Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì? Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị
Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao một số người luôn muốn được ngưỡng mộ, nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác? Đó có thể là biểu hiện của rối loạn nhân cách ái kỷ. Vậy để hiểu rõ hơn bệnh ái kỷ là gì? Nguyên nhân, cách điều trị hội chứng này như thế nào thì nội dung sau đây Pharmacity sẽ giải đáp chi tiết.
Bệnh ái kỷ nghĩa là gì?
Bệnh ái kỷ hay rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD), là một bệnh lý tâm thần trong đó người bệnh có cái nhìn tự mãn và phóng đại về tầm quan trọng của bản thân. Họ thường có nhu cầu được ngưỡng mộ quá mức, thiếu sự đồng cảm với người khác, và thường có hành vi kiêu ngạo, thao túng để đạt được sự chú ý và tôn trọng từ những người xung quanh.
Những người mắc bệnh ái kỷ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ cá nhân và công việc, vì họ thường coi mình là trung tâm và ít quan tâm đến cảm xúc hay nhu cầu của người khác.
Ái kỷ là bệnh yêu bản thân quá mức, luôn coi mình là nhất
Biểu hiện của người bị ái kỷ
Sau khi hiểu được rối loạn nhân cách ái kỷ là gì thì biểu hiện cụ thể của người mắc hội chứng này thường gặp là:
- Luôn tự tin quá mức về bản thân.
- Mong muốn nhận được sự tán dương và chú ý của mọi người dành cho mình.
- Không quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người khác.
- Thao túng người khác để đạt mục tiêu cá nhân.
- Thể hiện thái độ kiêu ngạo, coi thường người khác.
- Tin rằng chỉ có những người đặc biệt mới có thể hiểu mình.
- Mong muốn được đối xử ưu tiên và nhận đặc quyền dành riêng cho mình.
- Thường ghen tị với thành công của người khác và tin rằng người khác cũng ghen tị với mình.
- Thiếu kiên nhẫn và dễ cáu gắt khi không được chú ý hoặc không đạt được điều mong muốn.
Người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ luôn muốn được người khác tán dương mình
Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?
Bệnh ái kỷ thường không tự nhiên xuất hiện, mà do nhiều nguyên nhân gây ra, điển hình nhất là:
Yếu tố di truyền: Rối loạn nhân cách ái kỷ có thể do di truyền, khi trong gia đình có người mắc bệnh tâm lý tương tự.
Rối loạn tâm lý: Những rối loạn tâm lý khác như lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn loạn thần có thể góp phần phát triển thành bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ.
Môi trường sống: Trải nghiệm trong thời thơ ấu như bị lạm dụng, bỏ rơi, hoặc thiếu tình yêu thương và chăm sóc có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn này.
Chiều chuộng quá mức: Ngược lại, việc nuôi dưỡng chiều chuộng quá mức hoặc thiếu kỷ luật cũng có thể dẫn đến sự phát triển của rối loạn nhân cách ái kỷ, khi trẻ em được coi là trung tâm của mọi thứ.
Yếu tố văn hóa và xã hội: Văn hóa đề cao thành tích, quyền lực và sự nổi tiếng có thể thúc đẩy những hành vi và suy nghĩ ái kỷ.
Trải nghiệm chấn thương tâm lý: Những chấn thương tâm lý trong quá khứ, như sự mất mát hoặc tổn thương tinh thần sâu sắc, có thể ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của một người.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn ái kỷ
Bệnh ái kỷ có điều trị được không?
Nhiều người cho rằng hội chứng yêu bản thân quá mức, tự cao tự đại là tính cách chứ không phải là bệnh nên sẽ không có cách điều trị. Nhưng thực chất, đây là một bệnh lý tâm thần và có thể được điều trị mặc dù quá trình này có thể khá phức tạp và kéo dài. Thường bệnh này sẽ điều trị theo những cách sau:
Phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh ái kỷ
Chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ không phải lúc nào cũng đơn giản, do có sự trùng lặp với các rối loạn nhân cách khác và khả năng mắc đồng thời nhiều rối loạn. Quy trình chẩn đoán thường bao gồm:
Quan sát các triệu chứng: Nhận biết các dấu hiệu và hành vi đặc trưng của rối loạn ái kỷ.
Khám sức khỏe: Loại trừ các vấn đề sức khỏe thể chất có thể gây ra triệu chứng tương tự.
Đánh giá tâm lý: Thực hiện các bài kiểm tra tâm lý và điền vào các bảng câu hỏi chi tiết.
Tiêu chí DSM-5: Sử dụng các tiêu chí trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công bố.
Phương pháp điều trị bệnh ái kỷ
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho rối loạn nhân cách ái kỷ, thường được gọi là liệu pháp trò chuyện. Phương pháp này có thể giúp:
- Giúp người bệnh biết học cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, đáng tin cậy và bổ ích.
- Nhận thức nguyên nhân và động lực của cảm xúc và hành vi, từ đó cải thiện lòng tự trọng và khả năng đối phó với chỉ trích hay thất bại.
- Tăng cường khả năng nhận biết và điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
- Chấp nhận khả năng thực sự của mình và từ bỏ những mục tiêu không thể đạt được.
Ngoài ra, trong một số trường hợp các bác sĩ chuyên gia sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc. Mặc dù không có thuốc đặc trị cho rối loạn nhân cách ái kỷ, nhưng thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan như lo âu, trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác.
Cần tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ điều trị bệnh ái kỷ
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh ái kỷ
Chế độ sinh hoạt:
- Duy trì động lực và tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ.
- Tránh lạm dụng chất kích thích như rượu, bia và ma túy.
- Duy trì lối sống lành mạnh và tích cực, giảm thiểu căng thẳng.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi tiến triển và điều chỉnh điều trị kịp thời.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất.
Phương pháp phòng ngừa ái kỷ
- Đối phó với các vấn đề tâm lý ở trẻ em ngay từ giai đoạn đầu.
- Mọi người trong gia đình cân học cách giao tiếp lành mạnh và xử lý xung đột hoặc đau khổ về cảm xúc.
- Tham gia các lớp học về nuôi dạy con cái và tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia nếu cần thiết.
Dù không có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn rồi loạn nhân cách ải kỷ, nhưng các phương pháp trên có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm các triệu chứng liên quan. Việc điều trị cần được định hướng cụ thể dựa trên nhu cầu và tình trạng của từng người bệnh, nên trong trường hợp cần thiết nên đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên môn sẽ được kiểm tra và đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.