Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư gan tái phát?
Gan là bộ phận nằm phía dưới phổi phải, một cơ quan lớn nhất trong cơ thể và có nhiều chức năng quan trọng. Ung thư gan tái phát là căn bệnh nguy hiểm, rất khó phát hiện vì người bệnh thường chủ quan khi đã điều trị bệnh này.
Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là tình trạng các khối u ác tính phát sinh trong gan, dẫn đến việc sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của cơ quan quan trọng này.
Ung thư gan có hai loại chính:
- Ung thư gan nguyên phát: hình thành từ chính các tế bào trong gan.
- Ung thư gan thứ phát: phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú…
Nguyên nhân ung thư gan
- Xơ gan: Khoảng 80% người mắc bệnh ung thư gan là do xơ gan. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan:
- Viêm gan B mạn tính
- Viêm gan C mạn tính
- Uống quá nhiều đồ uống có cồn
- Do di truyền
- Dùng nhiều và liên tục thuốc tránh thai
- Do chất độc có tên là aflatoxin được tìm thấy trong đậu phộng, lúa mì, ngũ cốc, đậu nành.
Ung thư tái phát là gì?
Ung thư tái phát là dạng ung thư gan nguyên phát sinh các tế bào ung thư mới sau khi đã tiến hành điều trị. Tình trạng rất phổ biến ở những bệnh nhân mắc ung thư gan. Mặc dù đã điều trị khỏi bệnh, nhưng sau một thời gian thì lại bị lại, có nhiều trường hợp còn bị tái phát sau một khoảng thời gian dài khỏi bệnh. Vì vậy, ung thư gan tái phát rất khó phát hiện vì người bệnh thường chủ quan khi đã điều trị bệnh này.
Ung thư tái phát là dạng ung thư gan nguyên phát sinh các tế bào ung thư mới sau khi đã tiến hành điều trị
Yếu tố nguy cơ gây tái phát ung thư gan
Ung thư gan tái phát thường có nhiều nguyên nhân gây ra khác nhau:
- Việc điều trị ung thư gan nguyên phát không được tiến hành triệt để: Là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ung thư gan tái phát, các tế bào ung thư sẽ tiếp tục phát triển và gây ra ung thư gan tái phát.
- Trong quá trình phẫu thuật, khối u không được cắt sạch hoàn toàn hoặc các biện pháp hóa trị, xạ trị không triệt để loại bỏ ung thư gan nguyên phát.
- Một số nghiên cứu ghi nhận rằng cơ thể phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị ung thư gan mà đã mang thai ngay cũng khiến khả năng miễn dịch bị giảm xuống. Từ đó tạo điều kiện cho các tế bào ung thư còn sót lại phát triển gây ra ung thư gan tái phát.
Mang thai ngay sau khi điều trị ung thư gan làm tăng nguy cơ tái phát bệnh
Biến chứng của ung thư gan
Bệnh ung thư gan nguy hiểm ở chỗ nó có thể dẫn đến một số biến chứng. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng khối u gây tắc ống mật, tổn thương tế bào gan, làm rối loạn chức năng gan dẫn đến tích tụ chất độc trong cơ thể và các biến chứng khác.
Thiếu máu
Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) là một biến chứng rất phổ biến khi gan bị ung thư. Nguyên nhân dẫn tới biến chứng này là do thiếu các yếu tố đông máu dẫn đến chảy máu. Tình trạng thiếu máu kéo dài có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, da xanh xao và choáng váng.
Choáng váng do thiếu máu
Tắc nghẽn ống dẫn mật
Mật được tạo ra trong gan. Các ống dẫn là “con đường” vận chuyển mật về túi mật và đến ruột non. Các khối u gan hoặc khối u ống mật có thể phát triển trong ống dẫn hoặc gần đó, dẫn đến tắc nghẽn ống mật. Khi ống dẫn bị tắc nghẽn sẽ gây nên những cơn đau ở vùng bụng trên bên phải, buồn nôn, nôn, vàng da và ngứa.
Chảy máu
Gan chịu trách nhiệm tạo ra các protein (yếu tố đông máu) giúp máu đông. Khi một phần lớn lá gan đã bị tế bào ung thư làm tổn hại, các protein đông máu không còn được sản xuất với số lượng đủ. Hệ quả là tình trạng xuất huyết có thể xảy ra (ngay cả với số lượng tiểu cầu bình thường) dẫn tới thiếu máu. Dấu hiệu đầu tiên của biến chứng này thường là chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu cam thường xuyên. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh có nguy cơ xuất huyết nội tạng.
Giãn tĩnh mạch thực quản
Một khối u trong gan là nguyên nhân khiến máu khó lưu thông qua các tĩnh mạch nhỏ ở thực quản về tĩnh mạch lớn, dần dần gây ra giãn tĩnh mạch. Khi những tĩnh mạch nhỏ bị vỡ dẫn đến chảy máu trong thực quản, gọi là xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị nhanh chóng. Tương tự, biến chứng này cũng có khả năng xảy ra ở dạ dày và ruột.
Hội chứng gan thận
Đây là tình trạng bệnh gan biến chứng sang thận do những thay đổi trong mạch máu khiến lượng máu đến thận giảm sút. Hội chứng gan thận rất phổ biến với bệnh nhân bị ung thư gan cũng như các bệnh lý gan khác. Chuyên gia ước tính, 40% những người bị xơ gan sẽ phát triển hội chứng này trong vòng 5 năm. Những ai bị hội chứng gan thận thường không thể phục hồi trừ khi thực hiện ghép gan.
Bệnh não gan
Độc tố mà gan không thể loại bỏ sẽ di chuyển đến não gây mất trí nhớ, mất phương hướng, thay đổi tính cách và lú lẫn. Có nhiều cách để điều trị bệnh não gan và tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của khối u gan.
Di căn
Là biến chứng đáng sợ nhất của ung thư gan. Tế bào ung thư từ gan sẽ di căn tới những cơ quan khác trên cơ thể. Việc điều trị ở giai đoạn di căn hầu như không thể chữa khỏi, chỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống và giảm bớt triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Cách ngăn ngừa ung thư gan tái phát
Ung thư gan tái phát thường xảy ra sau hai năm đầu điều trị, có thể xuất hiện ở vị trí ban đầu hoặc rất gần với nó. Ung thư gan tái phát cũng có thể tái phát ở các mô, các cơ quan ở xa như tủy xương, phổi, vú hoặc não,… mà chúng ta thường biết đến là di căn hoặc ung thư gan thứ phát.
Khám sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa tốt nhất ung thư gan tái phát
Thông thường rất khó để phát hiện ung thư gan tái phát vì như đã nói ở trên, người bệnh thường khá chủ quan khi đã điều trị bệnh này. Nhưng chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách ăn uống, sinh hoạt cẩn thận và khám sức khỏe định kỳ theo lịch trình mà bác sĩ yêu cầu để có thể phát hiện sớm được bệnh và có các phương pháp điều trị cụ thể.
Kết luận
Ngăn ngừa ung thư gan tái phát đòi hỏi sự kết hợp giữa việc duy trì lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe định kỳ và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn điều trị từ bác sĩ. Việc ăn uống cân đối, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý và tránh tiếp xúc với các chất độc hại là những yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng viêm gan B và điều trị viêm gan C cũng đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa ung thư gan. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời để bảo vệ sức khỏe và tăng cường chất lượng cuộc sống.