Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mạch vành
Bệnh tim mạch vành xảy ra khi các mạch máu của tim bị tắc nghẽn bởi mảng bám hình thành từ cholesterol xấu trong máu. Mỗi người sẽ có thể gặp các triệu chứng khác nhau khi bị bệnh nhưng thường nhất là cơn đau tức, nóng rát, đè nén ở ngực.
Cùng với việc dùng thuốc, kiểm soát dinh dưỡng cho người bệnh mạch vành là một cách tốt để hạn chế bệnh tiến triển và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người bệnh mạch vành nên có chế độ ăn như thế nào?
Bệnh tim mạch vành có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, bạn nên có một chế độ ăn lành mạnh như:
- Trái cây, rau quả tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin và chất dinh dưỡng lành mạnh, góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, trái cây và rau củ chứa lượng calo thấp nên ít ảnh hưởng đến cân nặng hơn.
- Ngũ cốc nguyên hạt (Bánh mì làm từ hạt, gạo lứt, hạt ngũ cốc, mì ống nguyên hạt…): Giống như trái cây, đây cũng là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp điều chỉnh mức cholesterol trong máu và duy trì huyết áp ổn định.
- Tỏi, đồ ăn chế biến với tỏi cho thấy có thể hỗ trợ giảm cholesterol
- Thực phẩm chứa chất béo tốt: Chúng ta hay nói người bệnh mạch vành nên hạn chế ăn đồ ăn dầu mỡ nhưng thực tế ăn chất béo ở mức độ vừa phải lại góp phần cải thiện bệnh. Một số loại dầu rất tốt cho tim mạch như:
o Dầu ô liu
o Dầu hạt cải
o Dầu hạt lanh
o Bơ thực vật giảm cholesterol
- Bạn có thể dùng thêm các phẩm sữa không béo hoặc ít béo, sữa chua…
- Protein:
o Các loại cá giàu Omega-3: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi…
o Nạc heo, thịt gà không da
o Đậu Hà Lan, đậu nành, trứng
Bệnh mạch vành nên ăn gì đã rõ ràng, nhưng ăn bao nhiêu là đủ? Bạn ăn nhiều hay ít nó cũng quan trọng như việc bạn sẽ ăn gì. Nên kiểm soát lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng chén nhỏ, dĩa nhỏ để đựng đồ ăn. Tránh quá tải thức ăn và ăn thêm nữa khi bạn đã no.
Các thực phẩm nên hạn chế
Nếu bạn bị bệnh mạch vành, việc kiểm soát cholesterol, huyết áp và cân nặng và điều rất quan trọng. Các thực phẩm người bệnh mạch vành nên kiêng ăn như:
- Thực phẩm giàu chất béo: Bơ động vật, thịt mỡ, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, xúc xích, bánh ngọt, khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, nội tạng động vật…
- Đồ ăn nhiều muối, đường: Cần tránh tiêu thụ quá nhiều muối và đường. Đường có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, muối có thể làm tăng huyết áp. Cả hai đều góp phần làm tăng nguy cơ hội phát triển bệnh tim mạch vành.
Các bài tập luyện phù hợp cho người bệnh mạch vành
Ngoài việc cải thiện chế độ ăn, luyện tập thể dục cũng là một phương pháp hữu hiệu tốt cho sức khỏe tim mạch. Nó có thể giúp giảm nguy cơ đau tim. Khi cơ thể bạn ở trong tình trạng thể chất tốt hơn, bạn có thể có ít triệu chứng đau thắt ngực hơn.
Bạn nên có một đợt kiểm tra tổng quát bởi bác sĩ để đánh giá mức độ, cường độ hoạt động phù hợp và an toàn với tình trạng tim mạch của mình.
Các bài tập nên được khởi động thật nhẹ nhàng, khoảng 15 phút mỗi ngày, sau đó mới tăng dần lên.
Một số gợi ý đưa ra như sau:
- Ngủ sớm và dậy sớm, thư giãn cơ bắp
- Đi bộ: Đi bộ xung quanh nhà, đi dạo sau bữa cơm, đi thang bộ thay vì thang cuốn…
- Làm việc nhà: Rửa xe, lau kính, nhổ cỏ sân vườn…
- Nâng tạ cánh tay nhẹ nhàng
- Đạp xe đạp
- Đi khiêu vũ
- Có thêm các hoạt động vui chơi cùng gia đình để tăng cường hoạt động
Trong quá trình hoạt động, bạn cần để ý tình trạng khó thở có xuất hiện không hoặc bạn mệt nhiều không. Ví dụ như:
- Bạn không thể nói chuyện và tập thể dục cùng một lúc. Điều này chứng tỏ bạn đang tập quá sức.
- Nếu bạn có thể nói chuyện trong lúc tập, bạn đang làm tốt.
Một số lưu ý cho bạn:
- Bạn hãy nghỉ ngơi một ngày và bắt đầu nhẹ nhàng lại nếu bạn cảm thấy không khỏe.
- Không tập thể dục ngoài trời khi thời tiết nắng nóng hoặc rét lạnh, các điều kiện thiếu oxy
- Không tập các bài tập khuyến khích việc nín thở như chống đẩy, nâng tạ nặng…
- Nên sử dụng máy đo nhịp tim để luôn giữ nhịp tim trong mức an toàn
- Điều chỉnh lại phương pháp, cường độ tập luyện cho phù hợp với khả năng của bản thân
Trên toàn thế giới, bệnh tim mạch có thể được coi là nguyên nhân chính gây tử vong, với 40% tỷ lệ tử vong này là do bệnh mạch vành. Song song với việc kiểm soát bệnh bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý sẽ giúp bạn có một cuộc sống tốt hơn, khỏe hơn, giảm thiểu được các chi phí y tế trong tương lai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất