Cách chăm sóc người bị bệnh thủy đậu: Hướng dẫn toàn diện cho người nhà và người bệnh
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu quanh năm nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, đây là môi trường phát triển tối ưu cho virus thủy đậu và cũng là điều kiện phù hợp cho sự lây lan mạnh mẽ, nhất là vào giai đoạn cuối mùa mưa – đầu mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm.
Vậy bệnh Thủy đậu là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu mà chúng ta mắc bệnh? Cách chăm sóc người nhà khi có người mắc thủy đậu sẽ như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Những điều cần biết về bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh gì?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra tình trạng nhiễm trùng ngoài da với triệu chứng điển hình là các phát ban, mụn nước, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ gây ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, bất kỳ đối tượng nào chưa có miễn dịch với thủy đậu do chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin ngừa bệnh thủy đậu đều có khả năng lây nhiễm và mắc bệnh.
Nguyên nhân gây ra thủy đậu là gì?
- Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra.
- Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Biểu hiện của người bị mắc thủy đậu sẽ như thế nào?
Sau thời gian ủ bệnh từ 10- 21 ngày tùy vào cơ địa mỗi người, cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của giai đoạn phát bệnh như:
- Đầu tiên, các vùng da như lưng, ngực, bụng và mặt sẽ xuất hiện phát ban hơi sưng đỏ nhẹ, nhanh chóng lan ra các vùng da khác trên khắp cơ thể.
- Những ban đỏ này sẽ dần gồ lên, tiến triển thành dạng dát, sẩn trên da, cảm giác sờ vào hơi sần rát, lộm cộm khó chịu.
- Ngoài ra một số trường hợp đi kèm các triệu chứng khác như: sốt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, đau nhức xương cơ, ê ẩm mình mẩy, mất ngủ, chán ăn,…
Cách chăm sóc người bị bệnh thuỷ đậu
Bạn đừng lo lắng nhé, thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm dễ lây lan nhưng nó lành tính và ít gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta. Nếu bạn và gia đình bạn biết cách chăm sóc bệnh đúng cách.
- Uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, nước bù điện giải, ăn cháo hoặc súp để dễ nuốt, nhất là với bệnh nhân mắc thủy đậu có hiện tượng sốt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, khó chịu.
- Nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ em, trẻ sơ sinh đang bú mẹ, nên cho trẻ bú sữa nhiều hơn và thường xuyên hơn để thúc đẩy quá trình hydrat hóa, giúp hồi phục năng lượng và tăng cường sức đề kháng hiệu quả cho người bệnh.
- Giữ móng tay ngắn gọn và sạch sẽ, đối với trẻ em nên đeo bao tay hoặc tất khi ngủ để hạn chế tối đa trường hợp cào, gãi tránh làm tổn thương da khi cảm thấy ngứa ngáy. Điều này có thể khiến tình trạng vết thương trở nên nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng khó phục hồi.
- Mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và thường xuyên tắm rửa cơ thể sạch sẽ, nhẹ nhàng với nước mát để cơ thể luôn sạch sẽ, hạn chế tích tụ mồ hôi và bụi bẩn gây viêm nhiễm tổn thương. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc kết hợp thêm các loại thuốc bôi giúp giảm ngứa, hỗ trợ quá trình điều trị thủy đậu tại nhà hiệu quả và thuận lợi hơn.
- Khử khuẩn sạch sẽ và cẩn thận những vật dụng cá nhân có tiếp xúc với vết thương ngoài da của người bệnh như chăn, ga giường, gối, nệm, dụng cụ ăn uống, quần áo, không gian sinh sống và tĩnh dưỡng,… để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác và hạn chế tình trạng nhiễm trùng phụ lên vết thương khi những vật kém vệ sinh tiếp xúc với thương tổn ngoài da của người bệnh.
Những lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh thuỷ đậu
- Trong chế độ ăn hằng ngày chúng ta cần tránh một số thực phẩm chứa nhiều dầu (đồ ăn nhanh, đồ chiên rán,sữa…), các món ăn hoặc hoa quả chứa nhiều axit (nho, chanh, dứa,…), các món ăn có thể gây kích ứng da (nếp, thịt dê, gia cầm, hải sản,..).
- Cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc tối đa, đề phòng nhiễm chéo.
- Không dùng đồ cá nhân chung với người mắc bệnh.
- Tắm rửa thường xuyên, giữ cơ thể sạch sẽ để không bị ngứa ngáy làm cho bệnh nhân khó chịu.
- Không được vận động mạnh dẫn đến tổn thương, vỡ các nốt mụn rộp.
- Không được tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Chúng ta cần chủ động tiêm ngừa vắc xin thủy đậu và hoàn thành lịch tiêm trước mùa thủy đậu càng sớm càng tốt để ngăn ngừa lây nhiễm virus, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thủy đậu, chặn đứng các biến chứng, di chứng nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe người tiêm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.