Hội chứng Cushing có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Hội chứng Cushing là một vấn đề Nội tiết không thường gặp, do tình trạng tăng kéo dài hormone cortisol. Điều này khiến sức khỏe người mắc hội chứng Cushing phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vậy hội chứng cushing có thể chữa khỏi hoàn toàn không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.
Dấu hiệu hội chứng Cushing
Các triệu chứng của hội chứng Cushing đa dạng, có thể khác nhau tùy vào mức độ dư thừa cortisol, triệu chứng tiến triển chậm có thể trong nhiều năm. Những triệu chứng thường gặp gồm:
- Béo phì: là triệu chứng thường gặp nhất, bắt đầu bằng việc tăng cân nhanh. Béo phì chủ yếu mập phần thân, tụ mỡ ở các vị trí đặc trưng như ở mặt tạo hình ảnh mặt tròn như mặt trăng, da mặt ửng đỏ, ở vùng trên đòn làm hố thượng đòn đầy, ở sau gáy tạo hình ảnh bướu mỡ sau gáy (buffalo hump), ở vùng bụng, ngực, ít ảnh hưởng đến tay chân.
- Teo cơ và yếu cơ: cơ chân tay teo gầy, hoạt động mau mệt mỏi, yếu cơ có thể nặng thêm do giảm Kali máu.
- Teo da và mô dưới da: da có vết rạn màu đỏ tím, thường ở vùng bụng dưới, có thể gặp ở đùi và thân người, da mỏng dễ bị bầm, chậm lành sẹo sau tổn thương và dễ bị nấm ngoài da.
- Rậm lông, mọc râu, mụn trứng cá ở nữ.
- Rối loạn sinh dục: thiểu kinh hoặc vô kinh ở nữ, có thể gây vô sinh. Suy sinh dục ở cả nam và nữ, gây giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương.
- Tăng huyết áp: thường gặp, có trong 75% trường hợp. Tăng huyết áp tâm trương hay cả 2 số, thông thường huyết áp tâm trương > 100mmHg trong 50% các trường hợp, có thể phù nhẹ ở mắt cá do giữ nước và muối.
- Rối loạn đường huyết (đái tháo đường): thường gặp ở những người có tiền căn gia đình hay ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
- Loãng xương: gặp ở mọi bệnh nhân, nhẹ gây đau lưng, đau nhức xương, nặng gây xẹp đốt sống, gãy xương bệnh lý ở bàn chân, xương sườn hoặc xương cột sống. Hoại tử chỏm xương đùi vô trùng thường xảy ra trong hội chứng Cushing do thuốc.
- Rối loạn tâm thần: thay đổi cảm xúc hay cảm xúc không ổn định, trạng thái kích thích hay trầm cảm, rối loạn tâm thần. Thường gặp trầm cảm, giảm trí nhớ, giảm tập trung.
- Các triệu chứng khác: sạm da toàn thân trong các trường hợp có tăng ACTH máu lạc chỗ do u, sỏi thận do tăng thải canxi qua nước tiểu.
- Chậm phát triển ở trẻ em: do nồng độ cortisol cao ức chế tác dụng hormone tăng trưởng, tăng cân và chậm phát triển chiều cao ở trẻ em cần được tầm soát hội chứng Cushing.
- Uống nhiều nước, tiểu nhiều: có thể do tăng đường huyết, cortisol cũng có tác dụng ức chế bài tiết hormone chống bài niệu ADH và tăng thải nước tự do qua thận.
Điều trị và theo dõi hội chứng Cushing
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và có thể bao gồm:
- Khối u của tuyến yên – khối u được phẫu thuật cắt bỏ. Các lựa chọn khác bao gồm xạ trị và điều trị bằng thuốc để thu nhỏ khối u và ngăn chặn nó sản xuất hormone.
- Khối u của tuyến thượng thận – khối u được phẫu thuật cắt bỏ. Liệu pháp hormone thay thế có thể cần thiết trong một thời gian ngắn.
- Khối u sản xuất ACTH – điều trị bao gồm phẫu thuật để loại bỏ khối u, tiếp theo có thể là hóa trị, liệu pháp miễn dịch và xạ trị. Thuốc có thể làm giảm khả năng của tuyến thượng thận để tạo ra cortisol.
- Xạ trị và phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ các khối u và các tuyến liên quan. Liệu pháp thay thế hormone liên tục là cần thiết sau phẫu thuật.
- Liệu pháp hormone Glucocorticoid – ngưng dùng thuốc tất nhiên không nên dừng đột ngột.
Hội chứng Cushing có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Đa phần tình trạng suy tuyến thượng thận do lạm dụng quá mức các thuốc kháng viêm, giảm đau dạng corticoid đều có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, thời gian để hồi phục lại chức năng của tuyến thượng thận rất khác nhau, có thể chỉ cần vài tháng nhưng cũng có thể đến vài năm. Đặc biệt, cũng có một số trường hợp chức năng tuyến thượng thận không thể hồi phục được.
Tùy vào thời gian dùng thuốc có chứa corticoid trước đó của người bệnh, dùng càng lâu thì thời gian hồi phục sẽ càng kéo dài.
Để biết được chức năng tuyến thượng thận đã hồi phục chưa thì bác sĩ sẽ tiến hành cho thử máu và đánh giá dự trữ hormon tuyến thượng thận theo các đợt tái khám định kỳ.
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về hội chứng Cushing. Ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng Cushing, người bệnh nên tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn, lên phác đồ điều trình phù hợp.