Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những điều cần biết về bệnh
Theo các nghiên cứu, có khoảng 15-17% nam giới trải qua tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh, chủ yếu ở tuổi trưởng thành. Đây là một bệnh lý thường gặp trong Nam khoa, có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh sản của nam giới, do nó làm suy giảm chức năng tinh hoàn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Thừng tinh là một ống đi từ mỗi tinh hoàn lên phần dưới ổ bụng, trong thừng tinh chứa các ống dẫn tinh, các mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là khi các tĩnh mạch nằm trong thừng tinh bị giãn nở, trở nên lớn hơn và có thể nhận thấy bằng mắt thường. Giãn mạch thừng tinh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, tuy nhiên giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái thường gặp hơn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp khi xuất hiện một sự tắc nghẽn tĩnh mạch lớn ở vùng bụng, như một khối u của thận phát triển gây tăng áp lực lên các tĩnh mạch nhỏ hơn trong bìu gây giãn tĩnh mạch, tuy nhiên trường hợp này hiếm gặp và thường chỉ gặp ở nam giới hơn 40 tuổi.
Triệu chứng
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể không có dấu hiệu gì rõ rệt. Bệnh nhân có thể không cảm thấy đau hay bất kỳ triệu chứng nào khác. Khi đó, bệnh chỉ thường được phát hiện thông quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình đánh giá chức năng sinh sản khi trưởng thành. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh xuất hiện một số triệu chứng rõ rệt bao gồm:
- Đau âm ỉ, cảm giác căng tức hay nặng bìu: Cơn đau thường xảy ra ở bên phía bìu bị ảnh hưởng. Đau có thể thay đổi từ nhói nhẹ đến âm ỉ. Cơn đau tăng thêm khi đứng hoặc hoạt động gắng sức và giảm khi bệnh nhân nằm ngửa.
- Co rút hay teo tinh hoàn: Phần lớn tinh hoàn được cấu tạo từ các ống sinh tinh. Khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn sẽ co rút và mềm hơn. Nguyên nhân gây co rút tinh hoàn hiện vẫn chưa xác định chính xác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó là do máu bị ứ trệ trong các tĩnh mạch, từ đó làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và tăng nhiệt độ bìu gây tổn hại các tế bào tinh hoàn và khiến tinh hoàn co rút.
- Suy giảm khả năng sinh sản: Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Nguyên nhân có thể là do giảm lượng máu nuôi và tăng nhiệt độ của tinh hoàn, từ đó ảnh hưởng đến sự hình thành, khả năng di chuyển và chức năng của tinh trùng. Khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn sẽ sản xuất ít tinh trùng hơn và tinh trùng được tạo ra có thể không khỏe mạnh như bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời vẫn có thể ngăn ngừa biến chứng này xảy ra và thậm chí giúp tinh hoàn hồi phục như bình thường.
Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp vẫn đang được nghiên cứu, do đó Giãn tĩnh mạch thừng tinh được xếp vào nhóm bệnh tự phát (idiopathic).
Một số giả thuyết về nguyên nhân như: suy van tĩnh mạch, bất thường vị trí đổ của tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng. Có thể do các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng như khối u vùng tiểu khung, sau phúc mạc…
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường do máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim), giống như tình trạng giãn tĩnh mạch ở chi dưới. Cơ chế bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh là do sự suy yếu hệ thống van tĩnh mạch, dẫn đến trào ngược máu từ hệ thống tĩnh mạch chủ vào hệ thống tĩnh mạch tinh, làm giãn thành búi các đám rối tĩnh mạch tinh ở vùng bẹn và bìu.
Đám rối tĩnh mạch tinh giãn, gây ứ trệ máu làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn dẫn đến sự hủy hoại tinh trùng.
