Cao răng là gì? Tác hại và cách phòng tránh cao răng
Không chỉ gây mất thẩm mỹ, cao răng hay còn gọi là vôi răng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại cho răng miệng. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), cao răng là nguyên nhân chính gây nên các bệnh lý của răng miệng, đặc biệt là ở vùng quanh răng. Hiểu rõ về cao răng và về sự cần thiết của việc loại bỏ cao răng sẽ giúp bạn bớt e ngại khi lấy cao răng.
Cao răng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại cho răng miệng
Cao răng là gì?
Cao răng hay còn gọi là vôi răng, là một loại chất lắng cặn cứng bám chắc vào bề mặt răng hoặc nướu.Thành phần của cao răng gồm các muối vô cơ canxi carbonat, canxi phosphate phối hợp cùng với các cặn mềm là mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng, xác chết tế bào, vi khuẩn,…
Có hai loại cao răng là cao răng thường và huyết thanh. Cao răng huyết thanh được hình thành khi cao răng thường gây viêm lợi. Vùng viêm tiết ra dịch viêm và gây chảy máu. Máu ngấm vào cao răng thường làm cao răng chuyển sang màu đỏ, mảng này gọi là cao răng huyết thanh.
Quá trình hình thành cao răng như sau:
Khoảng vài phút sau khi ăn, có một màng dính có nguồn gốc nước bọt bám quanh răng. Nếu màng dính này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến. Do được cung cấp dinh dưỡng từ những mảnh vụn thức ăn sau ăn, vi khuẩn sinh sôi và phát triển, lớp màng bám này tích tụ dày lên sẽ tạo thành mảng bám. Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch dễ dàng bàn bằng cách đánh răng hoặc dùng chỉ tơ nha khoa. Tuy nhiên khi tồn tại lâu, các mảng bám bị vôi hóa, trở nên rất cứng và bám rất chặt vào bề mặt răng nên sẽ không thể làm sạch bằng biện pháp thông thường mà phải đến gặp nha sĩ để được lấy cao răng với các dụng cụ chuyên dụng.
Tầm quan trọng của việc lấy cao răng
Vôi răng khi hình thành lâu ngày không được lấy đi sẽ khiến cho bạn có những cảm giác khó chịu nhất định, về thẩm mỹ, cảm giác về hơi thở và là tác nhân gây ra các bệnh lý về răng miệng khác.
Nếu không được loại bỏ, cao răng cũng có thể gây viêm nướu mãn tính, mất răng. Trường hợp nghiêm trọng hơn, đây là yếu tố làm bệnh tiểu đường, tim mạch diễn tiến nặng hơn.
Nếu bạn đang thắc mắc có nên lấy cao răng không thì câu trả lời là có. Bởi đây là bước quan trọng để có thể đảm bảo sức khỏe răng miệng và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.
Cao răng còn là tác nhân gây ra các bệnh lý về răng miệng nghiêm trọng khác
Lấy cao răng có hại không?
Một số người còn băn khoăn việc liệu có nên lấy cao răng không bởi cho rằng lấy cao răng làm hỏng men răng, yếu chân răng và khiến răng dễ lung lay. Trên thực tế, lấy vôi răng đúng cách không gây hại mà ngược lại, đây là cách hữu hiệu để ngăn ngừa viêm nướu, viêm nha chu, hôi miệng,…
Tuy vậy, nếu lấy vôi răng sai cách tại các cơ sở thiếu uy tín, chuyên môn kém hoặc sử dụng sản phẩm nha khoa kém chất lượng thì bạn có thể sẽ gặp rắc rối khi thực hiện thủ thuật này.
Tác hại của cao răng đối với sức khỏe
Cao răng sẽ không thể làm sạch hoàn toàn với cách chải răng và dùng chỉ nha khoa như thông thường. Vôi răng hình thành phía trên viền nướu sẽ dễ dẫn đến sâu răng, hôi miệng.
Theo thời gian, vôi răng sẽ dẫn đến các bệnh nướu răng tiến triển, nhẹ nhất là viêm nướu. Ngoài ra, nó có thể được ngăn chặn và khắc phục nếu bạn đánh răng, dùng chỉ nha khoa hay sử dụng nước súc miệng sát trùng và được nha sĩ làm sạch thường xuyên.
Nếu không được loại bỏ và vệ sinh đúng cách, cao răng sẽ gây viêm nướu, hình thành các túi giữa nướu và răng vì nhiễm vi khuẩn, tiến triển thành bệnh nha chu. Khi mắc bệnh nha chu, hệ thống miễn dịch sẽ có những phản ứng chống lại vi khuẩn, khiến tình trạng viêm nướu dẫn đến tồi tệ hơn. Viêm nha chu có thể làm hỏng xương và các mô giữ răng, từ đó dẫn đến mất răng. Bệnh còn gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tim
Lấy cao răng có đau không?
