Đái máu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Đái máu, hay còn gọi là hematuria, là tình trạng nước tiểu có lẫn máu, có thể là một dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này có thể khiến bạn lo lắng, nhưng việc hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về đái máu, giúp bạn nhận diện triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Đi tiểu ra máu, hay còn gọi là đái ra máu là hiện tượng nước tiểu đào thải ra khỏi cơ thể có lẫn máu hoặc màu hồng nhạt. Độ đậm của nước tiểu sẽ phụ thuộc vào loại tiểu máu mà người bệnh mắc và lượng hồng cầu (máu) bị rò rỉ vào bên trong nước tiểu. Có hai loại tiểu máu gồm tiểu máu vi thể và tiểu máu đại thể.
Nếu người bệnh mắc tiểu máu đại thể có thể nhận biết bệnh bằng mắt thường với triệu chứng điển hình là nước tiểu chuyển màu hồng nhạt hoặc đỏ. Tuy nhiên, người bị tiểu máu vi thể sẽ không thể thấy được máu trong nước tiểu của mình. Hồng cầu của tiểu máu vi thể chỉ hiển thị dưới kính hiển vi khi xét nghiệm nước tiểu.
Triệu chứng
Dấu hiệu lâm sàng rõ ràng nhất của tiểu ra máu đại thể là nước tiểu màu hồng nhạt hoặc đỏ. Tuy nhiên, việc máu lẫn vào nước tiểu không gây đau đớn cho người bệnh. Nếu người bệnh có kèm những cơn đau ở vùng chậu, bụng dưới hoặc thắt lưng cùng lúc với triệu chứng tiểu ra máu, đấy là những triệu chứng khác của bệnh thận, bàng quang. Lúc này, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám với bác sĩ chuyên môn càng sớm càng tốt.
Người bệnh cần lưu ý, vì tiểu ra máu là triệu chứng của bệnh lý tiết niệu, nên sẽ thường xuất hiện cùng với những dấu hiệu lâm sàng khác như buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh và những cơn đau ở bụng hoặc lưng dưới.
Đối với tình trạng tiểu ra máu vi thể, người bệnh sẽ không có dấu hiệu nào để nhận biết bệnh, cho đến khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, người bệnh có thể nghi ngờ mình bị tiểu máu vi thể khi xuất hiện những triệu chứng kể trên.
Nguyên nhân
Viêm bàng quang là tình trạng viêm sưng cấp tính hoặc mạn tính ở bàng quang. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm hơn 50% trường hợp viêm bàng quang.
Bên cạnh những triệu chứng như tiểu rắt, tiểu buốt, viêm bàng quang có thể gây ra chảy máu, được gọi là viêm bàng quang xuất huyết. Điều này là dấu hiệu của viêm bàng quang tiến triển nặng khiến bàng quang phù nề xuất huyết.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng trong bàng quang, thận, niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt ở nam giới là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu ra máu.
Việc nhiễm trùng này là tình trạng viêm sưng do vi khuẩn gây ra khi xâm nhập vào các cơ quan hệ tiết niệu như bàng quang, thận, cầu thận hoặc niệu đạo. Viêm sưng nếu nặng sẽ dẫn đến xuất huyết. Lượng máu này sẽ được đào thải chung với nước tiểu đi ra ngoài. Đây là hiện tượng tiểu ra máu do nhiễm trùng.
Sỏi tiết niệu được biết là bên trong cơ quan tiết niệu, phổ biến là bàng quang và thận, xuất hiện những khối khoáng chất cứng. Những khối sỏi này phát triển khi các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc kết tinh và cuối cùng là tạo thành sỏi.
Một trong những triệu chứng của sỏi thận là tiểu ra máu. Đây là dấu hiệu lâm sàng khi khối sỏi ma sát với niêm mạc tiết niệu theo dòng nước tiểu. Sự va chạm này gây tổn thương lên niêm mạc làm niêm mạc chảy máu.
U bướu thận
U bướu thận là các khối u lành tính hoặc ác tính xuất hiện ở thận. Các khối u nếu lành tính sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần phải lưu ý và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Bên trong những khối u lành tính vẫn có khả năng cáo xuất hiện các tế bào ác tính. Những tế bào này là nguyên nhân gây chèn ép các cơ quan khác khi phân chia và phát triển trong thời gian ngắn. Điều này tác động rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Khối u bướu thận ác tính sẽ không có dấu hiệu lâm sàng trong giai đoạn đầu tiên. Khi người bệnh bước vào giai đoạn nặng hơn, bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiểu ra máu, đau vùng thắt lưng, sút cân và thiếu máu nghiêm trọng.
Phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là một bệnh tiết niệu ở nam giới, gây ra sự tăng sinh lành tính của mô nền và tế bào niêm mạc tuyến. Nói cách khác, đây là sự phình to của tuyến tiền liệt dẫn đến các triệu chứng như tiểu nhiều, tiểu gấp, bí tiểu.
Tiểu ra máu là một trong những triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, tiểu ra máu không phổ biến bằng những triệu chứng kể trên.
