Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán
Polyp túi mật là sự phát triển bất thường của mô, nhô ra khỏi niêm mạc bên trong túi mật. Tình trạng này phần lớn đều vô hại, hiếm khi để lại biến chứng hay viêm nhiễm, chỉ khoảng 5% trong tổng số trường hợp tiến triển thành ung thư. Hầu hết thường được phát hiện tình cờ trong quá trình siêu âm bụng định kỳ hoặc cắt bỏ túi mật điều trị sỏi.
Mặc dù đa phần polyp túi mật có bản chất lành tính nhưng một số ít trường hợp vẫn có thể là ác tính. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời là thực sự quan trọng để tránh đe dọa đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
Nguyên nhân của polyp túi mật là gì?
Nguyên nhân gây polyp túi mật hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Theo đó, túi mật là một cơ quan có kích thước bằng quả lê, nằm bên dưới gan, thực hiện chức năng lưu trữ và cô đặc mật (muối mật, cholesterol, chất béo và sắc tố mật). Sau đó, cơ thể sử dụng mật để phân hủy và hấp thụ chất béo. Polyp có thể dễ hình thành hơn nếu quá trình phân hủy chất béo không diễn ra thuận lợi.
Polyp túi mật ác tính thường hiếm gặp. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành, bao gồm:
- Người trên 50 tuổi
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Kích thước polyp tăng bất thường
- Người mắc sỏi mật
Triệu chứng thường gặp của polyp túi mật
Các triệu chứng polyp túi mật thường không đặc hiệu và rõ ràng, nhiều trường hợp còn không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Do đó, tổn thương này thường được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám. Một số người bệnh có polyp đôi khi nhận thấy những triệu chứng sau:
- Nôn, buồn nôn.
- Thỉnh thoảng đau vùng hạ vị do các mảnh cholesterol tách ra khỏi niêm mạc.
- Khó tiêu.
- Vàng da.
Polyp đôi khi được xác định thông qua siêu âm ổ bụng, thực hiện khi người bệnh bị đau vùng phần tư phía trên bên phải. Trong trường hợp không có các bất thường khác, polyp túi mật được coi là nguồn gốc của cơn đau quặn mật.
Ngoài ra, không có sự khác biệt trong triệu chứng giữa người bệnh mắc polyp lành tính và ác tính. Trong một phân tích hồi cứu lớn phát hiện có polyp túi mật trên siêu âm bụng, kết quả như sau:
- 64% được chẩn đoán trong quá trình điều trị bệnh không liên quan.
- 23% có các triệu chứng bất thường ở bụng.
- 13% cho kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng cao.
Polyp cholesterol có thể tách ra và biểu hiện lâm sàng như sỏi mật, gây đau quặn mật, tắc mật, thậm chí là viêm tụy. Thực tế đã có nhiều báo cáo cho thấy polyp gây viêm túi mật không do sỏi, thậm chí là xuất huyết ồ ạt.
Các triệu chứng có thể liên quan đến polyp chẳng hạn như: polyp cholesterol, polyp viêm hoặc tăng sản, bao gồm: khó tiêu, đau hạ sườn phải, khó chịu…
Phương pháp chẩn đoán polyp túi mật hiện nay
Trên lâm sàng, bệnh nhân thường không có biểu hiện quá rõ ràng nên để chẩn đoán chính xác polyp túi mật, cần phải nhờ đến các phương pháp cận lâm sàng:
- Xét nghiệm chức năng gan mật.
- Các xét nghiệm sinh hóa như đánh giá chức năng gan thận, test virus viêm gan ( HCV, HbsAg…), miễn dịch u ( CEA, CA 19-9)
- Siêu âm:
Siêu âm ổ bụng được coi là phương pháp kiểm tra tốt nhất trong chẩn đoán polyp túi mật, không chỉ bởi khả năng tiếp cận hiệu quả, chi phí thấp mà còn nhờ vào độ nhạy và độ đặc hiệu tốt. Theo đó, bác sĩ có thể xác định vị trí, đếm và đo các polyp bằng phương pháp này, đồng thời quan sát được ba lớp của thành túi mật cùng bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Các polyp xuất hiện dưới dạng nhô lên cố định trong lòng túi mật, có hoặc không có bóng âm. Độ nhạy của siêu âm bụng trong chẩn đoán polyp này được đánh giá là vượt trội so với chụp cắt lớp túi mật và chụp cắt lớp vi tính đường miệng.
Đặc biệt, mức độ chính xác trong phân biệt polyp cholesterol với u tuyến hoặc ung thư biểu mô tuyến là rất cao. Cụ thể, Polyp cholesterol xuất hiện dưới dạng một khối có độ hồi âm tương tự như thành túi mật và không có bóng nón. Tuy nhiên, bác sĩ rất khó xác định polyp lành tính hay ác tính nếu chỉ thông qua siêu âm bụng.
Ngoài ra, phương pháp siêu âm ổ bụng thường bị hạn chế bởi thể trạng của người bệnh và kỹ thuật. Việc đo kích thước tổn thương chỉ thông qua siêu âm thông thường là không đủ để phân biệt polyp lành tính và ung thư. Tuy nhiên, polyp cholesterol thì có thể dễ dàng được phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán này. Đây là những cấu trúc mô xốp có chứa cholesterol, được bao phủ bởi một lớp tế bào tương tự như tế bào lót của niêm mạc lân cận.
Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính nên cần làm thêm những kỹ thuật khác để hỗ trợ chẩn đoán.
- Chụp cắt lớp vi tính:
Chụp CT bụng không có khả năng phát hiện các tổn thương mật độ thấp và độ nhạy đi kèm, đặc biệt là đối với polyp túi mật có đường kính nhỏ hơn 10mm. Tuy nhiên, phương pháp này lại rất hữu ích trong nghiên cứu ung thư biểu mô túi mật, tương quan giải phẫu và để xem xét di căn hạch.
Những tiến bộ trong chụp CT đa lát cắt đã làm tăng tỷ lệ chính xác trong chẩn đoán phân biệt polyp túi mật với các tổn thương ung thư.
Đặc biệt, phương pháp chụp CT xoắn ốc còn rất hữu ích trong việc đánh giá các tổn thương dạng polyp nhỏ của túi mật, phân biệt các tổn thương dạng polyp nhỏ do ung thư và không do ung thư của túi mật đồng thời xác định sự tồn tại của khối u ác tính cần cắt bỏ. Theo đó, kích thước lớn hơn 1,5cm, hình dạng không cuống, và nhận biết được trên hình ảnh không cản quang là những yếu tố chính giúp phân biệt khối u ác tính với polyp túi mật lành tính 1cm hoặc lớn hơn.
- Chụp cộng hưởng từ: Chụp cộng hưởng từ chưa được sử dụng rộng rãi trong đánh giá các bệnh túi mật. Trong số các thể polyp, các tổn thương ác tính bắt thuốc sớm và kéo dài, trong khi nhóm lành tính lại bắt thuốc sớm nhưng bị loại bỏ sau đó. Do đó, DWI (chụp cộng hưởng từ khuếch tán) có thể hữu ích để giúp phân biệt giữa hai nhóm này
- Chụp đường mật cản quang qua đường uống
- Chụp đường mật ngược dòng qua nội soi
Polyp túi mật là một tình trạng không hiếm gặp và thường không gây triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc theo dõi và chẩn đoán kịp thời là rất quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn có triệu chứng bất thường hoặc có nguy cơ cao, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra. Chăm sóc sức khỏe tốt, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về túi mật.
Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.