Đối với những người sở hữu hàm răng khỏe mạnh, lần đầu lấy vôi răng sẽ cảm thấy ê buốt nhẹ trong khoảng 1 đến 3 ngày sau đó.
Trường hợp răng nhạy cảm hoặc có bệnh về răng miệng, việc lấy cao răng có đau không còn tùy vào tình trạng của mỗi người. Chẳng hạn như, nếu bị viêm nướu hoặc viêm nha chu, bạn sẽ cảm thấy khá đau hoặc có thể chảy máu một chút khi lấy vôi răng. Nếu vôi răng lâu ngày bị cứng lại, bám dưới nướu gây viêm nhiễm cũng sẽ gây đau trong quá trình thực hiện loại bỏ nó. Tuy vậy, cảm giác khó chịu sẽ biến mất sau vài tiếng hay vài ngày.
Một số cách loại bỏ mảng bám, cao răng
Có nhiều cách để giúp loại bỏ mảng bám, cao răng:
Bạn có thể hạn chế mảng bám, cao răng tại nhà bằng chanh, cam, baking soda, vỏ cau,…. Tuy nhiên, cách này chỉ phát huy tác dụng với trường hợp các mảng bám, vôi răng có ít và chưa bám chặt vào mặt răng. Đặc biệt là khi quá lạm dụng hoặc thực hiện sai cách sẽ còn dẫn tới nguy cơ bị viêm lợi, viêm nha chu, làm mòn men răng, khiến răng trở nên nhạy cảm, ê buốt khó chịu,… Ngoài ra, các phương pháp này cũng sẽ không thể thực hiện kỹ càng ở tất cả vị trí của răng, đặc biệt là các răng ở sâu trong miệng hay các răng mọc chen chúc, cũng không thể cạo hết cao răng đang tồn tại trên mặt răng.
Cách tốt nhất để có thể loại bỏ mảng bám, cao răng trên mặt răng là thực hiện lấy cao răng tại phòng khám nha khoa. Lúc này, nha sĩ sẽ dùng máy và các dụng cụ cầm tay chuyên dụng để có thể lấy hết vôi răng ở trên và dưới lợi cũng như loại bỏ hết các mảng bám trên mặt răng. Tùy vào số lượng vôi răng và tình trạng của lợi, nha sĩ sẽ quyết định lấy cao răng chỉ cần 1 lần hẹn hay nhiều lần hơn và có phải kết hợp dùng thuốc hay không.
Cách tốt nhất để loại bỏ cao răng là thực hiện lấy cao răng tại phòng khám nha khoa
Cách phòng tránh cao răng không nên bỏ qua
Để tránh các vấn đề như sâu răng và các bệnh nướu răng, tốt nhất là bạn nên ngăn ngừa cao răng hình thành ngay từ đầu. Để có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trên răng có một số cách như sau:
- Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày: Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm kết hợp với kem đánh răng có fluor. Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng có nhãn dán chất lượng của thương hiệu uy tín, để có thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm.
- Dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày: Việc sử dụng chỉ nha khoa truyền thống hoặc bàn chải kẽ răng để giúp loại bỏ thức ăn thừa bám vào kẽ răng. Bạn có thể hỏi nha sĩ hoặc chuyên gia nha khoa để được tư vấn về những sản phẩm cụ thể.
- Dùng nước súc miệng kháng khuẩn: Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn và không chứa cồn 2 lần 1 ngày. Điều này sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra sự tích tụ mảng bám, cao răng.
- Không sử dụng thuốc lá: Người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ phát triển cao răng cao hơn so với những người bình thường.
- Thường xuyên đến nha khoa uy tín để thăm khám: Đánh răng kết hợp dùng chỉ nha khoa là điều cần thiết để có hàm răng và lợi khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần khám và làm sạch răng chuyên nghiệp, khoảng 2 lần/1 năm. Nếu tình trạng tệ hơn, bạn cần cạo vôi răng thường xuyên hơn.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: Vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh nhờ thức ăn có đường và tinh bột. Khi tiếp xúc với những thực phẩm này, chúng sẽ tiết ra axit có hại. Do đó, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng thức ăn có đường, đồ ăn nhẹ, đánh răng và uống nhiều nước trong và sau bữa ăn.
- Chọn kem đánh răng có chứa fluor: Fluor sẽ giúp sửa chữa hư hỏng men răng. Một số sản phẩm giúp làm sạch răng miệng có chứa hoạt chất triclosan chống lại vi khuẩn trong mảng bám.
Kết luận: Khi đã hiểu rõ cao răng là gì và tầm quan trọng của việc lấy cao răng, thì lời khuyên mà các bác sĩ răng hàm mặt đưa ra là bạn nên đến nha sĩ lấy cao răng hoặc kiểm tra vệ sinh răng miệng 6 tháng 1 lần để có được tình trạng vệ sinh răng miệng tốt hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.