Bệnh thận
Những bệnh lý về thận như viêm cầu thận hoặc viêm thận có thể gây tiểu ra máu ở người bệnh. Đối với viêm cầu thận, tiểu ra máu là hiện tượng do cầu thận suy giảm chức năng lọc máu, làm rò rỉ hồng cầu vào trong nước tiểu.
Bệnh viêm thận và viêm bể thận cấp cũng có khả năng dẫn đến tiểu máu do viêm sưng.
Những bệnh thận loại cấp tính có thể điều trị đơn giản bằng thuốc hoặc một số trường hợp cũng tự khỏi mà không cần điều trị.
Vô căn
Tiểu ra máu vô căn là không tìm ra nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm máu lẫn vào bên trong nước tiểu trong quá trình đào thải ra khỏi cơ thể.
Đi tiểu ra máu vô căn có thể xảy ra với những thành viên trong gia đình. Những người bị tiểu máu do gia đình có bệnh sử liên quan đến thận kèm triệu chứng tiểu máu, nhưng các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng là âm tính thì có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị.
Đối tượng nguy cơ
Các bệnh lý tiết niệu có thể xảy ra với mọi đối tượng thuộc mọi lứa tuổi. Điều đó cũng có nghĩa là tiểu ra máu, một triệu chứng điển hình của bệnh tiết niệu, có thể xuất hiện với bất kỳ ai.
Ngoài ra, người khỏe mạnh cũng có hồng cầu với một lượng vừa đủ. Vì vậy, khi hệ tiết niệu chịu sự tổn thương hoặc những thay đổi đột ngột cản trở quá trình làm việc của hệ tiết niệu. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiết niệu sẽ có nguy cơ bị tiểu ra máu tương tự.
Những yếu tố xấu khiến tăng cao rủi ro bị tiểu máu ở người gồm:
- Tuổi tác: Nam giới trên 50 tuổi có khả năng cao bị phì đại tuyến tiền liệt, có triệu chứng tiểu ra máu
- Người vừa bị nhiễm trùng gần đây: Những loại nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ tiểu ra máu gồm viêm thận do vi khuẩn hoặc viêm cầu thận
- Người đang bị hoặc có tiền sử bị sỏi tiết niệu
- Gia đình có bệnh sử các bệnh tiết niệu hoặc thận kèm triệu chứng tiểu ra máu
- Sử dụng các loại thuốc chống viêm NSAID hoặc kháng sinh tự phát. Không theo liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ hoặc các chuyên viên y tế
- Vận động viên chạy bộ cũng có khả năng bị tiểu máu nhiều hơn người khác
Chẩn đoán đái máu
Tiểu ra máu chủ yếu thực hiện chẩn đoán trên kết quả xét nghiệm nước tiểu. Dựa vào số lượng hồng cầu bên trong nước tiểu, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe tiết niệu của người bệnh. Ngoài ra, tiểu ra máu còn được chẩn đoán bằng những phương pháp khác như:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nồng độ các chất bên trong nước tiểu
- Cấy nước tiểu: Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, vi khuẩn bên trong mẫu nước tiểu người bệnh
- Xét nghiệm tế bào nước tiểu: Xét nghiệm tìm ra những tế bào bất thường trong nước tiểu
Kết hợp kết quả xét nghiệm của nước tiểu cùng với những dấu hiệu lâm sàng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiếp tục làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn. Hoạt động này để tìm ra căn nguyên của triệu chứng tiểu ra máu này và điều trị.
Những phương pháp chẩn đoán này bao gồm:
- Nội soi bàng quang
- Siêu âm thận, tiết niệu, bàng quang
- Chụp cắt lớp CT
- Chụp MRI
Phòng ngừa bệnh
Các nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng không ảnh hưởng cũng như không làm tăng nguy cơ bị đi tiểu ra máu ở người. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị tiểu máu cũng như mắc các bệnh lý tiết niệu khác.
Những biện pháp giúp bạn phòng ngừa tiểu ra máu tối ưu gồm:
- Hạn chế nhịn tiểu hoặc đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Uống nhiều nước và giảm độ mặn trong khẩu vị ăn để ngừa sỏi thận
- Hạn chế hoặc không hút thuốc, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác
Điều trị tiểu ra máu như thế nào?
Vì tiểu ra máu được gây ra bởi những bệnh lý đường tiết niệu, vì vậy để điều trị tiểu máu, người bệnh cần điều trị dứt điểm nguyên nhân gây tiểu máu này. Không có sự khác nhau giữa phác đồ điều trị tiểu máu ở người lớn và trẻ em.
Phương pháp điều trị sẽ được chỉ định dựa trên loại bệnh lý mà người bệnh mắc phải. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng thì sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn.
Với những người bị tiểu ra máu do sỏi thận, các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý sỏi thận, kết hợp uống thuốc để điều trị. Trong trường hợp kích thước sỏi không quá to, người bệnh sẽ được yêu cầu uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải sỏi ra ngoài mà không cần phẫu thuật hoặc tán sỏi.
Đái máu là triệu chứng có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Nếu bạn thấy nước tiểu có máu hoặc có các triệu chứng khác, hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc kiểm tra và điều trị sớm sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần thiết, vì sức khỏe của bạn là quan trọng nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.