Dấu hiệu của bệnh trầm cảm cười và cách phòng tránh bệnh
Hiện nay trầm cảm đã trở thành một vấn đề sức khỏe tinh thần phổ biến, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, có một dạng trầm cảm khó nhận diện hơn, đó là trầm cảm cười. Người mắc tình trạng này thường che giấu nỗi đau của mình bằng nụ cười và vẻ ngoài lạc quan, khiến bệnh trạng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn.
Trầm cảm cười là gì?
Trầm cảm cười, hay còn gọi là “smiling depression”, là một dạng trầm cảm hay rối loạn cảm xúc không điển hình. So với các dạng trầm cảm khác, tình trạng này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bởi vì khó có thể nhận biết bởi họ luôn có vẻ ngoài vui vẻ, lạc quan. Trong khi bên trong, họ đang phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và đau khổ. Người mắc bệnh này thường giấu đi cảm xúc thật của mình, khiến người xung quanh khó nhận ra.
Trầm cảm người là một dạng rối loạn tâm lý khó nhận ra
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm cười
Trầm cảm cười có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân gây ra trầm cảm cười có thể là do sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, yếu tố di truyền, các yếu tố tâm lý xã hội và môi trường sống:
- Áp lực từ công việc và cuộc sống: Gánh nặng công việc, tài chính hay các mối quan hệ có thể tạo ra áp lực lớn.
- Yếu tố di truyền: Gia đình có tiền sử mắc trầm cảm có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
- Sự thay đổi lớn trong cuộc sống: Thất nghiệp, mất mát người thân hoặc các biến cố lớn khác có thể gây ra trầm cảm cười.
- Rối loạn hóa học trong não: Sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine có thể gây ra trầm cảm.
- Quá cầu toàn: Những người có tính cầu toàn thường đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo nên họ cố gắng che giấu nỗi đau và những vấn đề của mình bằng cách thể hiện vẻ ngoài hoàn hảo.
- Tổn thương chức năng ở não bộ: Có thể bao gồm chấn động não, u não và lạm dụng các chất gây nghiện…
Biểu hiện của người mắc bệnh trầm cảm cười
Người mắc trầm cảm cười thường có những biểu hiện sau:
- Họ luôn cười nói và không bộc lộ những cảm xúc tiêu cực ra ngoài.
- Dù bề ngoài vẫn tích cực tham gia các hoạt động, nhưng họ không còn cảm thấy hứng thú như trước.
- Thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng dù không hoạt động nhiều.
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Bên ngoài luôn tỏ vẻ mạnh mẽ nhưng trong lòng luôn cảm thấy tuyệt vọng và không biết phải làm gì.
- Người bệnh thường cảm thấy tội lỗi, tự ti và tự trách bản thân.
Người mắc bệnh trầm cảm người luôn tỏ ra vui vẻ hoạt bát với người khác
Trầm cảm cười có nguy hiểm không?
Chính vì nỗi buồn ẩn sau nụ cười, hội chứng này có thể rất nguy hiểm do khó khăn trong việc phát hiện kịp thời. Sự che giấu cảm xúc thực sự khiến cho người mắc phải không được sự hỗ trợ và can thiệp cần thiết.
Ngoài ra, trầm cảm cười còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gây ra các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, bệnh tim mạch và suy yếu hệ miễn dịch. Người bệnh cũng có thể trải qua cảm giác cô độc và có xu hướng lạm dụng chất kích thích hoặc các loại thuốc để tự xoa dịu cảm xúc.
Cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng trầm cảm cười?
Để ngăn ngừa tình trạng trầm cảm cười, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn uống đủ chất: Bổ sung nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này góp phần duy trì mức serotonin ổn định trong não.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Thực hiện vận động thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và tránh xa rượu bia cũng như các chất kích thích.
- Tạo mối quan hệ xã hội tốt: Giao lưu và kết nối với gia đình, bạn bè để có sự hỗ trợ và chia sẻ.
- Kiểm soát stress: Dành thời gian nghỉ ngơi và học các kỹ năng quản lý stress như thiền định, chánh niệm và yoga.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn: Nếu nhận thấy bản thân mắc các dấu hiệu trầm cảm và không thể tự giải quyết, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để cải thiện tình trạng trầm cảm cười
Phòng tránh và nhận biết sớm trầm cảm cười là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy quan tâm đến bản thân và những người xung quanh để đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.