Viêm ruột thừa ở người cao tuổi
Ruột thừa là một phần thuộc hệ tiêu hoá của con người, bình thường nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Còn viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, làm cho ruột thừa bị viêm, sưng và chứa đầy mủ. Nếu không được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ.
Triệu chứng viêm ruột thừa ở người cao tuổi?
Viêm ruột thừa ở người cao tuổi biểu hiện có nhiều triệu chứng đa dạng. Tuy nhiên các triệu chứng viêm ruột thừa ở người cao tuổi thường không điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một số triệu chứng có thể gặp là:
Đau bụng
- Đau bụng là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân viêm ruột thừa: người bệnh hay đau bụng hố chậu phải, cũng có trường hợp bắt đầu đau ở vùng thượng vị, quanh rốn sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Đau âm ỉ liên tục và tăng dần. Tuy nhiên triệu chứng này ít gặp ở người cao tuổi so với người trẻ. Cơn đau bụng khởi phát nhẹ, mơ hồ hơn, vị trí đau cũng không rõ ràng.
- Theo nghiên cứu, khoảng 30% bệnh nhân cao tuổi không đau khu trú ở một phần tư dưới bụng phải và 25% bệnh nhân không đau đáng kể ở một phần tư dưới bụng phải.
Sốt: Tình trạng sốt ở người cao tuổi thường nhẹ, theo nghiên cứu có trên 50% bệnh nhân trong nhóm tuổi này không có sốt và tăng bạch cầu.
Chán ăn, buồn nôn, nôn cũng là một trong những biểu hiện kèm theo của bệnh viêm ruột thừa, mặc dù tỷ lệ này không quá cao.
Chỉ có 20% bệnh nhân cao tuổi đến khám với biếng ăn, sốt, đau một phần tư bụng dưới phải, và tăng bạch cầu. Chẩn đoán ban đầu thường không chính xác ở 40-50% bệnh nhân ở độ tuổi này.
Tất cả các yếu tố trên làm cho việc phát hiện, chẩn đoán bệnh chậm trễ hơn, dẫn đến tỷ lệ biến chứng cao.
Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa ở người cao tuổi?
Nguyên nhân viêm ruột thừa là do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác gây tắc nghẽn ruột thừa là do sỏi phân, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc là manh tràng.
Đến hiện tại, nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở người cao tuổi vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Một số giả thuyết có thể giải thích cho tình trạng này:
- Nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn thường xuyên xảy ra khi có cục máu (búi phân) bị gắn kẹt trong ruột thừa, gây ra viêm nhiễm và sưng tấy.
- Rối loạn thần kinh vận mạch: Dưới sự tác động của thần kinh, ruột thừa co mạch, dẫn đến rối loạn dinh dưỡng, tạo điều kiện phát triển cho vi khuẩn.
- Rối loạn vận động ruột: Rối loạn vận động ruột, bao gồm tình trạng tăng động ruột hoặc suy giảm động ruột. Khi có sự rối loạn vận động ruột, quá trình di chuyển chất thải qua ruột thừa có thể bị ứ đọng và dẫn đến viêm nhiễm.
- Dị ứng: Một số người cao tuổi có thể trải qua dị ứng hoặc phản ứng vi khuẩn với tác động lên ruột thừa dẫn đến viêm ruột thừa.
Biến chứng viêm ruột thừa ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi thường chậm phát hiện và chẩn đoán viêm ruột thừa, họ còn có nhiều bệnh lý khác nữa nên làm tăng tỷ lệ biến chứng viêm ruột thừa hơn.
- Thủng, vỡ ruột thừa: Viêm ruột thừa nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến cho ruột thừa thủng, vỡ, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Tỷ lệ thủng ruột thừa ở bệnh nhân cao tuổi khoảng 50%, gấp 5 lần so với người trẻ tuổi. Điều này đa phần là do 75% số bệnh nhân cao tuổi thường để quá 24 giờ trước khi đi thăm khám.
- Áp-xe ổ bụng: Nếu ruột thừa vỡ có thể hình thành ổ mủ nhiễm trùng, gây áp xe, việc can thiệp điều trị lúc này trở nên phức tạp hơn nhiều.
- Hình thành cục máu đông, vấn đề tim mạch, hô hấp.
- Tử vong: Trong khi bệnh nhân viêm ruột thừa ở độ tuổi trên 60 chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân viêm ruột thừa, nhưng có đến 50% số ca tử vong do viêm ruột thừa lại được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi này.
Để phát hiện và điều trị kịp thời, người cao tuổi cần đến khám ngay khi có các triệu chứng bất thường về đau bụng, sốt, chán ăn,… Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.