Cách chăm sóc người bị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm của lớp màng nhầy bao phủ bề mặt của mắt, chạy từ rìa giác mạc đến bờ tự do của mặt sau mi mắt. Màng này được gọi là kết mạc. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị sưng và kích thích, chúng sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn. Đây là nguyên nhân khiến lòng trắng mắt xuất hiện màu đỏ hoặc hồng. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân dị ứng.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng đặc trưng nhất là đỏ mắt. Bệnh dễ mắc và dễ lây lan trong cộng đồng nên việc nắm được các thông tin bệnh học là hết sức cần thiết để phòng và chữa bệnh.
Yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh đau mắt đỏ
Các yếu tố nguy cơ của đau mắt đỏ bao gồm:
- Tiếp xúc với người bị nhiễm dạng đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn.
- Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (bụi, phấn hoa, khí thải ô nhiễm…), đối với viêm kết mạc dị ứng.
- Sử dụng kính áp tròng, đặc biệt là loại kính áp tròng có thể đeo trong thời gian dài (kính áp tròng đeo liên tục).
- Bạn đang mắc các bệnh viêm nhiễm tại tai – mũi – họng như viêm tai giữa, viêm mũi dị ứng…
Đau mắt đỏ sẽ khỏi trong bao lâu?
Mặc dù rất dễ lây lan, đau mắt đỏ thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ đến trung bình đều tự khỏi mà không cần điều trị. Các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ thường tự biến mất trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Nếu bạn bị viêm kết mạc do vi khuẩn, nó sẽ cải thiện trong vòng một tuần. Hãy dùng thuốc tiếp tục đủ liều ngay cả khi các triệu chứng của bạn biến mất theo hướng dẫn của bác sĩ.
Viêm kết mạc do virus thường kéo dài từ bốn đến bảy ngày. Có thể mất đến 14 ngày để khỏi hoàn toàn.
Đối với viêm kết mạc dị ứng có thể sẽ nhanh khỏi hơn, điều quan trọng là phải tránh xa khỏi các tác nhân nghi ngờ gây dị ứng.
Vệ sinh mắt như thế nào là đúng cách?
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho đau mắt đỏ bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt dưỡng ẩm như nước mắt nhân tạo: Sự kích thích đến từ mắt có thể là do nó bị khô nên việc sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý nhỏ mắt là một biện pháp tốt.
- Rửa mắt bằng nước mắt hoặc nước ấm nếu cảm giác dễ chịu hơn, nước rửa mát hoặc ấm cũng có thể giúp làm dịu mắt và làm sạch cặn bẩn làm hạn chế tầm nhìn của bạn hoặc gây khó khăn cho việc mở mắt.
- Chườm lạnh: Đau mắt đỏ có thể gây viêm và kích ứng quanh mắt bị nhiễm trùng. Một miếng gạc lạnh (có thể ngâm một miếng gạc hoặc một cái khăn nhỏ vào nước mát) có thể giúp giảm tình trạng viêm và làm dịu một số triệu chứng liên quan.
Thực hành vệ sinh tốt để kiểm soát sự lây lan của đau mắt đỏ:
- Không dùng tay chạm vào mắt
- Rửa tay thường xuyên
- Sử dụng khăn sạch lau hàng ngày
- Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn lau
- Thay vỏ gối thường xuyên
- Vứt bỏ mỹ phẩm mắt cũ, chẳng hạn như mascara
- Không dùng chung mỹ phẩm mắt hoặc các vật dụng chăm sóc mắt cá nhân
Đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ, thời gian hồi phục và cách vệ sinh mắt đúng cách sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Hãy luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ mắt trước tác nhân gây hại và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc mắt để có đôi mắt khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.