Tổng quan chung về bệnh Giun chỉ
Giun chỉ bạch huyết là bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi các loài giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi, hoặc là B. timori. Ở Việt Nam gặp 2 loại là Brugia malayi và Wuchereria bancrofti, trong đó Brugia malayi chiếm đa số (> 90%). Bệnh được truyền từ người này sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ bạch huyết của cơ thể, gây nên các tổn thương và sưng phồng tổ chức.
Ấu trùng từ muỗi di chuyển đến bạch huyết, nơi chúng phát triển thành những con giun trưởng thành giống như sợi tơ trong vòng 6 đến 12 tháng. Con cái có chiều dài từ 80 đến 100 mm; con đực có chiều dài khoảng 40 mm. Những con cái trưởng thành sản sinh ra những vi ấu trùng phát triển trong máu.
Bệnh phù chân voi là dấu hiệu kinh điển trong giai đoạn muộn của bệnh, biểu hiện đau, biến dạng chi thể và cơ quan sinh dục.
Nhiễm giun chỉ có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn còn đòi hỏi một số biện pháp điều trị khác như phẫu thuật, chăm sóc da, tập thể dục để tăng dẫn lưu bạch huyết trong trường hợp có phù.
Triệu chứng bệnh Giun chỉ
Đa số bệnh nhân nhiễm giun chỉ bạch huyết không có biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm, có khi là cả đời. Bệnh thường trải qua 3 thời kỳ với các triệu chứng sau:
Thời kỳ ủ bệnh:
- Thời gian: trung bình 8-16 tháng (ngắn nhất: 4 tuần)
- Bệnh nhân không có triệu chứng hoặc mệt mỏi, sốt nhẹ, nổi mẩn
- Xét nghiệm: Bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm máu có ấu trùng trong máu
- Khả năng lây truyền: cao vì người bệnh có mang mầm bệnh nhưng không rõ triệu chứng để chẩn đoán và điều trị.
Thời kỳ cấp tính:
- Sốt: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau đầu nhiều. Triệu chứng tái phát từng đợt, mỗi đợt khoảng 3-7 ngày.
- Viêm bạch mạch và viêm hạch bạch huyết: xuất hiện sau sốt vài ngày, viêm đỏ và đau dọc theo bạch mạch. Hạch bẹn sưng to và đau.
Thời kỳ mạn tính:
- Bệnh nhân mệt mỏi nhiều, gầy sút nhanh chóng.
- Viêm, phù bộ phận sinh dục: viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn… Có thể có triệu chứng bìu voi hoặc vú voi
- Phù voi chi dưới: nguyên nhân do viêm mạn tính bạch mạch. Phù cứng, da dày lên như bị chàm.
- Tiểu ra dưỡng chấp: nước tiểu đục như nước vo gạo, có thể lẫn máu.
Nguyên nhân gây ra bệnh Giun chỉ
Giun chỉ trường thành cư trú ở hạch lympho hoặc các mô dưới da. Các con cái đẻ ra các vi ấu trùng, từ đó vi ấu trùng này sinh sống trong máu hoặc di chuyển đến các mô. Bệnh được truyền từ người này sang người khác khi bị các loài hút máu thích hợp đốt (muỗi hoặc ruồi), các vi ấu trùng này phát triển thành các ấu trùng gây bệnh có thể xâm nhập và da cả vật chủ tiếp theo nếu bị đốt. Chu kì sống của các loài giun chỉ là khá giống nhau.
Chu kỳ phát triển của giun chỉ bạch huyết:
Chu kỳ phát triển của giun chỉ bạch huyết bao gồm 2 giai đoạn: giun chỉ ký sinh trong cơ thể người và ký sinh trong cơ thể muỗi. Trong đó người là ký chủ vĩnh viễn, muỗi là ký chủ trung gian.
Trong cơ thể người:
- Người bị muỗi đốt và ấu trùng giun chỉ được truyền qua người. Ấu trùng di chuyển từ mạch máu vào hệ bạch huyết và trưởng thành sau khoảng một năm.
- Giun trưởng thành sinh sản hữu tính,giun cái đẻ ra ấu trùng, ấu trùng sống trong mạch máu nội tạng và thường xuất hiện ở máu ngoại vi về ban đêm (từ 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng).Khi muỗi hút máu người, ấu trùng chủ động nhanh chóng xâm nhập vào vòi muỗi để vào dạ dày. Nếu phôi giun chỉ không được truyền qua muỗi, phôi sẽ chết sau khoảng bảy tuần. Khi phôi giun chỉ không ra ngoại biên thì phôi có mặt trong máu của các nội tạng nhất là phổi.
