. Vì trên thực tế cơ thể thai phụ thường sẽ bị đau ở một vài vị trí để thích ứng với thời kỳ mang thai.
Bên cạnh đó còn một số dấu hiệu cụ thể như:
- Tiểu tiện và đại tiện khó khăn.
- Mỗi lần hắt hơi hay cười có thể bị són tiểu.
- Quan hệ có cảm giác đau đớn.
- Ra khí hư có màu trắng loãng hoặc nhầy như nước mũi, đôi khi có thể kèm theo chảy máu âm đạo bất thường.
- Đau lưng vùng thấp.
- Cảm thấy như thể đang ngồi trên một quả bóng nhỏ hay như một cái gì đó rơi ra khỏi âm đạo. Những trường hợp bị nặng có cảm giác có quả bóng phồng ra ở âm đạo.
Các cấp độ sa tử cung
Để phân biệt cấp độ sa tử cung, người ta chia hiện tượng này thành các cấp độ như sau:
- Cấp độ 1: là cấp độ nhẹ nhất, lúc này tử cung tuy đã sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
Thông thường, chị em sẽ rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn này vì những biểu hiện sẽ không rõ ràng hay chỉ thoáng qua. Người bệnh lúc này chỉ cảm thấy đau nặng bụng vào trước lúc xảy ra chu kỳ kinh nguyệt. Nếu phải đứng quá lâu hoặc lao động nặng, chị em cũng sẽ có cảm giác đau lưng nhiều hoặc đau vùng bụng dưới. Bên cạnh đó, họ liên tục muốn đi tiểu dù lượng tiểu không nhiều. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.
- Cấp độ 2: tử cung bị tụt xuống ngoài cửa âm đạo và có thể nhìn thấy khi hoạt động nhiều hoặc làm việc nặng.
Những biểu hiện bệnh ở giai đoạn này sẽ rõ ràng hơn cấp độ 1. Những cơn đau tức bụng sẽ nặng nề hơn, người bệnh cảm thấy đau khi đại tiện, khí hư nhiều hơn, khí hư hôi, có màu trắng, xuất hiện hiện tượng chảy máu âm đạo mà không phải trong chu kỳ, khi sinh hoạt tình dục có cảm giác như tử cung bị tụt xuống.
- Cấp độ 3: Toàn bộ tử cung đã bị tụt xuống ra ngoài âm đạo, nhìn thấy được bằng mắt dạ con màu hồng, to bằng quả trứng gà. Trường hợp này hiếm gặp nhất, khi tử cung rất có khả năng sẽ bị viêm nhiễm và phải phẫu thuật cắt bỏ do tử cung không có khả năng tự co lên.
Khi đã ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có những dấu hiệu nghiêm trọng như hiện tượng phù, sưng, có mủ, loét ở âm đạo, thậm chí chảy dịch vàng, sốt cao, táo bón nghiêm trọng. Người bệnh có thể gặp nguy hiểm.
Biện pháp chẩn đoán sa tử cung
Việc chẩn đoán sa tử cung sẽ kết hợp giữa những triệu chứng lâm sàng với khám tử cung toàn diện. Các phương pháp chẩn đoán có thể bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu để xác định mức độ sa tử cung. Thông qua việc quan sát và sờ nắn, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của tử cung và các cơ quan liên quan.
- Siêu âm vùng chậu: Đây là phương pháp hình ảnh học giúp bác sĩ quan sát rõ ràng hơn về vị trí và tình trạng của tử cung. Siêu âm vùng chậu có thể xác định mức độ sa tử cung cũng như phát hiện các bất thường khác.
- MRI: Trong một số trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để có hình ảnh chi tiết hơn về cấu trúc vùng chậu và đánh giá mức độ sa tử cung.
- Đo chức năng bàng quang: Nếu sa tử cung gây ra các vấn đề về tiểu tiện, bác sĩ có thể tiến hành đo chức năng bàng quang để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sa tử cung đến bàng quang.
Tóm lại, Sa tử cung dù ở cấp độ nào cũng gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ sau sinh. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như loét hậu môn, sa các cơ quan khác vùng chậu. Do đó, những phụ nữ sau sinh cần lưu ý, khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và được can thiệp kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.