Điều trị polyp túi mật: Khi nào cần phẫu thuật?
Túi mật là một cơ quan hình quả lê nằm dưới gan, có nhiệm vụ lưu trữ mật do gan sản xuất và giải phóng vào ruột non để giúp phân hủy chất béo. Polyp túi mật là sự phát triển bất thường của mô nhô ra khỏi niêm mạc bên trong túi mật. Phần lớn polyp túi mật đều vô hại và hiếm khi gây biến chứng hay viêm nhiễm, chỉ khoảng 5% trường hợp có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh đe dọa đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị polyp túi mật.
Điều trị polyp túi mật không phẫu thuật
Vì túi mật tham gia và hệ thống đường dẫn mật, có chức năng điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn nên không thể tùy tiện cắt bỏ nếu không có chỉ định.
Khoảng 92% polyp túi mật là lành tính nên bệnh nhân hầu như không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Với polyp có kích thước nhỏ hơn 1cm hoặc nghi ngờ polyp túi mật qua siêu âm, chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng.
Điều trị polyp túi mật không phẫu thuật thường được áp dụng cho những trường hợp polyp nhỏ, không có triệu chứng và không có dấu hiệu của ung thư. Các phương pháp bao gồm việc theo dõi định kỳ bằng siêu âm hoặc các kỹ thuật hình ảnh khác để đánh giá sự thay đổi kích thước và hình dạng của polyp. Điều này giúp xác định xem polyp có phát triển nhanh hay có dấu hiệu bất thường nào không.
Đồng thời, bệnh nhân cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Cụ thể, bệnh nhân nên kiêng các thực phẩm sau:
- Đồ ăn nhiều chất béo bão hòa như thức ăn nhanh, đồ chiên rán hoặc mỡ động vật,…;
- Thực phẩm có hàm lượng chất đường và tinh bột cao;
- Thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, phomai, nội tạng động vật,…
Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe như:
- Các loại hoa quả giàu vitamin B, C, D, E và chất khoáng như cam, táo, lê,… để cải thiện sức khỏe gan mật;
- Rau, củ, quả giàu chất xơ như cà rốt, su hào, cải bắp,… để hỗ trợ tiêu hóa tốt, hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu;
- Chất béo thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu oliu, dầu lạc,…;
- Sữa không đường hoặc ít đường, ít béo,… để bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Điều trị phẫu thuật polyp túi mật
Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan là phương pháp điều trị duy nhất được áp dụng đối với các bệnh liên quan đến túi mật. Nếu polyp bị viêm hoặc xuất hiện sỏi mật, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ung thư. Hai loại phẫu thuật thường được áp dụng bao gồm:
- Phẫu thuật mở: Phương pháp này có thể được yêu cầu khi nghi ngờ nguy cơ ung thư cao. Thông qua phẫu thuật mở, bác sĩ sẽ loại bỏ các mô và hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bên ngoài túi mật. Đây là phương pháp đòi hỏi thực hiện vết rạch lớn dưới lồng ngực bên phải, quy trình thực hiện dài, thời gian hồi phục cũng lâu hơn (khoảng 6 – 8 tuần).
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi: Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, cho phép bác sĩ loại bỏ túi mật thông qua vết mổ nhỏ. Theo đó, một chiếc máy ảnh chiếu sáng cũng được đưa vào bên trong cơ quan để giúp xác định vị trí chính xác và gửi về màn hình. Phương pháp này thường được ưu tiên hơn do ít gây ra biến chứng cũng như thời gian hồi phục nhanh (thường chỉ khoảng 2 tuần).
Nhưng dù là mổ bằng phương pháp nào thì vẫn có thể gặp một số biến chứng về tiêu hóa. Như chúng ta đã biết, túi mật là kho dự trữ mật để đổ vào ruột khi ta ăn, sau khi không còn túi mật, dịch mật do gan liên tục sản xuất ngày đêm sẽ đổ thẳng vào ruột gây ra một số phiền toái bao gồm: tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu…Trong đó tiêu chảy là biến chứng tiêu hóa thường gặp nhất. Do vậy, người bệnh sau khi cắt bỏ túi mật cần điều chỉnh chế độ ăn như ăn ít chất béo, tăng chất xơ từ rau củ, quả, chia nhỏ các bữa ăn…
Khi nào mới cần phẫu thuật polyp túi mật?
Mặc dù phần lớn polyp túi mật là lành tính, nhưng vẫn còn có khoảng 5% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vì vậy việc phát hiện sớm và có các biện pháp dự phòng, can thiệp kịp thời là rất quan trọng để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Polyp túi mật ác tính thường sẽ có đặc điểm khác biệt rất dễ nhận biết so với lành tính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, tuổi tác có liên quan đến việc phát triển polyp thành u ác tính. Theo đó, những trường hợp polyp bất thường, khả năng phát triển thành u ác tính cao như:
- Một polyp có chân rộng (polyp không cuống).
- Kích thước polyp lớn (hơn 10 mm).
- Polyp kích thước nhỏ, nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp).
- Polyp phát triển nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng thêm về số lượng cũng như kích thước trong một thời gian ngắn.
- Polyp phát triển ở người trên 50 tuổi.
- Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật thường xuyên.
- Polyp ở người có viêm xơ đường mật tiên phát hoặc sỏi túi mật.
Theo dõi sự phát triển của polyp cũng như những triệu chứng polyp gây ra là điều người bệnh cần làm lúc này. Bạn cũng có thể được xem xét cắt bỏ túi mật để ngăn ngừa polyp phát triển ác tính gây ung thư. Tuy nhiên, việc có cần thiết phải cắt bỏ túi mật hay không vẫn phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Việc cắt bỏ túi mật chỉ nên thực hiện trong trường hợp có nguy cơ cao phát triển thành u ác tính.
Thông thường polyp túi mật có kích thước nhỏ dưới 10mm thì không cần phẫu thuật, mà định kỳ 3-6 tháng khám theo dõi nếu thấy polyp to nhanh gấp đôi so với lần khám trước hoặc chân lan rộng, hình thể không đều hoặc có triệu chứng lâm sàng như đau sốt nhiều lần, khi có nghi ngờ polyp ác tính thì mới cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Kết luận
Polyp túi mật, mặc dù phần lớn là lành tính, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có thể tiến triển thành ung thư. Việc phát hiện sớm và theo dõi sự phát triển của polyp là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Điều trị polyp túi mật không phẫu thuật thường chỉ định cho những trường hợp polyp nhỏ và lành tính, trong khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật được thực hiện khi có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư hoặc gây biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và có chế độ theo dõi định kỳ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể và kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.