Đối tượng nguy cơ
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ít gặp ở bé trai dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp ở tuổi dậy thì và thanh thiếu niên, và hiếm gặp sau tuổi thanh thiếu niên. Hầu hết tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ xảy ra ở bên trái do đường dẫn máu từ tinh hoàn trái. Trong một số trường hợp, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bên phải hoặc cả hai tinh hoàn.
Chẩn đoán
Thông thường, việc chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh tương đối đơn giản. Bác sĩ sẽ xem xét chi tiết bệnh sử và đặt câu hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân, nếu có.
Việc thăm khám của bác sĩ rất quan trọng để loại trừ hoặc xác nhận tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận bộ phận sinh dục ngoài. Búi tĩnh mạch bị sưng và rối trong bìu mà bác sĩ có thể sờ thấy rõ ở tư thế đứng hoặc khi kéo căng, giúp xác định tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Các tĩnh mạch bị sưng như một “búi giun”. Cả hai tinh hoàn cần được khám để so sánh kích thước. Tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường nhỏ hơn.
Khảo sát siêu âm. Tình trạng máu chảy ngược trong tĩnh mạch ở tinh hoàn bị sưng thường được xác nhận qua siêu âm bìu.
Tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh bên phải đơn độc rất ít gặp. Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, đó có thể do khối u thận gây ra nên cần siêu âm thận để loại trừ.
Phòng ngừa bệnh
- Giữ gìn vệ sinh “vùng kín”: Một cách đơn giản để phòng tránh giãn tĩnh mạch thừng tinh là nam giới cần chú ý tới vấn đề vệ sinh “vùng kín”. Các bệnh lý xảy ra do viêm nhiễm “cậu nhỏ” nếu không điều trị về lâu dài sẽ tác động xấu tới thừng tinh.
- Ngoài ra nên lựa chọn các loại quần lót từ các chất liệu dễ thấm hút mồ hôi, thoáng mát.
- Nhận biết các triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh: Nam giới nên tự trang bị các kiến thức cơ bản về dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh để có biện pháp xử lý đúng đắn, tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Nhìn chung giãn tĩnh mạch thừng tinh hầu như không có triệu chứng. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc có cảm giác nặng ở vùng bìu. Đau hơn khi đứng lâu, ngồi nhiều hoặc làm việc nặng. Nếu gặp phải tình trạng này nên tới bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán ngay.
- Khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh giãn tĩnh mạch thừng tinh: Vì rất khó nhận biết sớm giãn tĩnh mạch thừng tinh nên thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp dự báo nguy cơ bệnh lý để có biện pháp để ngăn ngừa và điều trị kịp thời.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh vừa giúp phòng tránh giãn tĩnh mạch thừng tinh vừa cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Tránh nâng vật nặng:Bất kỳ hoạt động nào làm tăng áp lực trong ổ bụng như nâng vác vật nặng có thể khiến tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Điều trị như nào
Nếu giãn mạch thừng tinh không gây ra các triệu chứng như đau tinh hoàn, teo nhỏ tinh hoàn hoặc các vấn đề về sinh sản thì có thể điều trị nội khoa. Hiện nay, điều trị giãn tĩnh mạch tinh chủ yếu là điều trị can thiệp ngoại khoa, kết quả làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng tỷ lệ có thai cho vợ chồng người bệnh.
Các phương pháp can thiệp được áp dụng, bao gồm:
- Phẫu thuật mở cổ điển
- Phẫu thuật nội soi, nút mạch chọn lọc dưới hướng dẫn của X quang và vi phẫu thuật.
Trong đó, vi phẫu thuật là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Ưu điểm của vi phẫu thuật là bộc lộ được từng tĩnh mạch giãn tới tận tinh hoàn. Vì vậy sẽ thấy được hết các tĩnh mạch giãn, kể cả các tĩnh mạch hoặc vòng nối bất thường. Do đó đã hạn chế được nguy cơ tái phát của bệnh.
Một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng vô sinh ở nam giới là bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Việc điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng tinh trùng, tăng khả năng có con. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn và lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.