Nuôi con bằng sữa mẹ: Lợi ích và cách thực hiện
Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là cách tự nhiên và tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ, lợi ích của nó đối với mẹ và bé, cách thực hiện hiệu quả, cũng như cách khắc phục các vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Trẻ sơ sinh cần được bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh để được cung cấp nguồn sữa non quý giá. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, chống dị ứng, giảm mức độ vàng da, giúp cho ruột trưởng thành. Ngoài ra trẻ được bú mẹ sẽ phát triển nhanh hơn những trẻ khác.
Khái niệm “sữa mẹ” và thành phần dinh dưỡng của nó
Sữa mẹ là gì?
Sữa mẹ là sữa tươi được tiết ra bởi các tuyến vú nằm trong vú của người mẹ. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất và hoàn chỉnh nhất bởi vì thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ là vừa đủ cho nhu cầu khuyến cáo hàng ngày của trẻ.
Sữa mẹ liên tục biến đổi công thức để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển của con: những giọt sữa mẹ đầu tiên được gọi là sữa non (4-5 ngày đầu sau khi sinh) có thành phần khác hơn so với sữa chuyển tiếp (từ ngày thứ 5 đến khoảng 2 tuần sau sinh) hoặc sữa trưởng thành.
Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ
Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, vitamin chất khoáng và các yếu tố vi lượng.
Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ gồm có:
- Protein: Sữa mẹ chứa các loại protein dễ tiêu hóa và phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
- Chất béo: Cung cấp năng lượng và hỗ trợ sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh.
- Carbohydrate: Lactose trong sữa mẹ giúp cung cấp năng lượng và hỗ trợ sự phát triển của não bộ.
- Vitamin và khoáng chất: Sữa mẹ chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, như vitamin A, D, E, K, và các khoáng chất như sắt, kẽm.
- Kháng thể: Sữa mẹ chứa các kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch.
Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ
Đối với mẹ:
- Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ nhau nhanh và tránh mất máu cho mẹ.
- Trẻ bú mẹ kích thích co hồi tử cung tốt.
- Cho trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa.
- Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí).
- Giúp tăng cường tình cảm mẹ con.
- Tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, cổ tử cung).
- Chậm có kinh trở lại, hạn chế nguy cơ có thai sớm.
Đối với bé:
- Sữa mẹ nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu.
- Thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ.
- Kích thích sự phát triển của não.
- Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
- Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả.
- Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu.
- Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng
- Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Ngoài ra, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại lợi ích với xã hội:Giảm nguy cơ bệnh tật, giảm các chi phí y tế.
Cách thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ
Để cho bé bú được hiệu quả thì mẹ cần tìm hiểu cách để cho bé bú đúng cách:
- Cách bế bé: Mẹ cần bế con ở tư thế sao cho đầu và người của trẻ nằm trên một đường thẳng, mặt hướng vào bầu vú, mũi đối diện núm vú. Mẹ ôm bé sát vào người mình, tay đỡ mông, mắt nhìn xuống mặt của con và trò chuyện
- Cách nâng bầu vú mẹ khi cho bé bú: Mẹ đặt ngón tay cái của mình để trên vú, các ngón tay còn lại đỡ lấy bầu ngực phía dưới, trong khi ngón tay trỏ nâng vú.
- Cách cho bé ngậm bắt vú đúng: Mẹ chạm đầu vú vào môi trên của bé chờ bé mở miệng. Mẹ đưa núm vú vào miệng bé sao cho cằm của trẻ chạm vào vú mẹ và môi dưới hướng ra ngoài
Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ
- Trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong 1 giờ đầu) để kích thích mẹ tiết sữa.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm.
- Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác.
- Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.
- Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 – 20 phút.
- Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể.
- Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa.
Giữ nguồn sữa mẹ
Sữa mẹ rất là quý giá nên để giữ đủ lượng sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì mẹ cần tham khảo các lưu ý dưới đây:
- Chế độ ăn uống đầy đủ và đa dạng
- Dinh dưỡng của mẹ trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng sữa và mức độ bài tiết sữa của mẹ vì vậy mẹ nên ăn uống đầy đủ, cân đối.
- Mẹ nên uống nước ấm từ 2-3l sẽ tăng kích thích bài tiết sữa nhiều hơn
- Tránh ăn các loại thực phẩm công nghiệp, nhiều dầu mỡ, cay, nóng, chua.
