Những đối tượng dễ mắc phải bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là gì?
- Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một bệnh loạn thần mức độ nặng và khá phổ biến. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý và nhân cách theo kiểu phân liệt, nghĩa là mất dần tính hài hòa, thống nhất gây ra những chia cắt trong các mặt hoạt động tâm thần.
- Tâm thần phân liệt làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu mình; mất khả năng học tập, lao động, sinh hoạt và trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Những đối tượng dễ mắc chứng tâm thần phân liệt
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Bệnh thường khởi phát ở người trẻ tuổi (15 – 35 tuổi) hơn so với người lớn.
Những yếu tố tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt
Tiền sử gia đình: Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tâm thần phân liệt có vai trò của di truyền đa gen. Nếu một trong số cha mẹ mắc tâm thần phân liệt, con có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt cao hơn người không có tiền sử.
Biến chứng khi mang thai và sinh nở: Thai nhi phát triển trong bụng mẹ có vai trò quan trọng trong việc mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, suy dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin D khi mang thai. Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng lên khi bé thiếu cân khi sinh hoặc có biến chứng trong khi sinh.
Thuốc hướng thần: Tâm thần phân liệt có liên quan đến việc sử dụng một số loại ma túy tiêu khiển, nhất là dùng với số lượng lớn. Mối liên hệ giữa việc sử dụng nhiều cần sa ở người trẻ cũng được xem là một yếu tố nguy cơ.
Môi trường: Nhiễm trùng và bệnh tự miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Căng thẳng cực độ trong thời gian dài cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Cấu trúc và chức năng của não.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định (Theo ICD – 10)
Theo ICD – 10 có 9 nhóm triệu chứng của tâm thần phân liệt:
- Tư duy vang thành tiếng.
- Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối hay bị động, có liên quan rõ rệt với vận động thân thể, với những ý nghĩ hay cảm giác đặc biệt; Tri giác hoang tưởng.
- Các ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của bệnh nhân hay thảo luận với nhau về bệnh nhân hoặc các loại ảo thanh khác xuất phát từ một bộ phận nào đó của cơ thể.
- Các loại hoang tưởng dai dẳng khác không thích hợp về mặt văn hoá, về tôn giáo hay chính trị hoặc những hoang tưởng về khả năng và quyền lực siêu nhân (ví dụ: có khả năng điều khiển thời tiết hoặc đang tiếp xúc với những người của thế giới khác)
- Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào, kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh, không có nội dung cảm xúc rõ ràng hoặc kèm theo ý tưởng quá dai dẳng trong nhiều tuần hay nhiều tháng.
- Tư duy gián đoạn hay thêm từ khi nói, đưa đến tư duy không liên quan, lời nói không thích hợp hay ngôn ngữ bịa đặt.
- Tác phong căng trương lực như kích động, giữ nguyên dáng hay phủ định, không nói hay sững sờ.
- Các triệu chứng âm tính như vô cảm rõ rệt, các đáp ứng cảm xúc cùn mòn hay không thích hợp, ngôn ngữ nghèo nàn thường đưa đến cách ly xã hội hay giảm sút hiệu suất lao động (các triệu chứng trên không do trầm cảm hay thuốc an thần kinh gây ra).
- Biến đổi thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân biểu hiện như là mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhác và cách ly xã hội.
Yêu cầu chẩn đoán xác định bệnh theo ICD-10
- Ít nhất phải có một triệu chứng rõ ràng thuộc vào một trong các nhóm từ (a) đến (d) ở trên hoặc ít nhất là phải có hai trong các nhóm từ (e) đến (i).
- Các triệu chứng ở trên phải tồn tại rõ ràng trong khoảng thời gian một tháng hay lâu hơn.
Chẩn đoán theo DSM: 5 triệu chứng
- Hoang tưởng
- Ảo giác
- Ngôn ngữ thanh xuân.
- Hành vi căng trương lực hoặc hành vi thanh xuân rõ.
- Tru chứng âm tính (ví dụ như biểu hiện cảm xúc giảm hoặc giảm sút ý chí).
Yêu cầu chẩn đoán xác định bệnh theo DSM
- Có hai (hay nhiều hơn) các triệu chứng sau, Ít nhất phải có một trong 3 triệu chứng (1), (2) hoặc (3)
- Các dấu hiệu của rối loạn kéo dài bền vững ít nhất 6 tháng.
Cận lâm sàng
- Các xét nghiệm cơ bản
Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hoá, vi sinh (HIV, VGB, VGC)
Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tìm chất ma tuý, huyết thanh chẩn đoán giang mai…
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng
XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng Điện não đồ, điện tâm đồ, lưu huyết não, siêu âm doppler xuyên sọ…
Trong một số trường hợp sử dụng CT scanner sọ não, MRI sọ não…
Các trắc nghiệm tâm lý
Trắc nghiệm tâm lý đánh giá triệu chứng dương tính và âm tính PANSS
Trắc nghiệm nhân cách: EPI, MMPI, trắc nghiệm tâm lý khác như BDI, Zung, HDRS, HARS, HAD, MMSE…