Khi nào cần phải phẫu thuật điều trị viêm giác mạc?
Viêm giác mạc có những triệu chứng cơ bản như mắt bị đỏ, đau, cộm xốn, giảm thị lực… Vì thế, khi giác mạc bị viêm chắc chắn thị lực sẽ bị ảnh hưởng nếu không được điều trị và chăm sóc mắt kịp thời. Vậy khi nào cần phải phẫu thuật điều trị viêm giác mạc? Bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Viêm giác mạc có nguy hiểm không?
Viêm giác mạc là tình trạng viêm tại giác mạc (phần lòng đen của mắt) có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm và bảo tồn thị lực. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gây ra mất thị lực vĩnh viễn, đặc biệt với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bệnh lý nền.
Trong trường hợp bị viêm giác mạc, người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng như:
- Loét giác mạc: nếu không được điều trị kịp thời, viêm giác mạc có thể tiến triển thành loét giác mạc, thậm chí thủng giác mạc gây giảm thị lực trầm trọng. Một số trường hợp nặng hơn phải múc bỏ mắt để giảm đau nhức.
- Nhiễm trùng nội nhãn: tác nhân gây nhiễm trùng trên giác mạc có thể xâm nhập sâu hơn vào nội nhãn dẫn đến bệnh cảnh viêm mủ nội nhãn. Đây là một trong những bệnh nặng nhất trong nhãn khoa khiến bệnh nhân giảm thị lực nặng nề dù điều trị tích cực.
- Sẹo giác mạc: viêm giác mạc kéo dài hoặc khi viêm giác mạc tiến triển thành loét giác mạc thì mặc dù được điều trị khỏi cũng sẽ để lại sẹo trên giác mạc. Tuỳ thuộc vào vị trí, kích thước và độ dày của sẹo mà sẽ khiến thị lực suy giảm ở nhiều mức độ khác nhau.
- Múc bỏ nhãn cầu: một số trường hợp viêm loét giác mạc nặng, ăn sâu vào nội nhãn gây đau nhức nhiều và không còn khả năng điều trị cần thực hiện phẫu thuật múc nội nhãn để loại trừ đau nhức.
- Về lâu dài, bệnh nhân không chỉ mất thị lực bên mắt đó mà còn ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, sự tự tin và khả năng giao tiếp xã hội của người bệnh.
- Mộng thịt, màng mạch giác mạc: Viêm giác mạc mạn tính không được điều trị có thể là yếu tố kích thích phát sinh bệnh mộng thịt và màng mạch trên bề mặt giác mạc dẫn đến đỏ mắt, cảm giác cộm xốn, …
- Tăng nhãn áp: viêm giác mạc không trực tiếp gây ra tăng nhãn áp nhưng một số trường hợp điều trị bằng thuốc corticoid kéo dài cũng có thể gây tăng nhãn áp làm tổn thương dây thần kinh thị giác.
Các nguyên nhân gây nên viêm giác mạc
Mắt là một tổ hợp gồm nhiều “lớp kính” trong suốt. Trong đó giác mạc là “lớp kính” nằm ở phía trước của nhãn cầu. Chính vì vậy, trong sinh hoạt thường ngày, giác mạc chịu nhiều tác động tiêu cực từ môi trường sống.
Có hai nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm giác mạc là nhiễm trùng mắt và chấn thương mắt.
- Nhiễm trùng mắt: có thể là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Do sự xâm nhập này, cơ thể phát hiện và phản ứng lại bằng cách sinh ra các kháng thể, tế bào miễn dịch tấn công các mầm bệnh và gây viêm. Người bệnh thường bị viêm giác mạc sau chấn thương mắt như va đập mắt hoặc bị bụi mắt hoặc ngã…
Viêm giác mạc do virus là dạng bệnh phổ biến nhất và các loại virus nằm trong danh sách này bao gồm: Adenovirus, Herpes simplex type 1, Varicella zoster. Viêm giác mạc do vi khuẩn chiếm tỷ lệ ít hơn và nguyên nhân do ký sinh trùng hoặc nấm là rất hiếm gặp.
- Chấn thương mắt: do đeo kính áp tròng, phẫu thuật giác mạc hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác gây tổn thương giác mạc đều có thể dẫn đến viêm giác mạc. Nếu bạn đang dùng kính áp tròng mà có biểu hiện bệnh về mắt, ngừng đeo ngay và đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được kiểm tra.
Nguyên nhân khác gây viêm giác mạc không do nhiễm trùng là hậu quả của một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjogren gây ra. Khi đó các kháng thể và tế bào miễn dịch trong cơ thể tự tấn công giác mạc, gây viêm giác mạc.
Khi nào cần phải phẫu thuật viêm giác mạc?
Người bệnh viêm giác mạc cần được điều trị sớm, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng thị lực sau này. Tùy vào tình tình bệnh cụ thể để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Thông thường, viêm giác mạc sẽ được điều trị bằng thuốc. Trường hợp nặng không điều trị được bằng thuốc, bệnh nhân có thể được phẫu thuật tùy theo tình trạng mà có các phương pháp phẫu thuật khác nhau: Phủ kết mạc, ghép màng ối, ghép giác mạc,…. Phẫu thuật ghép giác mạc được tiến hành khi mắc các bệnh:
- Giác mạc hình chóp (bề mặt giác mạc trở thành hình nón, gây mờ mắt)
- Bệnh loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh di truyền
- Giác mạc bị thủng hoặc dọa thủng
- Sẹo giác mạc (do nhiễm trùng hoặc chấn thương)
- Viêm, loét giác mạc
- Các biến chứng về giác mạc sau phẫu thuật
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm giác mạc. Viêm giác mạc có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng với việc phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân hoàn toàn có thể khôi phục được thị lực. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến viêm giác mạc, bạn đọc tới bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.