Đau mắt đỏ là gì? Triệu chứng thường gặp và cách phòng ngừa
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gặp ở mọi đối tượng lứa tuổi khác nhau, bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh để chủ động phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng lớp màn trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu và kết mạc mi mắt bị viêm nhiễm, mắt bị sưng, đỏ, kích ứng và có thể gây đau nhức hoặc ngứa.
Đây là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở mắt, bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người lớn tuổi. Bệnh rất dễ lây lan rộng thành dịch đau mắt đỏ, đặc biệt là trong thời điểm mùa hè đến cuối thu.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do vi rút. Một số nguyên nhân thường gặp như:
- Đau mắt đỏ vì viêm kết mạc do nhiễm vi rút Adenovirus, Herpes,…đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau mắt đỏ.
- Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn tụ cầu hay liên cầu khuẩn.
- Đau mắt đỏ do dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật, các loại thuốc, mỹ phẩm,…
- Đau mắt đỏ do kích ứng khi bị bắn hóa chất hoặc dị vật vào mắt.
Đa số các trường hợp bị đau mắt đỏ sẽ tự khỏi trong 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị, tình trạng mắt của người bệnh,…
Triệu chứng nhận biết bị đau mắt đỏ và con đường lây truyền
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh thường gặp các triệu chứng như sau:
- Cảm giác ngứa rát, cộm mắt như có hạt bụi ở trong mắt;
- Mắt đỏ và vùng mi mắt sưng tấy, có thể có hột ở kết mạc mắt;
- Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt, khó nhìn;
- Chảy nước mắt, tiết nhiều ghèn bám dính chặt hai mi mắt nhất là thời điểm mới ngủ dậy;
- Có thể nhìn mờ thoáng qua.
Ngoài ra, tuỳ theo nguyên nhân đau mắt đỏ người bệnh còn có thể kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau, họng đỏ, sưng amidan, ho, nghẹt mũi, nhức đầu…
Các triệu chứng của đau mắt đỏ rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm củng mạc, viêm nội nhãn, viêm loét giác mạc, tăng nhãn áp. Vì vậy, người bệnh khi nhận thấy triệu chứng bất thường ở mắt cần đến cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám, kiểm tra và có phương pháp điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe cho đôi mắt.
Đau mắt đỏ lây như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ do nguyên nhân nhiễm vi rút, vi khuẩn rất dễ lây lan. Các con đường lây truyền đau mắt đỏ phổ biến như:
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện,…
- Tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của người bệnh như bàn chải, khăn mặt, gối, điện thoại,…
- Tiếp xúc với các vật dụng chung như tay nắm cửa, chìa khóa, đồ chơi,…
- Sử dụng kính áp tròng nhưng vệ sinh kính không đúng cách;
- Thói quen hay dụi mắt, đưa tay lên miệng, mũi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Môi trường công sở, trường học, khu vực công cộng là những nơi dễ khiến bệnh lây nhanh.
Điều trị và cách phòng ngừa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính và ít khi để lại di chứng, vì vậy bệnh nhân có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp các biện pháp.
- Chườm lạnh nhằm làm giảm cảm giác khó chịu mắt, sưng mi mắt;
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn;
- Không dùng chung vật dụng như ly, bát, khăn mặt với người khác;
- Tránh dụi mắt, không đi bơi;
- Nên nghỉ học, nghỉ làm trong 1 tuần để tránh lây lan.
Người bệnh nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin từ trái cây, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử để mắt được nghỉ ngơi và hồi phục hiệu quả hơn.
Bệnh đau mắt đỏ thường tự khỏi, tuy nhiên nếu như không điều trị và chăm sóc đúng cách có thể khiến bệnh kéo dài. Lâu dần làm ảnh hưởng đến giác mạc và gây ra suy giảm thị lực.
Một số biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ
- Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%;
- Không dùng chung vật dụng cá nhân;
- Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra ngoài;
- Khi vào mùa dịch nên hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài;
- Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây;
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, không gian sống thoáng mát và sạch sẽ.
Lưu ý, nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ thì cần được cách ly hợp lý, đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, người bệnh tránh tiếp xúc với những người xung quanh.
Cảnh báo tình trạng đau mắt đỏ hiện nay
Trong khoảng 30 ngày gần đây, Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Đáng chú ý, trong đó có khoảng 10 – 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc), nguy cơ lây viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài.
Đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc này cơ thể của bé khá nhạy cảm, sức đề kháng kém nên dễ bị tấn công bởi vi rút, vi khuẩn bên ngoài. Đặc biệt, trong mùa tựu trường nên nguy cơ lây lan bệnh rất cao, hơn nữa các bé vẫn chưa ý thức được việc giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khiến bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan hơn.
Tìm hiểu kiến thức cơ bản và nhận biết triệu chứng và cách điều trị, chăm sóc người bệnh đau mắt đỏ và hãy chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan, bảo vệ sức khỏe bé và gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.