Suy nhược thần kinh - Những điều cần biết
Suy nhược thần kinh là bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mọi đối tượng, độ tuổi đều có thể mắc phải, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này.
Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não phải làm việc quá căng thẳng, dẫn tới tình trạng quá tải và suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục và tái tạo toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Bệnh cũng có nhiều tên khác như là chứng suy nhược tuần hoàn thần kinh, suy nhược mạn tính, bệnh tim mạch chức năng, suy nhược thần kinh nguyên phát, suy nhược thần kinh bán cấp và tim dễ kích thích.
Tất cả các lứa tuổi, giới tính đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhóm người thường mắc suy nhược thần kinh rơi vào khoảng từ 18 – 45 tuổi, đa số đều nằm trong độ tuổi lao động.
Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh
Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh khá đa dạng nhưng chủ yếu là do vấn đề căng thẳng tâm lý, áp lực, stress kéo dài trong cuộc sống và công việc.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể dẫn đến bệnh là:
- Thần kinh yếu.
- Yếu tố kích thích thần kinh xuất hiện thường xuyên trong môi trường sống như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, điều kiện sống không tốt, môi trường học tập và làm việc nhiều áp lực,…
- Các bệnh lý mạn tính gây cảm giác khó chịu kéo dài cho cơ thể như: Viêm loét dạ dày, viêm túi mật, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
- Chế độ dinh dưỡng chưa đầy đủ, thiếu dinh dưỡng và thiếu năng lượng cho hoạt động của bộ não.
- Làm việc quá nhiều nhưng ngủ không đủ giấc, mất ngủ trong thời gian dài.
- Nghiện sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc,…
- Lao động trí óc kéo dài.
Điều trị suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh hoàn toàn có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các cách điều trị suy nhược thần kinh bao gồm:
- Dùng thuốc: giúp tăng cường hệ tuần hoàn, dinh dưỡng cho não, an thần, giải lo âu, giảm triệu chứng mất ngủ… Cùng với đó là các loại thuốc giảm đau để loại bỏ triệu chứng của bệnh. Chúng phát huy tác dụng nhanh chóng, nhưng sử dụng về lâu dài có thể gây nhờn thuốc, mất tác dụng; có thể gây hại cho gan, dạ dày, thận…
- Áp dụng liệu pháp tâm lý: bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh giải tỏa những vướng mắc trong cuộc sống; từ đó cân bằng tâm lý và giúp chữa bệnh hiệu quả.
- Phương pháp điều trị tự nhiên
- Sử dụng thảo dược: Một số loại thảo dược như nhân sâm, bạch quả, cây lạc tiên được cho là có tác dụng tốt trong việc giảm căng thẳng và cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh.
- Liệu pháp hương liệu: Sử dụng các loại tinh dầu như oải hương, hoa cam giúp thư giãn, giảm stress.
- Duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: đây cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp cải thiện suy nhược thần kinh.
Lưu ý khi điều trị suy nhược thần kinh
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Khi sử dụng thuốc hoặc các liệu pháp điều trị, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ.
- Không tự ý sử dụng thuốc: Không tự ý sử dụng hoặc ngưng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện thay đổi lối sống: Điều trị suy nhược thần kinh không chỉ dựa vào thuốc mà cần kết hợp với thay đổi lối sống và quản lý căng thẳng.
- Theo dõi và điều chỉnh: Theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
Suy nhược thần kinh chủ yếu bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh. Vì vậy trong quá trình điều trị cần thay đổi thói quen sống như sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và thời gian sinh hoạt hợp lý.
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…Các chất kích thích có thể giúp bạn ngay lúc sử dụng, tuy nhiên vấn đề lo âu suy nghĩ vẫn còn đó, vì vậy sử dụng chất kích thích chỉ êm dịu một giai đoạn ngắn mà thêm hại cơ thể.
- Xây dựng đời sống tinh thần thoải mái nhất: hạn chế mâu thuẫn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,.… Hãy chia sẻ với người thân, bạn bè mà bạn tin tưởng về những khó khăn, buồn phiền bạn gặp phải để giảm bớt muộn phiền trong tâm của mình.
- Rèn luyện thể thao mỗi ngày. Hằng ngày, bạn nên dành ra 30 phút để tập thể dục đặc biệt các môn như thiền định, yoga rất tốt cho tâm trạng của mình. Chúng giúp bạn giải tỏa căng thẳng và áp lực, thư giãn và cảm thấy cuộc sống yên bình hơn.
- Để hỗ trợ giảm triệu chứng suy nhược thần kinh, bạn có thể chọn các bài tập như yoga, thiền,… Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bài tập này giúp hỗ trợ cơ thể sản sinh hoạt chất chống lại suy nhược thần kinh như serotonin, axit gamma-aminobutyric (GABA).
- Nếu bản thân đang có bệnh lý hoặc có nguy cơ bị suy nhược thần kinh thì nên đi khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Không được lạm dụng các loại thuốc như an thần vì chúng sẽ khiến bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Không nên tự tạo áp lực cho bản thân. Bạn cần biết thoải mái, hài lòng với những gì mình có, tránh cố gắng quá sức với những mục tiêu không thiết thực, dễ sinh ra áp lực, thất vọng, buồn tủi khi không hoàn thành được những gì mình muốn.
Suy nhược thần kinh là tình trạng cần được nhận biết và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, từ thay đổi lối sống đến sử dụng thuốc và tư vấn tâm lý, sẽ giúp bạn vượt qua tình trạng này. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, giảm căng thẳng và duy trì một lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe thần kinh. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.