Khi mắc bệnh “SỞI” bạn cần làm gì và cần tránh gì?
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và dễ bùng phát thành dịch. Mặc dù sởi có thể hoàn toàn phòng ngừa bằng vắc-xin, nhưng một số đối tượng chưa tiêm chủng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Người bệnh sởi nên ăn gì?
Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin A
Bạn có biết vì sao Vitamin A lại quan trọng đến như vậy trong việc điều trị bệnh sởi? Vì khi nồng độ Vitamin A trong cơ thể thấp thì kháng thể kháng sởi cũng thấp.
Do đó, việc bổ sung Vitamin A vô cùng quan trọng kể cả khi trước và đang mắc bệnh. Giúp hạn chế tối đa biến chứng do sởi gây ra cho mắt và chống mù lòa.
Thực phẩm giàu Vitamin A có nguồn gốc từ động vật như gan, trứng,… hoặc nguồn gốc từ thực vật như rau củ quả có màu vàng, đỏ (ớt chuông, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, xoài, đu đủ,…) và các loại rau sẫm màu (rau ngót, rau dền, các loại cải, súp lơ,…).
Bổ sung thực phẩm giàu Kẽm
Kẽm có chức năng tăng cường hệ miễn dịch, làm lành các vết thương và hạn chế sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn. Khi thiếu kẽm, hệ miễn dịch kém đi tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập vào.
Những thực phẩm có chứa Kẽm cần thiết để bổ sung như gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, tôm, lươn, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc…).
Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống dị ứng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, từ đó hỗ trợ người bệnh mau chóng hồi phục.
Những thực phẩm giàu vitamin C như cam, chuối, bưởi, dưa hấu,…
Người bệnh sởi nên kiêng gì?
Các loại gia vị cay, thực phẩm có tính nóng
Nhóm gia vị và thực phẩm này còn có thể gây ra các phản ứng nhiệt, khiến ban sởi nổi dày hơn.
Bên cạnh đó, nên tránh những thực phẩm chiên rán, các thực phẩm có tác nhân gây dị ứng và hạn chế các đồ uống có ga nhé.
Nên làm gì và lưu ý gì khi mắc bệnh?
- Bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể
- Bổ sung nước đầy đủ, có thể uống thêm Oresol để bù nước thêm. Đồng thời cần bổ sung thêm nước ép trái cây để đảm bảo bù nước và chất dinh dưỡng.
- Luôn giữ cơ thể sạch sẽ
- Tránh nơi đông người để lây bệnh, cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
- Cải thiện chế độ sinh hoạt, đảm bảo chế độ dinh dưỡng.
Phòng ngừa bệnh sởi như thế nào ?
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Hiện với trẻ nhỏ, vắc xin đã có trong gói tiêm trẻ đủ 2 liều như khuyến cáo: mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và mũi 2 vào lúc trẻ 18 tháng tuổi.
- Không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Nếu bắt buộc tiếp xúc nên đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Nâng cao sức đề kháng bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các chất hợp lý.
- Tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng,…
- Hạn chế tập trung đông người, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ nhà cửa luôn được thông thoáng.
- Nên mở cửa sổ thường xuyên, để không khí lưu thông, thoáng mát, phòng ngừa.
- Khi có triệu chứng hay nghi ngờ bệnh nên đến phòng khám gần nhất để kiểm tra. Tránh lây lan cộng đồng…
Những thông tin đây có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể để phục hồi nhanh chóng, tránh những biến chứng của bệnh sởi.
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ nắm được người mắc sởi kiêng gì và nên ăn gì. Đừng quên những lưu ý quan trọng để đẩy lùi dịch sởi bạn nhé!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.