Phương pháp điều trị viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc điều trị khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vậy viêm khớp cổ chân là bệnh gì? Phương pháp điều trị ra sao? Bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Những điều cần biết về viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân, còn được gọi là viêm khớp mắt cá chân là tình trạng phần sụn đệm giữa hai đầu xương bị hư hỏng, tổn thương do giảm sút lượng dịch nhầy bôi trơn, từ đó gây ra triệu chứng đau khớp mắt cá chân và cứng khớp.
Viêm khớp cổ chân thường phổ biến ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như thừa cân béo phì, chấn thương, ít vận động mà số lượng người trẻ mắc bệnh này cũng đang dần tăng lên.
Bệnh không thể tự lành mà cần can thiệp bằng các biện pháp y tế. Đặc biệt khi bệnh chuyển thành mãn tính sẽ rất khó để chữa trị và nguy cơ gặp phải biến chứng là rất cao.
Một số dấu hiệu nhận biết viêm khớp cổ chân:
- Vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm, thường cứng khớp vào buổi sáng khi vừa thức dậy.
- Cảm giác đau nhói ở cổ chân xuất hiện ở mỗi bước đi, đặc biệt rõ ràng khi người bệnh leo cầu thang, chơi thể thao, đi lại hoặc chạy nhảy nhiều.
- Thường gây ra sự khó chịu và tức ngón chân, đặc biệt khi bạn di chuyển hoặc đứng lâu.
- Âm thanh lạ phát ra khi bệnh nhân cố gắng xoay hoặc di chuyển khớp cổ chân.
- Tình trạng sưng đau kéo dài còn lan sang cả các bộ phận khác như mắt cá chân.
- Viêm khớp cổ chân có dịch có thể dẫn đến cứng khớp, hạn chế tầm vận động của khớp cổ chân hoặc bất động toàn khớp.
- Sốt, cơ thể mệt mỏi và khó chịu, không muốn vận động. Theo thời gian, thói quen ít hoạt động thể chất khiến lưu lượng hồng cầu đến khớp cổ chân giảm đi đáng kể. Khớp yếu dần dễ dẫn đến thoái hóa khớp.
Phương pháp điều trị viêm khớp cổ chân
Điều trị bằng thuốc
Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh của từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Với những trường hợp viêm đau khớp không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sau để điều trị các triệu chứng:
- Thuốc kháng sinh giảm đau, kháng viêm: Diclofenac, korulac, ibuprofen, paracetamol, Aspirin, Naproxen,… Trường hợp nặng có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Corticoid vào khớp.
- Thuốc làm chậm tổn thương khớp: Diacerein, Piascledine, Glucosamin sulfat,…
- Thuốc giãn cơ: Giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ, giảm đau cho người bệnh.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng những loại thuốc trên sẽ gây nhờn thuốc, đồng thời có nguy cơ gặp phải các tác dụng của thuốc như đau dạ dày, tăng men gan, xơ vữa động mạch, loãng xương…
Chính vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc kể trên đề điều trị, người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Vật lý trị liệu
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân mắc viêm khớp cổ chân cũng được khuyến khích điều trị bằng vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho các mô mềm (gân, dây chằng, cơ) xung quanh khớp mắt cá.
Điều này giúp giảm áp lực lên mắt cá chân và tăng phạm vi chuyển động của khớp.
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt nóng có tác dụng nâng cao khả năng tuần hoàn cho máu, giảm đau, chống viêm, đồng thời nuôi dưỡng và phục hồi nhanh tổn thương xương khớp. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang bị viêm khớp cổ chân trong tình trạng sưng, viêm cấp thì cần tránh sử dụng nhiệt nóng.
- Tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm: Phương pháp này giúp người bệnh lưu thông khí huyết, giảm đau nhức cổ chân, cải thiện khả năng vận động.
- Sóng ngắn trị liệu: Sử dụng các bức xạ điện từ có sóng ngắn có tác dụng giảm đau, chống viêm, giãn mạch, tăng cường lưu thông máu ở vùng khớp cổ chân.
Bên cạnh đó, xoa bóp, châm cứu và các liệu pháp vật lý khác thường được sử dụng để điều trị viêm khớp cổ chân. Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật lựa chọn cuối cùng mà bác sĩ và bệnh nhân hướng tới bởi bởi đây là phương án điều trị tốn kém khá nhiều chi phí và tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe về sau.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi có dấu hiệu hư hỏng, bào mòn, thoái hóa khớp…, bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc trong một thời gian dài nhưng vẫn cử động, di chuyển khó khăn. Phẫu thuật thường bao gồm các loại hình sau:
- Phẫu thuật nội soi, sửa chữa, tái tạo bề mặt sụn khớp và làm lành các khớp bị tổn thương.
- Phẫu thuật đặt thiết bị hỗ trợ vào bên trong khớp xương.
- Phẫu thuật thay thế khớp cổ chân bằng khớp nhân tạo. Có thể phẫu thuật toàn phần hoặc bán phần, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Chăm sóc hiệu quả viêm khớp cổ chân tại nhà
Để cải thiện tình trạng viêm khớp cổ chân, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà:
- Chườm đá lạnh để xoa dịu các triệu chứng sưng viêm. Bạn nên bọc đá lạnh vào khăn mềm và chườm lên phần sưng trong khoảng 15 – 20 phút để có hiệu quả.
- Quấn vùng mắt cá chân bị thương bằng băng thun y tế giúp ổn định khớp và giảm tình trạng sưng đau. Lưu ý, khi quấn không nên quấn quá chặt, khiến cho máu huyết không lưu thông.
- Kê chân cao hơn so với tim khi nằm nghỉ ngơi để giúp tăng cường lưu thông máu, giảm ứ tắc máu tại vùng khớp.
- Khi tình trạng đau nhức trở nên nặng hơn thì tuyệt đối không nên di chuyển. Nếu bắt buộc phải di chuyển thì nên dùng nạng hoặc nhờ người dìu đỡ.
- Trường hợp, khớp cổ chân bị cứng thì bệnh nhân nên tập co, duỗi khớp cổ chân.
Biện pháp phòng ngừa viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân có thể được phòng ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc này giúp tăng cường đề kháng, bảo vệ sức khỏe toàn diện. Dù là người đã từng mắc bệnh hay người chưa từng bị viêm khớp cổ chân cũng nên tuân theo để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh.
Những biện pháp phòng tránh bao gồm:
- Khởi động kỹ và hạn chế sai tư thế trong các môn thể thao sử dụng nhiều đến cổ chân như: bóng rổ, bóng đá, chạy…
- Hạn chế mang vác nặng hoặc ưu tiên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nếu có
- Chuyên gia y tế khuyến khích người bệnh đi bơi vì đây là một môn thể thao tốt cho sức khỏe toàn diện. Bơi giúp tăng cường hệ tuần hoàn máu, làm chậm quá trình thoái hóa khớp, cải thiện chức năng cơ xương khớp hiệu quả.
- Tăng cường vận động trong ngày, luyện tập thể thao mỗi ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể
- Kiểm soát cân nặng, không để rơi vào tình trạng thừa cân béo phì
- Kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các chất đa lượng (đạm, chất béo tốt, tinh bột) và vi lượng (vitamin, chất khoáng…)
- Bổ sung canxi từ đa dạng nguồn thực phẩm như: sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt và đậu, quả sung,…
Trên đây là toàn bộ các thông tin giúp độc giả hiểu hơn về bệnh viêm khớp cổ chân cũng như cách điều trị. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.