Làm gì khi trẻ bị cúm và những điều cần lưu ý
Sức đề kháng trẻ nhỏ còn yếu, vì vậy trẻ dễ bị lây nhiễm cúm. Khi trẻ bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp các biện pháp chăm sóc dinh dưỡng để giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Chăm sóc và chủ động biện pháp phòng ngừa cúm cho trẻ
Cúm ở trẻ em là gì?
Cúm là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút cúm gây ra, có rất nhiều nhóm cúm như cúm A, B, C…trong đó cúm A và B là những loại phổ biến. Bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho vi rút cúm tồn tại, sinh sôi và phát triển.
Bệnh cúm lây truyền trực tiếp từ người sang người, gián tiếp thông qua tiếp xúc đồ vật với người bệnh hoặc vi rút tồn tại trong môi trường sống hàng ngày.
Cúm rất dễ lây nhiễm, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh cúm do sức đề kháng còn yếu. Trẻ thường xuyên tiếp môi trường tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, hơn nữa trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân nên vi rút cúm dễ dàng xâm nhập gây bệnh.
Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ
Triệu chứng bệnh cúm thường dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, vì vậy phụ huynh cần phân biệt triệu chứng bệnh để biện pháp để có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.
- Cảm lạnh thường xuất hiện các dấu hiệu đau họng, chảy nước mũi, chảy nước mắt, hắt xì, mệt mỏi, ho, sốt nhẹ hoặc không, đau đầu (ít gặp).
- Cúm thường gặp các triệu chứng đặc trưng sốt cao đột ngột (trên 38,5- 39 độ C), đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức toàn thân, chảy nước mũi, đau họng, ho và chán ăn, buồn nôn, nôn.
Bên cạnh các triệu chứng cúm thường gặp, khi bị cảm trẻ mệt mỏi, biếng ăn, có thể xuất hiện triệu chứng nôn ói hoặc tiêu chảy. Trẻ khó chịu và thường hay quấy khóc. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Vi rút gây bệnh tồn tại và phát triển nhanh trong giai đoạn giao mùa, đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh cúm, do đó hãy nắm vững kiến thức cơ bản, nhận biết các triệu chứng cúm để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Trẻ bị cúm uống thuốc gì?
Thông thường cảm cúm lành tính sẽ tự khỏi sau 5 -7 ngày. Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, phụ huynh có thể mua và sử dụng thuốc hạ sốt cho bé, lưu ý liều dùng và cách dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
Kiểm tra và theo dõi nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên giúp mẹ nhận biết tình trạng của bé và có biện pháp điều trị, dùng thuốc hạ sốt phù hợp. Nếu trẻ sốt cao kéo dài, kèm lơ mơ, co giật hay rối loạn tiêu hoá ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Thuốc hạ sốt, giảm đau
Paracetamol (Acetaminophen) là một trong những loại thuốc giảm đau nhanh và hạ sốt được sử dụng phổ biến hiện nay. Thuốc paracetamol khá an toàn, vì vậy có thể dùng được cho hầu hết mọi đối tượng, kể cả trẻ em.
Thuốc paracetamol có dạng lỏng, dạng viên nén, dạng sủi, dạng bột hoặc dạng đặt hậu môn. Tùy theo độ tuổi để lựa chọn loại thuốc và hàm lượng thích hợp để sử dụng. Tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho các đối tượng trẻ em.
Thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi
Thuốc điều trị triệu chứng cúm thường là thuốc co mạch, dưới dạng nhỏ mũi như xylometazolin, Naphazolin,…Chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ đúng thời gian và đúng cách, dùng trong thời gian dài có thể gây nên tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng sức khỏe.
Thuốc giảm ho
Tùy tình trạng ho của bé để bác sĩ, dược sĩ chỉ định uống thuốc giảm ho phù hợp. Nếu bé ho ít, ho nhẹ thì không nhất thiết phải sử dụng thuốc hoặc dùng siro ho thảo dược. Khi ho nhiều, ho thường xuyên, đau rát cổ họng, khó chịu thì thuốc giảm ho sẽ được chỉ định để làm giảm ho cho bé.
Ngoài sử dụng thuốc, ba mẹ có thể tham khảo các phương pháp giảm ho dân gian để áp dụng cho bé, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm
Ngoài sử dụng thuốc, để bé nhanh khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe nhanh hơn, ba mẹ cần biết cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe đúng cách.
Những điều cần lưu ý:
- Trong thời gian bị cúm, cho trẻ uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng với các loại thức ăn dễ tiêu để hồi phục nhanh hơn. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng giúp bé hồi phục nhanh hơn.
- Sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng cúm cho trẻ đúng liều lượng và thời gian quy định. Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh vì có thể gây nên tình trạng kháng thuốc nguy hiểm sức khỏe.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, đặc biệt là khi trẻ bị sốt và tắm bình thường.
- Nếu trẻ bỏ ăn, li bì, quấy khóc nhiều, sốt cao liên tục không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám kịp thời.
- Trẻ bị cúm sẽ tự khỏi nhưng không được chủ quan, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, ba mẹ có thể chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa cúm từ 6 tháng tuổi để hạn chế lây nhiễm bệnh, giúp bé khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.