Trong cơ thể muỗi:
- Ở dạ dày muỗi, sau 2 – 6 giờ ấu trùng xuyên qua dạ dày và để lớp áo lại. Sau 15 giờ ấu trùng di chuyển tới vùng cơ ngực muỗi, chuyển thành ấu trùng giai đoạn một. Sau 14 ngày ấu trùng lại thay vỏ hai lần thành ấu trùng giai đoạn ba. Ký sinh ở vùng tuyến nước bọt chờ cơ hội xâm nhập vào người.
- Khi muỗi hút máu người, muỗi truyền ấu trùng giun chỉ vào máu ngoại vi, từ đó ấu trùng theo máu ký sinh ở hệ bạch huyết để phát triển thành ấu trùng giai đoạn bốn và cuối cùng thành con trưởng thành ở hệ bạch huyết. Thời gian từ khi nhiễm đến khi xuất hiện ấu trùng trong máu khoảng 3 – 7 tháng. Thời gian phát triển từ ấu trùng đến con trưởng thành trung bình một năm.
- Ấu trùng có thể tồn tại ở hệ tuần hoàn máu tới 10 tuần rồi sẽ chết nếu không được muỗi hút.
- Giun trưởng thành có tuổi thọ khoảng 10 năm.
Đối tượng dễ mắc bệnh Giun chỉ ?
Giun chỉ là tình trạng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Phi, Tây Thái Bình Dương và châu Á. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc giun chỉ:
- Sống hoặc du lịch, công tác tại khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới là vùng lưu hành của muỗi truyền bệnh giun chỉ
- Bị muỗi đốt nhiều lần
Phòng ngừa bệnh Giun Chỉ
- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về tác hại và phòng chống bệnh giun chỉ.
- Vệ sinh môi trường: Xây dựng nhà ở cao ráo sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế muỗi vào nhà. Lấp bớt ao tù, vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh để làm giảm sự sinh sản của muỗi, thả cá ở các ao bèo để diệt bọ gậy (cá rô phi, chép lai, bảy màu, săn sắt…).
- Vệ sinh cá nhân: Mặc quần áo kín khi lao động ban đêm, nằm màn tránh muỗi đốt. Phát hiện và điều trị sớm người có bệnh, điều trị hàng loạt là biện pháp kinh tế nhất giúp phòng chống bệnh giun chỉ
- Tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng.
Chẩn đoán bệnh giun chỉ
Chẩn đoán bệnh giun chỉ dựa vào dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm:
- Kiểm tra bằng kính hiển vi đối với các mẫu máu hoặc sinh thiết mô bạch huyết
- Thử nghiệm kháng nguyên cho W. bancrofti : Một thử nghiệm miễn dịch học nhanh về định dạng nhanh kháng nguyên W. bancrofti
- Xét nghiệm kháng thể: xét nghiệm miễn dịch enzyme cho IgG1 và IgG4 kháng giun chỉ
Những bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ hoạt động thường có nồng độ IgG4 trong máu cao. Tuy nhiên, có phản ứng chéo kháng nguyên đáng kể giữa giun chỉ và các loại giun sán khác, và xét nghiệm huyết thanh dương tính không phân biệt giữa nhiễm giun chỉ trong quá khứ và hiện tại.
Con trưởng thành của cả hai loài có thể được xác định trong các mẫu sinh thiết mô bạch huyết
Các biện phương pháp điều trị Giun chỉ
Phụ thuộc vào triệu chứng lâm sàng và thời kỳ mắc bệnh
Nhiễm giun chỉ có ấu trùng trong máu, không có triệu chứng lâm sàng: dùng thuốc đặc hiệu theo phác đồ.
Điều trị nhiễm giun chỉ có ấu trùng trong máu, thời kỳ cấp tính:
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, nghỉ ngơi
- Không dùng thuốc điều trị đặc hiệu DEC vì có thể gây viêm mạch, viêm hạch bạch huyết phản ứng.
- Kháng sinh chống bội nhiễm
- Sau thời kỳ cấp tính, sử dụng thuốc DEC theo phác đồ.
Nhiễm giun chỉ bị phù chân voi:
- Uống thuốc diệt giun chỉ nếu có ấu trùng trong máu
- Phòng bội nhiễm: rửa chi phù bằng nước sạch, thấm khô bằng khăn mềm sạch ngày 2 lần. Vận động, xoa bóp chân giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn. Ngủ gác cao chân tránh ứ trệ tuần hoàn.
- Sử dụng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân nếu bội nhiễm tùy mức độ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống thuốc diệt giun chỉ nếu có ấu trùng trong máu.
- Ăn kiêng mỡ và thức ăn nhiều protein
Có thể hội chẩn điều trị ngoại khoa (đốt vi mạch bạch huyết quanh thận, cắt bỏ bó mạch bạch huyết quanh cuống thận…)
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.