Chế độ ăn uống phù hợp cho người mắc bệnh tả
Bệnh tả (cholera) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra triệu chứng nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Những yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tả
Bệnh tả thường phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, đông đúc, chiến tranh và nạn đói như châu Phi, Nam Á và Mỹ Latinh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh tả, như:
- Điều kiện vệ sinh kém, thời tiết nóng ẩm, thiếu nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tình trạng mất vệ sinh ở những vùng sau lũ lụt, thảm họa, trại tị nạn…
- Sống tại vùng dịch tễ có dịch tả lưu hành hoặc đang xảy ra như ở các khu vực trại tị nạn, các nước nghèo và các khu vực bị tàn phá bởi nạn đói, chiến tranh hay thiên tai.
- Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là thức ăn đường phố, ăn thức ăn chưa được nấu chín và các loài hải sản có vỏ.
- Đời sống kinh tế xã hội và dân trí thấp, phong tục tập quán sinh hoạt lạc hậu
- Người nhóm máu O: các nghiên cứu gen mới đây cho thấy rằng mức độ dễ bị lây nhiễm của một người đối với bệnh tả phụ thuộc vào nhóm máu của họ. Người có nhóm máu O dễ bị lây nhiễm nhất trong khi người có nhóm máu AB có khả năng kháng cự nhiều nhất, gần như là miễn nhiễm.
Cách phòng ngừa bệnh tả
- Tiêm vacxin: là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh tả. Tuy nhiên thời gian duy trì miễn dịch sau khi tiêm vắc xin này tương đối ngắn, chỉ có hiệu quả làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong vòng 3 đến 6 tháng. Bởi vậy, nên tiêm một liều củng cố cách 6 tháng một lần nếu vẫn tiếp tục có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh và mầm bệnh.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi.
- Phân và chất thải của người bệnh phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B… vào nhà tiêu để sát khuẩn.
- Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi.
- Không ăn rau sống, uống nước lã.
- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…
- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
- Nguồn nước uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Tất cả các nguồn nước dùng để ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B.
- Không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh, xác súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng gây ô nhiễm môi trường nước.
Chế độ ăn uống dành cho người bị bệnh tả
Người mắc bệnh tả nên ăn gì?
- Bù đủ nước và chất lỏng:
- Dung dịch đường uống hay dùng nhất là oresol. Nếu không có sẵn, có thể pha nước dừa non thêm một nhúm muối hoặc trộn nửa thìa muối nhỏ và 6 thìa nhỏ đường vào 1 lít nước sạch. Uống theo nhu cầu và uống thành nhiều ngụm nhỏ để tránh kích thích niêm mạc ruột, giúp việc hấp thụ tốt hơn.
- Trẻ bú mẹ cần được tiếp tục bú mẹ vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cũng như những yếu tố chống bệnh như IgA và lactoferrin, lysozyme… Cho uống nhiều chất lỏng như cháo hoặc cháo ngũ cốc loãng, súp, nước hoặc đồ uống bù nước.
- Bổ sung Kẽm: Một số nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho thấy kẽm có tác dụng trực tiếp đến việc vận chuyển ion của tế bào ruột. Nên bổ sung kẽm theo chỉ định của bác sĩ cho cho trẻ < 5 tuổi ngay khi hết nôn. Bổ sung kẽm đã được chứng minh là giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy và giảm các đợt tiêu chảy khi dùng trong 10-14 ngày. Lưu ý, không tự ý bổ sung kẽm để đề phòng nguy hiểm do nguy cơ dùng quá liều.
- Bổ sung Kali: Những người mắc bệnh tả mất một lượng lớn khoáng chất, bao gồm cả kali, trong phân. Nồng độ kali rất thấp ảnh hưởng đến chức năng tim và thần kinh và đe dọa tính mạng. Bổ sung kali đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, những người có khả năng chịu đựng tình trạng hạ kali máu kém.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: Cần ăn uống đầy đủ chất, đủ năng lượng, đạm, loại chất béo dễ tiêu hóa (dầu thực vật), khoáng chất và vitamin.
- Các chất đạm, kẽm, vitamin… từ thịt, cá, trứng, đậu… sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục hơn.
- Nên tránh tình trạng kiêng cữ quá mức, chỉ cho ăn cháo muối hay cháo đường sẽ làm bệnh nhân suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh cũng như khả năng chống đỡ với sự tấn công của những loại vi khuẩn khác. Ăn uống quá kiêng khem làm tăng tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong trong bệnh tiêu chảy cấp nói chung và bệnh tả nói riêng.
- Cần chú ý những nguyên tắc khi lên thực đơn cho người bị tiêu chảy:
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: để bù nước cho người bệnh. Sau khi tình trạng mất nước được cải thiện có thể chuyển ăn đặc hơn.
- Ăn tăng dần: nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước, chất điện giải, vitamin và năng lượng cho người bệnh.
- Cần ăn uống đúng bữa, khoa học. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để người bệnh dễ hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Những thức ăn tốt cho người bị tiêu chảy:
- Trứng: dễ tiêu hóa, giúp nhuận tràng, làm dịu các vấn đề ở đường ruột và tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể.
- Gạo: như cơm trắng, cháo xay (tùy theo mức độ bệnh) để giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn.
- Bánh mì: Làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày và làm giảm những triệu chứng của bệnh tiêu chảy.
- Khoai tây nghiền: Là thực phẩm chứa nhiều nước và các chất điện giải, đặc biệt là hàm lượng vitamin C phong phú giúp tăng cường sức đề kháng, kháng viêm và làm giảm những cơn đau quặn thắt khi bị tiêu chảy.
- Canh rau củ, canh súp hầm xương: Chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ ăn và giúp người bệnh được bổ sung một lượng nước thông qua việc uống canh.
Thực phẩm người bệnh tả kiêng ăn
- Không nên bù nước bằng nước ép trái cây và nước ngọt, nước có ga vì nồng độ đường quá cao mà lượng điện giải quá thấp, áp lực thẩm thấu cao từ đường làm cho tiêu chảy nặng nề hơn và nhiều đường gây ra chướng bụng.
- Kiêng rượu bia, thức uống có cồn vì có hàm lượng carbohydrate cao và có hiện tượng lên men khi đưa vào cơ thể, khiến ruột sẽ tích tụ nhiều khí gây đầy hơi, đi ngoài nhiều hơn.
- Hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt vì cũng có thể gây kích thích đường ruột.
- Tránh các loại thức ăn dễ lên men: dưa chua, cà muối…
- Không ăn thức ăn chưa được nấu chín, hải sản tươi sống như sushi, gỏi,…
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ như các món chiên xào, thịt mỡ sẽ gây tình trạng đầy hơi, khó tiêu và tăng kích thích co bóp của ruột khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn.
- Rau củ quả nhiều xơ dù rất tốt nhưng không phù hợp với người bị tiêu chảy. Vì những loại rau củ quả này không chỉ dễ sinh khí, khó tiêu mà lượng bã nhiều còn khiến ruột phải tăng cường co bóp, hoạt động và điều này khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi bị tiêu chảy.
- Thức ăn cay, nóng tạo cảm giác kích thích tăng nhu động ruột từ đó không chỉ gây khó chịu dạ dày mà còn khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.