Điều trị viêm ruột thừa: Sự lựa chọn phù hợp và biến chứng có thể gặp
Có bao nhiêu phương pháp điều trị viêm ruột thừa?
Trong cơ thể, ruột thừa là một bộ phận có dạng hình túi, nhỏ như ngón tay cái, nằm về phía dưới bên phải của phần bụng. Ruột thừa có một đầu bịt kín, đầu còn lại thông với manh tràng (là đoạn đầu tiên của ruột già). Khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn bên trong ruột thừa, các chất thải đến ruột già dần bị tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây sưng viêm, nhiễm trùng. Hậu quả là gây ra bệnh lý viêm ruột thừa mà triệu chứng điển hình là cơn đau ruột thừa.
Viêm ruột thừa và những cơn đau
Sau khi đã chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ kiểm tra, cân nhắc và tư vấn điều trị viêm ruột thừa cho bệnh nhân. Có 2 phương pháp điều trị viêm ruột thừa, đó là:
- Điều trị bằng phẫu thuật cắt ruột thừa bị viêm.
- Điều trị không phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm
Viêm ruột thừa thường được điều trị bằng phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng. Phẫu thuật có hai phương pháp chính:
Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở:
- Mổ mở là phương pháp phẫu thuật kinh điển. Bác sĩ sẽ loại bỏ ruột thừa bị viêm thông qua một vết rạch lớn (khoảng 10-15cm) ở vùng bụng dưới bên phải của người bệnh, sau đó khâu lại bằng chỉ y tế.
- Mổ mở cắt ruột thừa được chỉ định khi ruột thừa của người bệnh đã vỡ và nhiễm trùng lan ra ngoài ruột thừa, người bệnh có áp xe ruột thừa hoặc người bệnh đã từng can thiệp phẫu thuật mổ mở ổ bụng trước đây.
- Quá trình cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở kéo dài khoảng 60 phút. Người bệnh nằm viện từ 7-10 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi xuất viện
Mổ ruột thừa là phương pháp điều trị chính ở bệnh nhân viêm ruột thừa
Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi
- Phẫu thuật nội soi là phương pháp hiện đại và tối ưu nhất hiện nay đối với bệnh lý viêm ruột thừa. Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành mở 3 vết rạch nhỏ từ 0,5-1cm ở vùng bụng, sau đó thông qua màn hình nội soi, bác sĩ sử dụng dụng cụ để tìm đoạn ruột thừa bị viêm. Tiến hành kẹp, bóc tách và cắt bỏ ruột ra ngoài cơ thể thông qua một trong ba vết mổ ban đầu, sau đó khâu lại 3 vết mổ này bằng chỉ y tế.
- Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp người bệnh tránh được vết mổ dài và rộng. Người bệnh ít đau, ít chảy máu, ít xảy ra các biến trong và sau phẫu thuật. Vết mổ rất nhỏ và hầu như không để lại sẹo, đảm bảo được tính thẩm mỹ. Thời gian để hồi phục sức khỏe nhanh chóng, người bệnh chỉ cần nằm viện từ 3-5 ngày và sớm quay trở lại với công việc hàng ngày.
- Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được cho người bệnh có bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng hoặc người bệnh có tiền sử mổ mở ổ bụng trước đó.
- Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ sưng viêm cùng các yếu tố liên quan mà bác sĩ sẽ so sánh các phương pháp điều trị viêm ruột thừa và chỉ định phương pháp phẫu thuật khác nhau. Tuy nhiên, với những những ưu điểm vượt trội thì phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị bệnh lý viêm ruột thừa.
Điều trị không phẫu thuật
Trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị kháng sinh, không phẫu thuật, tỷ lệ thành công của phương pháp này ước tính là khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát là khá cao (hơn 30%) sau điều trị, do đó phương pháp điều trị viêm ruột thừa bảo tồn không mổ không được ứng dụng phổ biến.
Có thể cân nhắc điều trị bảo tồn với kháng sinh khi viêm ruột thừa không có biến chứng và người bệnh không đảm bảo cho phẫu thuật như:
- Người mắc bệnh lý rối loạn đông máu nặng.
- Người có bệnh nội khoa kèm rất nặng không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật.
- Người bệnh viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp-xe ruột thừa sẽ được chọc dẫn lưu áp-xe dưới siêu âm và phối hợp điều trị kháng sinh. Sau 6 tháng khi người bệnh ổn định sức khỏe, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt ruột thừa.
Viêm ruột thừa cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Những biến chứng sau điều trị cắt bỏ ruột thừa
Các biến chứng hậu phẫu viêm ruột thừa người bệnh có thể gặp phải:
- Nhiễm trùng vết mổ: đây là biến chứng người bệnh cắt ruột thừa thường gặp nhất, nguyên nhân gây ra biến chứng này là vấn đề chăm sóc và vệ sinh vết mổ không đảm bảo khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây nhiễm trùng.
- Chảy máu kéo dài: hiện tượng chảy máu thường xảy ra tại vị trí manh tràng – cơ quan nối với ruột thừa. Tình trạng này khiến người bệnh đầy bụng, buồn nôn, đau quặn bụng hoặc đại tiện ra phân đen… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị thiếu máu gây suy nhược cơ thể.
- Tắc nghẽn ruột tạm thời: khi ruột thừa bị cắt bỏ, các mô quanh manh tràng có thể bị phát triển quá mức gây tắc nghẽn ruột tạm thời. Thức ăn và phân bị ứ đọng. Người bệnh sẽ thấy bụng đau và bị phình to, không thể đi đại tiện.
- Gây tổn thương cơ quan lân cận: trong quá trình mổ cắt bỏ ruột thừa, một số cơ quan như ruột non và ruột già có thể bị ảnh hưởng và tổn thương.
- Áp xe ổ bụng: đây là biến chứng nguy hiểm nhất sau phẫu thuật, biến chứng này thường bắt đầu tại vị trí ruột thừa bị cắt bỏ. Áp xe có thể khu trú ở phạm vi nhỏ nhưng cũng có thể lây lan ra toàn bộ ổ bụng, khi bị áp xe người bệnh bị sốt cao, ớn lạnh, nôn, đau quặn bụng… Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, những biến chứng này thường ít xảy ra. Và điều quan trọng là chúng ít nghiêm trọng hơn so với các rủi ro mà viêm ruột thừa có thể gây ra nếu không được điều trị.
Khi về nhà, người bệnh cần lưu ý các triệu chứng dưới đây và thông báo cho bác sĩ để kịp thời giải quyết:
- Nôn không kiểm soát.
- Đau ruột thừa trầm trọng hơn.
- Chóng mặt, hoa mắt, không tỉnh táo.
- Tiểu hoặc nôn ra máu.
- Vết mổ bị đau, xuất hiện mủ và sưng tấy.
- Sốt bất thường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.