Viêm khớp cổ chân có nguy hiểm không?
Viêm khớp cổ chân là tình trạng viêm khớp xảy ra ở vùng mô mềm xung quanh cổ chân. Triệu chứng điển hình khi khớp cổ chân bị viêm là cơn đau khớp do các mô bị phá vỡ theo thời gian. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ bị cứng khớp, gây cản trở vận động hằng ngày của người bệnh.
Đối tượng nguy cơ mắc viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân thường gặp ở người già. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh lý này cũng xuất hiện ở những người trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao cường độ mạnh, dễ chấn thương khớp cổ chân như đá bóng, gym, các môn võ tấn công,…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp cổ chân, bao gồm:
- Tuổi tác: Những người có độ tuổi từ trung niên trở lên có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cổ chân do hệ thống bôi trơn suy giảm, cấu trúc xương không còn vững chắc, khả năng phục hồi sau tổn thương cũng giảm dần. Những yếu tố trên xuất hiện do quá trình lão hóa tự nhiên của toàn bộ cơ thể.
- Thừa cân: Trọng lượng toàn bộ cơ thể đều dồn lên hai chân, đặc biệt khi vận động như chạy nhảy, hoạt động thể thao. Khi thừa cân, áp lực lên chân càng tăng lên, áp lực tác động trong thời gian dài khiến chân phải chịu sức ép lớn, dần dần bị suy yếu, tổn thương và bị viêm khớp.
- Chấn thương: Những chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương… không được điều trị tối ưu cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cổ chân. Điều này có thể giải thích vì sau khi bị tổn thương, các cấu trúc kể trên yếu hơn, không có khả năng giữ vững mức độ hoạt động bình thường, đồng thời dễ gây ra viêm nhiễm.
- Bệnh lý cơ xương khớp: Nếu bệnh nhân có bệnh về rối loạn chuyển hóa hoặc các bệnh khác như gout, viêm đa khớp, thoái hóa cột sống, viêm gân,… thường có viêm khớp cổ chân kèm theo.
- Các nguyên nhân khác: Yếu tố di truyền, dị dạng khớp bẩm sinh, căng thẳng kéo dài làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch,… cũng là những nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cổ chân. Tuy nhiên, các yếu tố này thường rất hiếm gặp.
Triệu chứng của viêm khớp cổ chân
Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết viêm khớp cổ chân qua cơn đau cục bộ, và phạm vi chuyển động của cổ chân bị hạn chế. Triệu chứng này thể hiện rõ ràng nhất khi người bệnh vừa mới ngủ dậy, hoặc sau khi bất động khớp trong thời gian dài. Thông thường, triệu chứng cứng khớp sẽ giảm dần khi người bệnh xoa bóp, co duỗi khớp khoảng 30 – 60 phút.
Dấu hiệu viêm khớp vùng cổ chân phổ biến nhất mà người bệnh thường gặp là:
- Sưng đau cổ chân
- Mất sức, yếu khớp
- Cứng khớp, giảm phạm vi chuyển động cổ chân
- Đau khi chạm vào cổ chân
- Đau nhói khi vận động
- Quanh cổ chân bị sưng nóng hoặc đỏ
- Có tiếng kêu khi người bệnh cử động cổ chân như xoay, đi lại…
- Một số trường hợp có kèm theo sốt, suy nhược cơ thể.
Biến chứng của viêm khớp cổ chân
Có thể kể đến một vài biến chứng của bệnh viêm khớp cổ chân như sau:
- Viêm màng bao hoạt dịch khớp cổ chân: Khi khớp cổ chân bị viêm, các mạch máu xung quanh tăng tính thấm thu hút các yếu tố viêm dẫn đến màng hoạt dịch bị viêm.
- Biến dạng khớp và teo cơ: Do không vận động trong thời gian dài, máu đến nuôi cơ giảm đi, lâu dần cơ sẽ teo đi do không được nuôi dưỡng. Tổn thương xương và các cấu trúc lân cận làm biến dạng trục tự nhiên của khớp dẫn đến biến dạng khớp do dính khớp,… khiến di chuyển trở nên khó khăn hơn.
- Tàn phế: Nếu bệnh tình trở nên nghiêm trọng và không thể khắc phục được nữa, người bệnh phải đối diện với nguy cơ khớp cổ chân mất khả năng vận động suốt đời.
Với việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, cùng với việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, người bệnh có thể kiểm soát tốt tình trạng viêm khớp cổ chân và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.