- Mẹ không nên uống cà phê và thức uống có cồn như bia, rượu và cả nước ngọt đóng chai.
- Cho con bú thường xuyên hơn
- Mẹ nên cho trẻ bú nhiều, theo nhu cầu của bé bởi việc trẻ bú mút sẽ kích thích cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn, kể cả khi bạn cảm thấy không có sữa thì vẫn nên cho trẻ bú để kích thích sữa
- Massage
- Massage ngực giúp lưu thông máu, kích thích việc tiết sữa và ngăn ngừa nguy cơ tắc sữa. Vì vậy mẹ nên thực hiện việc này hàng ngày.
- Sinh hoạt
- Mẹ nên ăn uống điều độ, đúng giờ, không thức khuya và cần ngủ đủ giấc mỗi ngày cũng là biện pháp giúp sữa sản sinh nhiều hơn
Khắc phục các vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ
Tắc tia sữa
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực khiến việc cho con bú cũng như hút sữa gặp nhiều khó khăn, đau đớn thậm chí có thể dẫn đến áp xe vú.
Biểu hiện tắc tia sữa là:
- Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
- Khi sờ vào bầu vú cảm thấy căng cứng và to hơn so với bình thường, có nhiều điểm cứng, cảm giác đau nhức .
- Một vài trường hợp bà mẹ tắc tia sữa bị sốt.
Nếu tình trạng tắc tia sữa nhẹ thì có thể dùng biện pháp:
- Massage ngực: Massage nhẹ nhàng để giúp sữa lưu thông.
- Chườm ấm: Sử dụng khăn ấm để chườm lên vùng bị tắc trước khi cho con bú.
- Cho bé bú thường xuyên: Bú thường xuyên giúp thông tia sữa tự nhiên.
- Vắt để thông tia (có thể vắt bằng tay hoặc dùng máy hút sữa).
Trường hợp tắc tia sữa lâu trở thành viêm nhiễm nặng ở tuyến vú hoặc thành áp-xe thì cần tới gặp ngay bác sĩ để được bác sĩ kê đơn kháng sinh toàn thân hoặc phải kết hợp trích tháo mủ sau khi đã dùng kháng sinh nếu trường hợp nặng hơn.
Ít sữa
Ít sữa là tình trạng mẹ bị ít sữa hoặc không có sữa cho bé bú sau khi sinh. Tình trạng này có kéo dài có thể gây mất sữa ở mẹ và bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Biểu hiện của mất sữa là:
- Mẹ cố gắng hút sữa nhưng không có sữa
- Bầu vú không thay đổi hoặc thay đổi ít sau sinh
- Bé quấy khóc nhiều sau khi bú
- Bé đi tiểu ít dưới 6 lần/ngày
Để khắc phục tình trạng ít sữa mẹ cần:
- Cho bé bú đúng cách và thường xuyên: Bú đúng cách kích thích sản xuất sữa.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đầy đủ và bổ sung các thực phẩm lợi sữa như yến mạch, hạt chia.
- Nghỉ ngơi và giảm stress: Stress ảnh hưởng đến lượng sữa, do đó mẹ cần thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ.
Đau đầu ti
Đau đầu ti là trình trạng rất hay gặp của bà mẹ cho con bú. Nguyên nhân có thể đến từ: bé ngậm ti không đúng cách, dùng bình hút sữa sai cách, đầu ti bị nhiễm nấm hay bị rộp.
Để khắc phục tình trạng này mẹ cần:
- Chườm lạnh đầu ti để giảm cảm giác đau khi cho bé bú.
- Thử nhiều tư thế cho bé bú để tìm được tư thế cho bé bú đúng khớp.
- Làm sạch ti trước và sau cho bé bú.
- Thường xuyên rơ lưỡi cho bé.
- Dùng đủ liệu trình thuốc bác sĩ kê trong trường hợp đầu ti bị nhiễm nấm.
Kết luận
Sữa mẹ là nguồn sữa thiêng liêng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ cũng như tình yêu thương của mẹ dành cho bé. Việc hiểu rõ các thành phần dinh dưỡng, lợi ích và cách thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp mẹ và bé có một khởi đầu tốt đẹp. Nếu gặp bất kỳ khó khăn nào, mẹ đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để đảm bảo hành trình nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra suôn sẻ và thành công.