Cha mẹ cần biết gì về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em?
Đau mắt đỏ có thể gây cho bé nhiều triệu chứng khó chịu. Vậy, đau mắt đỏ là gì? Triệu chứng và nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ là gì? Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em như thế nào? Cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc mắt) là tình trạng viêm lớp mô mỏng trong suốt nằm trên phần tròng trắng của mắt và lót bên trong mí mắt. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc sưng lên và bị kích thích sẽ khiến cho tròng trắng mắt có màu đỏ hoặc hồng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Ở trẻ em – đối tượng có hệ miễn dịch còn yếu, bệnh có thể làm trẻ khó chịu và việc điều trị, chăm sóc hợp lý đóng vai trò quan trọng để giúp bé dễ chịu và mau khỏi bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ em như thế nào?
- Các dấu hiệu để nhận biết bệnh đau mắt đỏ ở trẻ như:
- Vùng kết mạc mắt (tròng trắng của mắt) bị đỏ lên.
- Kết mạc hoặc vùng mí mắt bị sưng lên
- Nước mắt tăng tiết, chảy nhiều hơn bình thường.
- Có cảm giác cộm ở mắt như có dị vật ở mắt.
- Cảm giác ngứa, rát ở mắt và mí mắt.
- Chảy ghèn nhiều có thể có màu vàng và mí mắt dính với nhau, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Nhìn mờ do thị lực giảm đi.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ chúng ta có thể kể đến 1 số nguyên nhân phổ biến nhất như: Do kích ứng, do nhiễm khuẩn hoặc do virus,…
- Do nhiễm khuẩn: Những vi khuẩn có thể gây đau mắt đỏ ở trẻ em bao gồm: vi khuẩn (Staphylococcus aureus, Haemophilus, phế cầu khuẩn, bệnh lậu Neisseria, chlamydia trachomatis). Bệnh do vi khuẩn có thể không kèm theo sốt. Bệnh dễ dàng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp bằng tay với mắt, qua tiếp xúc với các đồ vật sinh hoạt, đồ chơi,…
- Do nhiễm vi rút: Có 2 nhóm virus gây nên bệnh đau mắt đỏ là Enterovirus và Adenovirus. Phần lớn bệnh phổ biến là do vi rút Enterovirus gây ra nó chiếm khoảng 86%, còn lại là do vi rút Adenovirus. Trẻ em nhiễm bệnh do nhóm virus nào cũng có thể gặp các triệu chứng từ nặng cho đến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh do Enterovirus dễ lây nhiễm hơn còn bệnh do Adenovirus có nguy cơ dẫn đến bệnh mãn tính nhiều hơn. Hầu hết các loại virus gây viêm kết mạc lây lan qua tiếp xúc tay – mắt hoặc đồ vật bị nhiễm virus truyền nhiễm. Tiếp xúc với nước mắt, dịch tiết mắt, phân hoặc dịch tiết đường hô hấp có thể làm nhiễm bẩn tay. Viêm kết mạc do virus cũng có thể lây lan qua các giọt lớn đường hô hấp. Bệnh do nguyên nhân này rất dễ hình thành dịch.
- Do dị ứng: Đây là tình trạng mà cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa từ cây cối, thực vật, cỏ và cỏ dại, mạt bụi, mốc, vảy da từ vật nuôi, các loại thuốc, mỹ phẩm, có thể là do thời tiết. Đặc biệt, trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng không lây lan nhưng các loại đau mắt đỏ khác.
Cần làm gì để phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ
- Bệnh đau mắt đỏ do vi rút và vi khuẩn có thể rất dễ lây lan vì vậy phụ huynh hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn . Bố mẹ cũng cần đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa tay sạch với xà phòng khi chạm vào mắt trẻ.
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh đau mắt đỏ có tính lây lan.
- Không để trẻ dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau, khăn giấy, vỏ chăn, vỏ gối,… với người khác.
- Vứt bỏ các gạc, bông gòn, khăn giấy sau khi đã sử dụng cho trẻ.
- Giặt riêng khăn tắm, khăn lau, ga giường, vỏ gối của trẻ trong nước ấm.
- Nếu trẻ là đối tượng dễ mắc viêm kết mạc do dị ứng, bố mẹ nên đóng cửa sổ, cửa ra vào khi có nhiều phấn hoa và bụi. Hút bụi thường xuyên để loại bỏ các tác nhân dị ứng.
- Một cách để phòng viêm kết mạc cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh là sàng lọc và điều trị các bệnh lây lan qua đường tình dục cho phụ nữ mang thai. Ống sinh của thai phụ có thể chứa vi khuẩn kể cả khi không có triệu chứng.
- Việc tăng sức đề kháng cho trẻ mùa dịch bệnh cũng là một biện pháp giúp trẻ chống lại dịch bệnh bố mẹ nhé.
Bệnh đau mắt đỏ thường tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Nếu triệu chứng nặng, khác thường hoặc kéo dài, bạn nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách và tránh lây lan.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.