Điều gì sẽ xảy ra khi bị suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh là một vấn đề sức khỏe phổ biến trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của nhiều người. Được coi là một rối loạn chức năng thần kinh, suy nhược thần kinh có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là một bệnh lý nằm trong nhóm những rối loạn thần kinh chức năng. Đây là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não phải làm việc quá căng thẳng, dẫn tới tình trạng quá tải và suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục và tái tạo toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Cần phân biệt được suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể. Vì suy nhược thần kinh là bệnh lý do vấn đề tâm lý, còn suy nhược cơ thể là tình trạng sức khỏe suy giảm trong thời gian dài nên cần nắm rõ hai bệnh lý này để điều trị hiệu quả hơn.
Tất cả các lứa tuổi, giới tính đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhóm người thường mắc suy nhược thần kinh rơi vào khoảng từ 18 – 45 tuổi, đa số đều nằm trong độ tuổi lao động.
Nguy cơ khi bị suy nhược thần kinh
Tuy không phải là một bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng những hậu quả của suy nhược thần kinh để lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng những chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hậu quả của suy nhược thần kinh bao gồm:
- Hội chứng kích thích suy nhược: người bệnh dễ có khả năng bị kích thích, bị làm khó chịu bởi những tiếng động nhỏ. Ngoài ra, người bệnh còn dễ bị mệt mỏi, đau nhức đầu kéo dài hơn 3 tháng và nghỉ ngơi thường không thuyên giảm đi triệu chứng này.
- Nhức đầu: nhức đầu âm ĩ, đau đầu vùng trán, vùng đỉnh đầu và vùng thái dương, đau đầu đột ngột và kéo dài trong khoảng vài giờ đồng hồ đến 1 ngày. Đặc biệt, khi bệnh nhân mệt mỏi, xúc động mạnh thì nhức đầu tăng lên và sẽ giảm đi khi bệnh nhân đi vào giấc ngủ.
- Mất ngủ: ngủ không sâu, hay nằm mơ hoặc không ngủ được. Giấc ngủ khó thực hiện bởi sự tác động của ánh sáng, tiếng động nên sau khi thức dậy, cơ thể người bệnh mệt mỏi, uể oải và bủn rủn tay chân. Vì mất ngủ về đêm nên ban ngày, người bệnh cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, học tập và sinh hoạt hằng ngày.
- Triệu chứng về thần kinh: đau cột sống, mỏi vùng cô, buốt xương sống. Những rối loạn cảm giác, giác quan, nội tạng, hoa mắt, chóng mặt… cũng thường xuyên xảy ra với những bệnh nhân suy nhược thần kinh.
- Rối loạn thực vật và nội tạng đa dạng: biểu hiện là mạch không đều, huyết áp hạ, đánh trống ngực, đau tim, thân nhiệt tăng và giảm không ổn định, tăng tiết mồ hôi, liệt dương, rối loạn vòng kinh…
- Triệu chứng về tâm thần: các rối loạn về cảm xúc khiến bệnh nhân hay xúc động, hồi hộp, lo âu, khí sắc trầm hơn. Khả năng tập trung trong công việc và học tập của bệnh nhân vì thế cũng giảm đi.
Cách phòng suy nhược thần kinh
Có những biện pháp phòng ngừa suy nhược thần kinh mà mọi người có thể áp dụng gồm:
Hạn chế áp lực và stress trong cuộc sống hàng ngày. Có thể áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền định, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giúp giảm căng thẳng như nhảy múa, hát hò, vẽ tranh.
Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị suy nhược thần kinh. Tuy nhiên nhiều người lại coi nhẹ chất lượng giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon được đánh giá bởi hai tiêu chí là ngủ đủ giờ và đủ sâu.
Ngủ đủ khoảng 7-8 giờ mỗi ngày và duy trì thói quen ngủ đều đặn. Tạo môi trường thoáng mát, yên tĩnh, và tối đa hóa sự thoải mái khi điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, và tiếng ồn trong phòng ngủ.
Không ăn quá no trước khi đi ngủ. Khi đi ngủ nên tắt đèn hoặc mở đèn với cường độ ánh sáng thấp để mắt dễ chịu hơn.
Dinh dưỡng cân đối
Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất từ một chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây, rau xanh, ngũ cốc, chocolate và thực phẩm giàu omega-3.
Tránh hoặc hạn chế tối đa những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán hoặc xào, nhất là ăn vào buổi tối sẽ làm khó ngủ gây căng thẳng thần kinh.
Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thức uống có gas,… để tránh gây kích thích cho hệ thần kinh.
Duy trì lối sống lành mạnh
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt là một phần quan trọng trong việc kiểm soát suy nhược thần kinh. Dưới đây là những lời khuyên về chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học cho người suy nhược thần kinh:
- Rèn luyện thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày và tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội để giảm bớt căng thẳng và tăng cường sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá và các chất gây nghiện khác.
- Hạn chế xem tivi, sử dụng điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào trước khi ngủ.
- Xây dựng thói quen đi ngủ theo một khung giờ nhất định và duy trì đều đặn mỗi ngày..
- Giữ cho không gian phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng cũng là một trong các yếu tố quyết định chất lượng giấc ngủ của bạn.
Quản lý thời gian và công việc
Lập kế hoạch công việc hợp lý, phân chia thời gian một cách hợp lý để tránh áp lực và quá tải. Hãy học cách ưu tiên công việc quan trọng và biết khi nào nên thư giãn.
Hỗ trợ tâm lý
Nếu cảm thấy không thể tự giải quyết các vấn đề căng thẳng và áp lực, hãy tìm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, hoặc tìm tới các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc nhóm hỗ trợ.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ suy nhược thần kinh ở mỗi người bệnh, chuyên gia sẽ có biện pháp can thiệp tâm lý khác nhau. Thông qua những câu hỏi, chuyên gia sẽ giúp người bệnh suy nhược thần kinh tự tìm hiểu và lắng nghe bản thân mình. Đồng thời, qua đó đánh giá được mức độ bệnh và đưa ra những phương pháp chữa suy nhược thần kinh phù hợp.
Kết luận
Suy nhược thần kinh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để phòng ngừa và kiểm soát suy nhược thần kinh, việc thay đổi lối sống và quản lý căng thẳng là rất quan trọng. Hãy thực hiện những biện pháp trên để duy trì trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt. Nếu cảm thấy không thể tự giải quyết, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.