Các phương pháp chẩn đoán loét giác mạc
Loét giác mạc là một khiếm khuyết biểu mô giác mạc với tình trạng viêm nhiễm nền thường do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, vi rút, hoặc Acanthamoeba. Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán loét giác mạc ở bài viết dưới đây
Nguyên nhân dẫn đến viêm loét giác mạc là gì?
Giác mạc là một bộ phận rất mỏng và trong suốt, cũng là bộ phận đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài cho nên rất dễ bị tổn thương. Chính bởi điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập tấn công và làm giác mạc bị viêm loét.
Viêm loét giác mạc sẽ xảy ra khi:
Giác mạc bị xước, bị rách hoặc bị nhiễm trùng như là nhiễm khuẩn tụ cầu, liên cầu, phế cầu… hay virus hoặc do nấm. Những trường hợp bị tổn thương nhẹ, như xước giác mạc cũng có thể tiến triển thành loét giác mạc tại khu vực đó. Đối với những trường hợp tổn thương nặng do hóa chất cũng có thể gây ra tình trạng loét dạng không nhiễm khuẩn.
Bệnh lý này còn có thể do biến chứng của một số bệnh khác như là: Lông quặm, bướu cổ hở mi do liệt thần kinh VII,… hoặc giác mạc bị tổn thương do vật thể lạ bắn vào mắt, quẹt vào mắt, người bệnh sử dụng kính áp tròng không đúng cách, tự dùng thuốc nhỏ, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có corticoid khi không có chỉ định cụ thể của bác sĩ nhãn khoa.
Ngoài ra, giác mạc đôi khi không chỉ bị viêm loét do yếu tố bên ngoài tác động mà còn có thể do mắt chưa được chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách.
Các phương pháp chẩn đoán loét giác mạc
Đề điều trị hiệu quả, tránh tái phát và biến chứng, việc chẩn đoán tìm nguyên nhân và xác định mức độ tổn thương vô cùng quan trọng. Hầu hết trường hợp viêm loét mạc khi đi khám bác sĩ đều ở tình trạng bệnh diễn tiến nặng, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan của mắt và xung quanh. Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và các triệu chứng, bệnh sử để đánh giá chính xác tình trạng bệnh của bạn:
Đánh giá thị lực của mắt
Nếu viêm loét giác mạc nặng ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân cần được điều trị tích cực hơn. Vì thế để đánh giá tình trạng bệnh và phòng ngừa biến chứng, bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực bằng việc sử dụng biểu đồ mắt tiêu chuẩn. Với bệnh nhân thì việc này có thể gây khó chịu, đau đớn song cần thực hiện.
Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và tổn thương của mắt
Bác sĩ có thể cần dùng bút để khám mắt, đánh giá kích thước, phản ứng con người, tình trạng viêm nhiễm và các vấn đề khác. Ngoài ra, cần kiểm tra tình trạng của loét giác mạc, xuất hiện vết xám và đục ở giác mạc hay không.
Kiểm tra tình trạng viêm loét giác mạc bằng đèn khe
Đèn khe là dụng cụ kiểm tra mắt hiện đại, giúp đánh giá chính xác mức độ viêm kết giác mạc. Thiết bị này sẽ cung cấp một nguồn sáng phù hợp cùng kính phóng đại để bác sĩ có thể quan sát rõ tính chất, mức độ viêm cũng như ảnh hưởng của nó đến hoạt động của mắt và các cơ quan khác.
Cách thực hiện: Nhuộm mắt bằng Fluorescein: bác sĩ sẽ nhỏ thuốc nhuộm Fluorescein màu cam lên một mảnh giấy nhuộm mỏng, sau đó đặt nhẹ mảnh giấy này vào mắt bệnh nhân để thuốc nhuộm thấm vào mắt. Tiếp đến, bác sĩ sẽ dùng đèn khe chiếu ánh đèn màu xanh dương vào mắt bệnh nhân, nếu giác mạc bị tổn thương sẽ đổi sang màu xanh dương khi đèn chiếu vào.
Thực hiện xét nghiệm dịch nước mắt
Đôi khi để tìm chính xác nguyên nhân gây viêm loét giác mạc, bác sĩ cần lấy mẫu dịch nước mắt hoặc một số tế bào từ giác mạc để phân tích, xét nghiệm tìm tác nhân. Bệnh do virus, vi khuẩn gây ra sẽ có thể tìm thấy trong dịch nước mắt. Nếu do nguyên nhân khác, bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm loại trừ.
Chẩn đoán viêm loét giác mạc cần đánh giá tình trạng tổn thương và suy đoán nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc cung cấp bệnh sử về mắt, các tổn thương từng mắc phải cũng giúp bác sĩ có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.
Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc viêm loét giác mạc, mọi người cần xây dựng một chế độ chăm sóc, vệ sinh mắt khoa học như sau:
- Sử dụng kính áp tròng đúng cách, chất lượng, thay kính theo thời gian đã được hướng dẫn.
- Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và khắc phục bằng việc đeo kính bảo vệ mắt.
- Vệ sinh vùng mắt sạch sẽ và massage nhẹ nhàng mỗi ngày để kích thích mạch máu lưu thông giúp mắt khỏe mạnh hơn.
- Tăng cường bổ sung vitamin A và các dưỡng chất cần thiết cho một đôi mắt sáng khỏe.
- Không sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu, nên có quãng nghỉ khoảng 10-15 phút sau 45 phút làm việc, học tập.
- Khám mắt thường xuyên hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị sớm và đúng cách với bác sĩ có chuyên môn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.