Những loại thuốc cần trữ sẵn trong nhà dịp Tết Nguyên đán
Những loại thuốc đầy bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, tăng huyết áp… mọi người nên chủ động mua trữ trong dịp Tết Nguyên đán để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Người Việt thường kiêng kỵ mua thuốc, uống thuốc dịp Tết. Nhưng nếu không chuẩn bị sẵn, trong trường hợp có người nhà bị sốt, đau bụng, tiêu chảy… thì không biết xử lý thế nào?
Việc chuẩn bị “tủ thuốc ngày tết” vô cùng quan trọng vì những ngày này thường có sự thay đổi về chế độ dinh dưỡng, nhịp sống, thậm chí cả về khí hậu… làm cơ thể chúng ta dễ mắc những bệnh cấp tính (cảm sốt, nhức đầu, ho, rối loạn tiêu hóa, dị ứng…) và những bệnh mãn tính (đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…).
Dưới đây là những loại thuốc cơ bản mọi người nên chuẩn bị trong tủ thuốc nhà mình:
Bệnh mãn tính
– Tiểu đường: cần chuẩn bị sẵn insulin có kèm bơm tiêm hoặc thuốc uống hạ đường huyết. Nên luôn có sẵn dụng cụ thử đường huyết.
– Bệnh tim mạch: nên có sẵn thuốc bác sĩ chỉ định để sử dụng thường ngày, không bao giờ được ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu đã bị cơn đau thắt ngực nên có sẵn thuốc giãn mạch trong nhà để dùng. Nếu trước đây đã từng có những đợt suy tim nên cần có thuốc điều trị để dùng kịp thời.
Bệnh cấp tính
– Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu: nếu kèm theo đau gọi là đau dạ dày nên dùng một thuốc kháng acid sau: Maalox Plus, Simelox, Phosphalugel, Gaviscon, Pepsan. Cũng có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước âm ấm uống mà theo nhiều người ghi nhận có thể làm giảm chứng khó tiêu.
– Thuốc trị tiêu chảy: thường gặp là chứng tiêu chảy cấp. Người lớn là do ngộ độc thức ăn, còn trẻ nhỏ thường là do nhiễm siêu vi Rotavirus. Cách trị tiêu chảy với trẻ nhỏ nên dùng gói Oresol để bù nước và chất điện giải. Người lớn có thể dùng các thuốc như loperamid (biệt dược Imodium, trẻ quá nhỏ không dùng).
– Thuốc trị táo bón: thường gặp do khẩu phần ăn ngày tết thường thiếu chất xơ. Có thể cải thiện bằng cách ăn nhiều chất xơ, ăn các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không giảm có thể dùng các thuốc trị táo bón.
– Thuốc giảm đau, hạ sốt: nên có dành cho người lớn và trẻ con. Không nên lạm dụng thuốc trị cảm sốt, nếu dùng paracetamol ở liều cao trên 4.000 mg/ngày (trên 8 viên 500 mg/ngày) ở người lớn có thể làm tổn thương gan. Nếu có trẻ nhỏ cần có nhiệt kế đo thân nhiệt để theo dõi tình trạng bệnh.
– Thuốc trị dị ứng, nổi mẩn ngứa: có thể do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thời tiết, côn trùng cắn đốt. Nếu ở mức độ nhẹ, chỉ nên dùng các kem bôi ngoài da, chống ngứa chứa tinh dầu như menthol… Trẻ có thể dùng sirô Phenergan, sirô Théralène (thuốc loại này cũng có thể trị ho, nôn ói), người lớn dùng thuốc viên fexofenadine, cetirizine… Đối với thuốc dùng ngoài: povidine (sát trùng ngoài da), nước oxy già, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế). Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì sự ẩm ướt làm cho thuốc mau hỏng), để xa tầm tay trẻ em
Nguồn: Internet