Đau mắt đỏ có lây không? Giải đáp mọi thắc mắc và cách phòng ngừa hiệu quả
Đau mắt đỏ – căn bệnh phổ biến thường gặp vào mùa hè, gây khó chịu và ảnh hưởng đến thị lực. Một trong những băn khoăn hàng đầu của nhiều người khi mắc bệnh này là “Đau mắt đỏ có lây không?”. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời chính xác về khả năng lây truyền của bệnh đau mắt đỏ, đồng thời hướng dẫn bạn cách phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình.
Các yếu tố có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt đỏ chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến nhất như:
- Do nhiễm khuẩn: Những vi khuẩn có thể gây đau mắt đỏ ở trẻ em bao gồm: Staphylococcus aureus, Haemophilus, phế cầu khuẩn, bệnh lậu Neisseria, Chlamydia trachomatis. Bệnh do vi khuẩn có thể không kèm theo sốt. Bệnh dễ dàng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp bằng tay với mắt, qua tiếp xúc với các đồ vật sinh hoạt, đồ chơi,…
- Do nhiễm virus: Có 2 nhóm virus gây nên bệnh đau mắt đỏ là Enterovirus và Adenovirus. Phần lớn bệnh phổ biến là do virus Enterovirus gây ra nó chiếm khoảng 86%, còn lại là do Adenovirus. Bệnh do Enterovirus dễ lây nhiễm hơn, còn bệnh do Adenovirus có nguy cơ dẫn đến bệnh mãn tính nhiều hơn. Hầu hết các loại virus gây viêm kết mạc lây lan qua tiếp xúc tay – mắt hoặc đồ vật bị nhiễm virus truyền nhiễm. Tiếp xúc với nước mắt, dịch tiết mắt, phân hoặc dịch tiết đường hô hấp có thể làm nhiễm bẩn tay. Viêm kết mạc do virus cũng có thể lây lan qua các giọt lớn đường hô hấp. Bệnh do nguyên nhân này rất dễ hình thành dịch.
- Do dị ứng: Đây là tình trạng mà cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa từ cây cối, thực vật, cỏ và cỏ dại, mạt bụi, mốc, vảy da từ vật nuôi, các loại thuốc, mỹ phẩm, có thể là do thời tiết. Đặc biệt, trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng không lây lan như các loại đau mắt đỏ khác.
Đau mắt đỏ có lây không, nó lây lan như thế nào?
Chỉ có đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn mới có khả năng lây truyền. Còn đau mắt đỏ do dị ứng không có khả năng lây truyền bệnh. Đau mắt đỏ không chỉ có một đường lây. Đường lây đau mắt đỏ cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Dưới đây là các đường lây đau mắt đỏ chính bạn nhất định phải biết:
- Viêm kết mạc vi khuẩn: Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mủ mắt, nước mắt của người bệnh.
- Viêm kết mạc virus: Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước mắt, dịch mũi, dịch họng của người bệnh.
Bạn có thể nhiễm vi khuẩn, virus gây đau mắt đỏ thông qua những trung gian đó theo một số cách như:
- Sờ chạm tay vào các bề mặt vật dụng chứa virus như mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… rồi sờ chạm tay lên mắt mũi miệng.
- Sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt cá nhân như chăn, gối, khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát, đũa với người bệnh.
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
- Bệnh đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn rất dễ lây lan. Vì vậy, phụ huynh hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn . Bố mẹ cũng cần đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa tay sạch với xà phòng khi chạm vào mắt trẻ.
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh đau mắt đỏ có tính lây lan.
- Không để trẻ dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau, khăn giấy, vỏ chăn, vỏ gối,… với người khác.
- Vứt bỏ các gạc, bông gòn, khăn giấy sau khi đã sử dụng cho trẻ.
- Giặt riêng khăn tắm, khăn lau, ga giường, vỏ gối của trẻ trong nước ấm.
- Nếu trẻ là đối tượng dễ mắc viêm kết mạc do dị ứng, bố mẹ nên đóng cửa sổ, cửa ra vào khi có nhiều phấn hoa và bụi. Hút bụi thường xuyên để loại bỏ các tác nhân dị ứng.
- Một cách để phòng viêm kết mạc cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh là sàng lọc và điều trị các bệnh lây lan qua đường tình dục cho phụ nữ mang thai. Ống sinh của thai phụ có thể chứa vi khuẩn kể cả khi không có triệu chứng.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung các vitamin có trong trái cây.
Bệnh đau mắt đỏ thường tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Nếu triệu chứng nặng, khác thường hoặc kéo dài, bạn nên đi thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách và tránh lây lan hoặc biến chứng trở nặng nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.