Cách cùng con bước qua khủng hoảng tuổi lên 2 một cách nhẹ nhàng
Khi được 2 tuổi, trẻ sẽ có những thay đổi đáng kể về thể chất, nhận thức, khả năng giao tiếp và cảm xúc. Trong giai đoạn này, trẻ thường có dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 2 khiến nhiều bố mẹ mệt mỏi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết hơn về trạng này thông qua bài viết sau đây.
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Theo các chuyên gia, thường bắt đầu từ khi bé được 18 tháng tuổi, thậm chí có thể xảy ra sớm hơn, ngay sau sinh nhật đầu tiên của bé. Trong một số trường hợp, khủng hoảng này có thể kéo dài đến khi bé được 3 tuổi.
Thời kỳ khủng hoảng này, trẻ có thể thể hiện những biểu hiện hành vi thách thức và khó kiểm soát, gây khó khăn cho cả bố mẹ và người chăm sóc như:
- Thường xuyên phản kháng và nói “không”.
- Hành vi đánh, đá, cắn người khác.
- Bỏ qua các quy tắc mà bố mẹ đã đặt ra từ trước.
Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài trong bao lâu
Khủng hoảng tuổi lên 2 có thể kéo dài từ 18 tháng đến 3 hoặc 4 tuổi, tùy thuộc vào mức độ phát triển của mỗi trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giai đoạn này sẽ ổn định hơn khi:
- Trẻ hiểu rõ hơn các quy tắc của cha mẹ: Khi trẻ bắt đầu hiểu và tuân thủ các quy tắc được đặt ra bởi cha mẹ, các bé có thể giảm bớt hành vi thách thức và phản kháng.
- Trẻ biết cách truyền đạt những gì mình muốn: Khi trẻ phát triển khả năng truyền đạt ý kiến và mong muốn của mình bằng ngôn ngữ một cách hiệu quả hơn, trẻ có thể tránh được nhiều tình huống chống đối và giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ với cha mẹ.
Mặc dù khủng hoảng tuổi lên 2 có thể kéo dài một thời gian, nhưng nó sẽ dần dần giảm bớt khi trẻ phát triển và học được cách quản lý cảm xúc và hành vi của mình một cách hiệu quả hơn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2
Dưới đây là các biểu hiện của trẻ khủng hoảng tuổi lên 2mà bố mẹ cần biết.
Hay tỏ ra khó chịu khi không hiểu ý trẻ
Một trong những dấu hiệu phổ biến của khủng hoảng tuổi lên 2 là khi trẻ thể hiện sự cáu gắt và bày tỏ sự không hài lòng một cách mạnh mẽ khi người lớn không hiểu ý và không đáp ứng đúng những nhu cầu của trẻ.
Ví dụ như khi trẻ muốn bạn dẫn đi chơi công viên nhưng bạn lại dẫn đi dạo phố và bé sẽ tỏ ra khó chịu thậm chí là tức giận khi không hài lòng. Điều này xảy ra vì tại tuổi này, trẻ đã bắt đầu muốn thể hiện được các nhu cầu và mong muốn của mình, nhưng vẫn chưa biết cách truyền đạt một cách hiệu quả.
Khi người lớn không hiểu được ý của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bất mãn và khó chịu, dẫn đến những cơn giận dữ hay gào khóc khóc khiến cha mẹ cảm thấy khó xử.
Dễ nổi nóng vô cớ
Điều đáng lo ngại nhất trong khủng hoảng tuổi lên 2 là khi những cơn giận dữ vô cớ của trẻ xảy ra trước đám đông. Trẻ sẽ không thể có khả năng kiểm soát cảm xúc trước mặt nhiều người, dẫn đến các hành động như gào khóc, vật vã…
La hét và đá cắn người khác
Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 trẻ thường còn hạn chế về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp nhưng vẫn đang phát triển khả năng kiểm soát cảm xúc. Do đó, chúng có thể thể hiện sự bất mãn thông qua hành động như la hét, đá, cắn hoặc đánh người khác.
Mặc dù các hành vi này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng chúng đều là dấu hiệu cần được sự can thiệp và giáo dục từ người lớn để ngăn chặn bé phát triển thói quen không tốt trong tương lai.
Bảo vệ lãnh thổ
Ở giai đoạn này, trẻ nhỏ đang bắt đầu khám phá khái niệm về sở hữu, điều này khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn đối với “lãnh thổ” của mình. Chúng có thể bảo vệ “lãnh thổ” của mình bằng mọi cách.
Ví dụ như khi thấy mọi người xung quanh xâm chiếm “lãnh thổ” của mình, như một chiếc ghế bé ngồi ăn cơm hoặc chỗ nằm trên giường thì bé có thể sẽ phản kháng và làm mọi cách để đuổi người đó ra. Điều này phản ánh sự phát triển tự chủ và sự nhận biết về không gian cá nhân của trẻ.
Bố mẹ cần làm gì để giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ
Để giải quyết tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Chuyển hướng sự chú ý của trẻ: Thay vì cố gắng thuyết phục khi bé đang khóc, bạn hãy chuyển sự chú ý của trẻ sang hướng khác để đánh lạc hướng trẻ.
- Hạn chế nói “Không”: Thay vì nói “Con không được làm như vậy nghe không?”, bạn hãy gợi ý về việc ra ngoài chơi ném bóng hoặc một hoạt động yêu thích của trẻ.
- Không để trẻ chợp mắt gần giờ ngủ đêm: Trong giai đoạn tập đi, bé vẫn có thể ngủ trưa từ 1-3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn đừng để con chợp mắt khi gần đến giờ ngủ buổi tối. Nếu không, trẻ khủng hoảng tuổi lên 2 khóc đêm sẽ khiến cả bạn lẫn bé đều sẽ gặp mệt mỏi.
- Phạt trẻ khi cần: Hình phạt vẫn là điều cần thiết để bé không hình thành thói quen xấu. Những khi con có xử sự không phù hợp với hoàn cảnh, bạn hãy bế bé đến một góc yên tĩnh để giúp con bình tĩnh lại.
- Đồng cảm nhưng không nhượng bộ: Nếu trẻ nổi nóng vô cớ khi đòi hỏi bạn một món đồ chơi hay một cây kẹo, hãy đặt điều kiện cho việc thực hiện và tránh chiều con quá mức.
- Hạn chế đi chơi vào những thời điểm trẻ dễ cáu: Đừng lên lịch đi chơi hoặc hoạt động vào những thời điểm mà bạn biết con có khả năng tức giận nhiều nhất, thường là gần giờ ngủ trưa hoặc sau khi ăn.
- Không nên hứa hẹn với con điều không thực hiện được: Hãy nhớ rằng luôn giữ lời hứa với trẻ và chỉ hứa những điều bạn có thể thực hiện được để xây dựng lòng tin từ phía trẻ.
- Tránh sử dụng bạo lực với con: Nếu trẻ ăn vạ vô lý, bố mẹ hãy kiên nhận giải thích và giáo dục cho con, tránh đánh đòn trẻ vì có thể gây ra những phản ứng tiêu cực đối với trẻ.
Để đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2, cách tốt nhất là các bậc phụ huynh hãy áp dụng các phương pháp đã được chia sẻ trên đây. Bằng cách này, không chỉ giúp trẻ có thể diễn đạt mong muốn một cách tích cực mà còn tạo điều kiện để trẻ có thể kiểm soát được cảm xúc hiệu quả để bước qua giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.