Bệnh sởi và các con đường lây bệnh
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Bệnh sởi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… và có thể gây tử vong.
Đường lây truyền của bệnh sởi như thế nào?
Bệnh sởi lây từ người sang người qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là:
- Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang và chưa đến tuổi tiêm vắc xin.
- Người đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
- Những người chưa mắc sởi hoặc tiêm vắc xin sởi trước đây.
- Sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
Nguy hiểm tiềm ẩn của bệnh sởi
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cụ thể:
Biến chứng đường hô hấp
Viêm thanh quản
- Giai đoạn sớm: do virus sởi xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.
- Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.
Viêm phế quản
- Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X quang có hình ảnh viêm phế quản.
Viêm phế quản – phổi
- Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ. X quang có hình ảnh phế quản phổi viêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
Biến chứng thần kinh
Viêm não – màng não – tủy cấp
Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt ½ người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình…
- Viêm màng não kiểu thanh dịch (do virus).
- Viêm tủy: liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.
Cơ chế: có 2 giả thuyết, cho là phản ứng dị ứng hoặc là phản ứng miễn dịch bệnh lí.
Viêm màng não
Viêm màng não thanh dịch do virus sởi và màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van bogaert)
Hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.
Biến chứng đường tiêu hóa
Viêm niêm mạc miệng
Lúc đầu do virus sởi, thường hết cùng với ban.
Cam mã tấu (noma)
Xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent là một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.
Viêm ruột
Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như Shigella, E. coli…
Biến chứng tai – mũi – họng
Có thể gặp viêm mũi họng bội nhiễm và viêm tai – viêm tai xương chũm.
Biến chứng do suy giảm miễn dịch
Người bị sởi dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…
Cách phòng tránh bệnh sởi
Vi rút sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, nên khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng.. Cụ thể như:
- Tiêm vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Cách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch.
- Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế.
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thường xuyên.
- Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh sởi thường gặp, các con đường lây truyền, biến chứng và cách phòng tránh tại nhà. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.