Chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho người bệnh ung thư gan
Ung thư gan là một trong những bệnh lý nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của nhiều người trên toàn cầu. Để mang lại hiệu quả điều trị ung thư, kéo dài tuổi thọ, tăng tỷ lệ sống, bệnh nhân không chỉ cần tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm khắc cùng tâm lý, tinh thần thoải mái, mà còn nên kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học. Vậy đối với người mắc bệnh ung thư gan nên ăn gì và kiêng ăn gì để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Những điều cần biết về ung thư gan
Ung thư gan là sự tăng trưởng bất thường của các mô trong gan. Ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
- Ung thư gan nguyên phát gặp ở 80% bệnh nhân, là hiện tượng xuất hiện các tế bào ác tính trong gan, tăng trưởng không kiểm soát, tập hợp lại với nhau thành khối u ác tính có khả năng xâm lấn tới các mô lân cận và theo máu, hệ bạch huyết di căn tới những cơ quan xa hơn trên cơ thể. Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, chủ yếu ở những người trên 50 tuổi, bị xơ gan hoặc nhiễm siêu vi B, C.
- Ung thư gan thứ phát là dạng bệnh mà tế bào ung thư xuất phát từ cơ quan khác di căn tới gan và hình thành khối u ác tính tại gan.
Ung thư gan nguyên phát thường gặp ở 80% bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan
Có 3 loại nguyên nhân chính gây ung thư gan nguyên phát:
- Viêm gan B mạn tính
- Viêm gan C mạn tính
- Bệnh gan gây ra bởi uống quá nhiều đồ uống có cồn.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn, và có thể bao gồm các bệnh di truyền về gan, xơ gan (sẹo ở gan), hoặc một chất độc có tên aflatoxin được tìm thấy trong đậu phộng, lúa mì, đậu nành và ngũ cốc mốc.
Triệu chứng ung thư gan
Hầu hết mọi người đều không xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư gan nguyên phát. Các dấu hiệu rõ ràng thường đến ở giai đoạn muộn:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Ăn không ngon miệng
- Cảm giác nặng, đau tức hoặc tự sờ thấy khối vùng hạ sườn phải
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Chướng bụng
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu
Các giai đoạn ung thư gan
Giai đoạn ung thư cho biết mức độ tiến triển của khối u trong cơ thể để có cách điều trị tốt nhất. Ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn I:
Có một khối u duy nhất trong gan, chưa xâm lấn đến bất kỳ mạch máu nào trong gan.
Giai đoạn II:
Một khối u duy nhất trong gan đã xâm lấn các mạch máu, hoặc nhiều khối u nằm trong gan nhưng có kích thước dưới 5cm.
Giai đoạn III:
- Giai đoạn IIIA: Có nhiều khối u trong gan và ít nhất một khối u lớn hơn 5cm; chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
- Giai đoạn IIIB: Có một hoặc nhiều khối u gan, xâm lấn vào một trong những mạch máu chính trong gan (tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan) hoặc xâm lấn vào phúc mạc, chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
Giai đoạn IV:
- Giai đoạn IVA: Các khối u đã di căn vào các hạch bạch huyết gần gan, nhưng chưa đến những cơ quan ở xa.
- Giai đoạn IVB: Khối u đã di căn đến các cơ quan ở xa như phổi, xương hoặc não.
Các giai đoạn của ung thư gan
Bệnh nhân ung thư gan nên ăn gì?
- Trái cây và rau quả tươi: Nên ăn dâu tây, cam, quýt, chuối, nho, cà rốt, ớt chuông đỏ, bí, rốt, bắp cải, bông cải xanh… do chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch, đồng thời không tạo áp lực trong quá trình đào thải cho gan.
- Thực phẩm ít chất béo: Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu thực vật… sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng, gan không quá tải khi đang suy giảm chức năng.
- Ưu tiên sử dụng thịt trắng: Cá, thịt gia cầm, ếch… thay cho các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn…). Bởi thịt đỏ có thể kích thích sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, người bệnh không nên cắt bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn uống mà chỉ nên giảm bớt số lượng.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Bánh mì, gạo, mì là các thực phẩm chứa carbohydrate cung cấp cho cơ thể, giúp cơ thể sản sinh glucose, đây là nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào. Vì vậy việc sử dụng các thực phẩm này sẽ giúp tế bào gan khỏe mạnh và cơ thể chống lại được sự tiến triển của tế bào ác tính.
- Thức ăn hữu cơ: Vì gan đóng vai trò quan trọng trong việc thải độc nên để bảo vệ gan, bệnh nhân ung thư nên tránh các thức ăn đã qua xử lí và các thực phẩm có nhiều chất hóa học.
- Sữa và sữa chua: Làm giảm khả năng phát triển của ung thư gan, đồng thời giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
- Trà xanh và trà đen: Giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, nhờ đó hạn chế sự xâm lấn của khối u.
Các loại rau củ quả hữu cơ (organic) rất tốt cho người bị ung thư gan
Bệnh nhân ung thư gan nên kiêng ăn gì?
- Thực phẩm giàu chất béo: Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể khiến cho gan mệt mỏi trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, cần loại bỏ các món chiên, xào, rán… có nhiều dầu trong chế độ ăn, tránh các loại thịt béo như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn nhiều mỡ…
- Thực phẩm chứa lượng muối cao: Hàm lượng muối cao trong cơ thể sẽ tích tụ dịch trong gan của bệnh nhân, từ đó góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng ung thư gan. Do đó, trong thực đơn của người bệnh nên chế biến chế độ ăn gồm các món ăn nhạt.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Tránh thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, mì ăn liền, nước ngọt có ga…) và thực phẩm có nhiều hóa chất để giảm tải và giải độc cho gan.
- Tránh rượu và đồ uống có cồn, có gas: Các loại đồ uống này khiến gan phải làm việc căng thẳng, trong khi gan đang bị bệnh cần được nghỉ ngơi.
Bệnh nhân ung thư gan nên tránh sử dụng rượu bia
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, bệnh nhân ung thư gan nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều đặn giúp duy trì cân nặng và thể trạng tốt. Ngoài ra, người bị ung thư gan nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình điều trị bệnh.