Các loại bệnh tâm thần phân liệt phổ biến
Thực trạng mắc bệnh tâm thần phân liệt
Theo tổ chức Y tế thế giới, tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người hoặc 1/300 người (0,32%) trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam, số người mắc tâm thần phân liệt chiếm khoảng 0,3 – 0,5% dân số.
Độ tuổi khởi phát bệnh thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên.
Tâm thần phân liệt thường có xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới. khoảng 40% nam giới khởi phát giai đoạn đầu tiên trước 20 tuổi còn ở nữ giới là vào những năm đầu đến giữa tuổi 20.
Triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần phân liệt
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể được phân loại như sau:
Triệu chứng dương tính
- Ảo tưởng hay Hoang tưởng (Delusions): Là những niềm tin sai lệch và thiếu thực tế nhưng được người bệnh tin chắc là đúng một cách rất mãnh liệt. Có một số loại ảo tưởng:
- Ảo tưởng bị hại: Người bệnh có ý nghĩ rằng những người xung quanh hoặc có ai đó đang tìm cách để hãm hại, đầu độc họ.
- Ảo tưởng liên hệ: Thường phát sinh trước ảo tưởng bị hại. Người bệnh nghĩ rằng mọi thứ điều liên quan đến mình, những lời nói hoặc hành động của người xung quanh (kể cả người xa lạ) luôn có ý ám chỉ mình.
- Ảo tưởng bị chi phối: Người bệnh suy nghĩ rằng có 1 thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát ý nghĩ, hành vi của họ. Đó có thể là ma quỷ, thần tiên hay vô hình,…
- Ảo giác (Hallucinations): Là những cảm nhận tri giác mà không ai khác cảm nhận được. Ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào, nhưng ảo thanh là ảo giác phổ biến nhất. Ảo thanh có ở 60 – 70% số bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bệnh nhân nghe thấy những tiếng nói không có thật, nhưng được bệnh nhân cho là thật.
- Rối loạn tư duy: Suy nghĩ vô tổ chức, phát biểu lan man, hoặc đang nói chủ đề này chuyển sang chủ đề khác mà không có sự liên kết logic. Lời nói khó hiểu, lung tung , toàn những từ vô nghĩa khiến người nghe khó nắm được ý.
- Hành vi vô tổ chức: là bệnh nhân có những hành động như trẻ con, hành động bất ngờ, hành động không có chủ đích, các cử động kỳ quặc, rập khuôn lặp đi lặp lại. Căng trương lực là một ví dụ điển hình về hành vi vô tổ chức, bao gồm:
- Sững sờ căng trương lực: Là sự giảm sút rõ ràng các phản ứng lại mọi tác động của môi trường.
- Kích động căng trương lực: Là kích động do căng trương lực cơ. Các kích động này rất lố lăng, kỳ quái nhưng chỉ xuất hiện trong không gian hẹp (trên giường. trong phòng).
- Phủ định căng trương lực: Là bệnh nhân chống lại mọi tác động bên ngoài.
- Uốn sáp căng trương lực: Là bệnh nhân giữ lâu ở một số vị trí vô lý và kỳ lạ.
Triệu chứng âm tính
- Tính tự kỷ: Là mức độ cao của tính thiếu hòa hợp, biểu hiện bằng hiện tượng tách rời thực tại, cắt đứt với thế giới bên ngoài, quay về với cuộc sống nội tâm bên trong. Chủ yếu là tính khó thâm nhập, kỳ dị khó hiểu.
- Thế năng tâm thần bị giảm sút thể hiện bằng:
- “Cảm xúc phẳng lặng”: Khuôn mặt của bệnh nhân có vẻ bất động, giao tiếp bằng mắt kém và thiếu biểu cảm.
- Ngôn ngữ nghèo nàn: Bệnh nhân ít nói và trả lời ngắn gọn các câu hỏi, tạo ra ấn tượng về sự trống rỗng bên trong.
- Mất niềm vui: Thiếu hứng thú với các hoạt động và gia tăng hoạt động không mục đích.
- Tính không xã hội: Thiếu quan tâm đến các mối quan hệ.
Suy giảm nhận thức
Suy giảm nhận thức bao gồm suy giảm những điều sau đây:
- Khả năng chú ý;
- Tốc độ xử lý;
- Trí nhớ làm việc;
- Tư duy trừu tượng;
- Giải quyết vấn đề;
- Hiểu biết về các tương tác xã hội.
Mức độ nghiêm trọng của suy giảm nhận thức là một yếu tố quyết định chính của mức độ bệnh.
Các loại bệnh tâm thần phân liệt phổ biến
- Rối loạn loạn thần ngắn hạn
- Rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn phân liệt cảm xúc
- Rối loạn dạng phân liệt.
- Rối loạn nhân cách phân liệt
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Tránh sử dụng ma tuý và các chất kích thích thần kinh, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nên nhớ rằng, cồn cũng là một chất kích thích, do đó bạn nên hạn chế sử dụng hoặc tránh sử dụng.
- Thăm khám và tư vấn tâm lý ngay khi có dấu hiệu bệnh lý tâm thần như chấn thương tâm lý, căng thẳng, stress, trầm cảm….
- Giữ mối quan hệ xã hội, thường xuyên giao tiếp với mọi người xung quanh, tránh cô lập bản thân.
- Học cách quản lý công việc, học tập và có phương pháp thư giãn lành mạnh, phù hợp.
- Chăm lo cho bản thân bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên.