Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân là bệnh lý Cơ xương khớp phổ biến gây ảnh hưởng lớn tới chức năng hoạt động của cơ thể, khiến khả năng hoạt động bị hạn chế. Tình trạng này có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên thường gặp ở người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người thừa cân béo phì. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này.
Dấu hiệu viêm khớp cổ chân
Những người bị viêm khớp cổ chân thường gặp phải triệu chứng đau nhức, sưng tấy khớp chân, khó chịu khi vận động, cụ thể:
- Vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm, thường cứng khớp vào buổi sáng khi vừa thức dậy.
- Cảm giác đau nhói ở cổ chân xuất hiện ở mỗi bước đi, đặc biệt rõ ràng khi người bệnh leo cầu thang, chơi thể thao, đi lại hoặc chạy nhảy nhiều.
- Thường gây ra sự khó chịu và tức ngón chân, đặc biệt khi bạn di chuyển hoặc đứng lâu.
- Âm thanh lạ phát ra khi bệnh nhân cố gắng xoay hoặc di chuyển khớp cổ chân.
- Tình trạng sưng đau kéo dài còn lan sang cả các bộ phận khác như mắt cá chân.
- Viêm khớp cổ chân có dịch có thể dẫn đến cứng khớp, hạn chế tầm vận động của khớp cổ chân hoặc bất động toàn khớp.
- Sốt, cơ thể mệt mỏi và khó chịu, không muốn vận động. Theo thời gian, thói quen ít hoạt động thể chất khiến lưu lượng hồng cầu đến khớp cổ chân giảm đi đáng kể. Khớp yếu dần dễ dẫn đến thoái hóa khớp.
Nguyên nhân viêm khớp cổ chân
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm khớp cổ chân, dưới đây là một số nguyên nhân chính thường gặp phải:
Viêm khớp cổ chân sau chấn thương
Những chấn thương khi lao động, chơi thể thao hoặc chạy bộ như: bong gân, trật khớp, gãy xương… gây viêm, sưng khớp mắt cá chân hoặc viêm khớp mắt cá chân. Từ đó ảnh hưởng đến vận động và đi lại.
Lão hóa
Theo quy luật tự nhiên, quá trình lão hóa xương khớp diễn ra khiến cho phần sụn khớp, đặc biệt là sụn khớp ở cổ chân dần bị thoái hóa. Lúc này các xương cọ xát vào nhau gây ra tình trạng đau nhức, vận động khó khăn.
Béo phì, thừa cân
Khi cơ thể nạp vào quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm, chất béo dễ dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì. Điều này tạo thêm áp lực cho phần cổ chân. Tình trạng này kéo dài khiến khớp cổ chân bị tổn thương và gây viêm nhiễm.
Do một số bệnh lý hoặc dị dạng xương khớp
Một số bệnh lý như: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, gút,… cũng có nguy cơ dẫn đến viêm khớp cổ chân. Ngoài ra, những người dị dạng khớp bẩm sinh hoặc mắc các bệnh lý làm thay đổi hình thái xương khớp cũng dễ dẫn đến viêm khớp.
Do thói quen lười vận động
Lười vận động khiến dịch và sụn khớp không được điều tiết, khả năng thích ứng với những thay đổi trong quá trình vận động bị kém dần. Kèm theo đó là mật độ xương suy giảm nên chỉ một tai nạn nhỏ hoặc vận động quá mạnh cũng khiến khớp cổ chân chịu tổn thương.
Nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời, tình trạng sưng viêm sẽ hình thành và người bệnh có nguy cơ phải “đối mặt” những cơn đau nhức và cứng khớp.
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp cổ chân
Chẩn đoán viêm khớp cổ chân chủ yếu là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Bản chất của bệnh là một triệu chứng, có thể nằm trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Do vậy, việc chẩn đoán cần phải tìm ra được nguyên nhân đằng sau gây bệnh.
Đầu tiên, người bệnh sẽ được chẩn đoán lâm sàng. Ở hạng mục này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng viêm sưng, phạm vi chuyển động của cổ chân trong đi lại, xoay duỗi. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cung cấp cho bác sĩ chi tiết về bệnh sử của mình, tình trạng sức khỏe để bác sĩ có thể hiểu rõ sức khỏe tổng quan của người bệnh.
Dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra mức độ tổn thương của khớp và sụn cổ chân.
Những phương pháp chẩn đoán viêm khớp cổ chân gồm:
- Chụp X-quang: Quan sát được tình trạng sụn khớp, bao gồm sự hiện diện của gai xương nếu có
- Chụp MRI: hiển thị kết quả của cả khớp, sụn và các mô mềm xung quanh khớp như dây chằng, gân,…
- Xét nghiệm máu: chỉ định cho những trường hợp nghi ngờ là viêm khớp cổ chân do các bệnh tự miễn, hoặc rối loạn chuyển hóa như gout,…
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về bệnh Viêm khớp cổ chân. Viêm khớp cổ chân có thể điều trị dứt điểm nếu người bệnh được can thiệp kịp thời với phác đồ phù hợp. Mặt khác, nếu tình trạng kéo dài, trở thành mạn tính sẽ tiềm ẩn rất nhiều biến chứng bệnh lý xương khớp khác. Do vậy, người bệnh cần đi khám bác sĩ gấp ngay khi có triệu chứng đau, cứng cổ chân.