Cách chẩn đoán bệnh ung thư gan
Theo GLOBOCAN 2018, với 25.335 ca mắc mới, ung thư gan vượt qua ung thư phổi (23.667 ca) trở thành bệnh ung thư thường gặp nhất ở nước ta. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết về dấu hiệu, nguyên nhân và cách chẩn đoán ung thư gan.
Dấu hiệu của bệnh ung thư gan
Ở giai đoạn đầu thì hầu hết các bệnh nhân không có dấu hiệu và triệu chứng. Vì vậy, người bệnh có thể tình cờ phát hiện dù không thấy có biểu hiện bất thường nào ở những lần định kỳ thăm khám 3 – 6 tháng. Các dấu hiệu ung thư gan có thể có:
Ung thư gan
Biểu hiện ung thư gan giai đoạn đầu thường nghèo nàn, khiến việc phát hiện bệnh thường khó khăn. Hoặc các chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan gan khác như viêm gan, xơ gan… Một số dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu như:
- Chán ăn
- Buồn nôn, nôn
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Ớn lạnh, ra mồ hôi
- Cảm giác nhanh no, đầy hơi sau ăn
- Sốt cao thường xuyên
- Da mặt sạm đen (do chức năng chuyển hóa melanin của gan bị suy giảm)
- Đau vùng thượng vị, bên phải, các cơn đau ngắt quãng
Da mặt sạm đen là một triệu chứng của ung thư gan
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư tiến triển nặng hơn, kèm theo các triệu chứng rõ ràng với mức độ nghiêm trọng hơn như:
- Cơn đau hạ sườn phải, tần suất và mức độ ngày càng tăng.
- Gan to, có thể sờ thấy.
- Cổ trướng
- Ngứa ngáy da (do bilirubin trong máu tăng)
- Vàng da (gồm vàng da và kết mạc mắt)
- Nước tiểu sẫm, phân nhạt màu
- Xuất huyết bất thường (chảy máu lợi, vết bầm tím dưới da).
- Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan
Bệnh ung thư gan phát sinh bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có một số nguyên nhân sau cần chú ý:
- Xơ gan: Có đến 80% tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gan bắt nguồn trên nền gan xơ. Những lý do có thể gây ra tình trạng xơ gan dẫn đến ung thư hóa gồm: xơ gan thứ phát do mắc bệnh viêm gan B, C dẫn đến sau 20 – 40 năm xuất hiện khối u ở gan. Đồng thời, bệnh xơ gan có xuất phát từ việc uống nhiều rượu, nhiễm sắc. Dù vậy vẫn có một số trường hợp nhiễm viêm gan B và C vẫn mắc bệnh ung thư ở gan dù chưa từng bị xơ gan.
- Các nguyên nhân khác: Nếu dùng quá nhiều thuốc tránh thai quá nhiều và liên tục cũng có thể dẫn đến ung thư ở gan. Bởi loại thuốc này có thể tạo nên u tuyến (Adenoma) trong gan nếu dùng kéo dài, dễ dẫn đến khối u ở biểu mô tế bào gan.
Ngoài ra, hoạt chất Aflatoxin có mặt trong một số loại thực phẩm như đỗ, lạc bị mốc cũng là một trong nguyên do gây ra tình trạng gan có khối u.
Xét nghiệm marker ung thư gan
Phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư gan
Một số phương pháp có hiệu quả cao trong chẩn đoán ung thư gan là:
Các xét nghiệm marker ung thư gan:
- Xét nghiệm miễn dịch
- Xét nghiệm Alpha – Fetoprotein (AFP): AFP là một glycoprotein thường chỉ có trong thời kỳ bào thai. Ở bệnh nhân ung thư gan nguyên phát, tỷ lệ AFP dương tính từ 60 – 90%. Đối với ung thư gan thứ phát, xét nghiệm này ra kết quả âm tính. Khi AFP định lượng trên 20 ng/ml được coi là dương tính. Nếu chỉ số AFP trên 400 ng/ml thì có giá trị chẩn đoán xác định ung thư tế bào gan. Bên cạnh đó, xét nghiệm AFP còn được dùng để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị ung thư gan.
- Xét nghiệm sinh hóa và huyết học: Bệnh nhân ung thư gan thường có các chỉ số sau đây:
- Hồng cầu giảm nhẹ, huyết sắc tố giảm.
- Bạch cầu và công thức bạch cầu bệnh thường Protein giảm, tỷ lệ A/G < l.
- Bilirubin máu có thể tăng.
- Transaminase tăng vừa.
- Glucose máu thấp do giảm tổng hợp và dự trữ glycogen hoặc khối u gan ác tính có chứa chất tương tự insulin.
- Men arginase trong gan giảm < 40 đơn vị.
- Men LDH (lactico dehydrogenaza): tỷ lệ LDH5/LDH1 > l.
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm: là kỹ thuật đầu tay trong chẩn đoán ung thư gan, được áp dụng nhiều vì có chi phí thấp, thực hiện đơn giản, không gây tác dụng phụ và cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác cao (có thể phát hiện khối u gan kích thước trên 1cm). Siêu âm cho biết vị trí và kích thước khối u. Ngoài ra, phương pháp chẩn đoán này còn giúp phát hiện các bệnh lý đi kèm như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Đồng thời, siêu âm cũng giúp hướng dẫn cho các biện pháp điều trị ung thư gan như cắt gan, diệt u qua da,… Tuy nhiên, siêu âm không cho biết bản chất khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính động học gan (gan đa thì) có giá trị chẩn đoán cao, độ nhạy lên đên 94% đối với các khối u >1cm.
- Chụp động mạch gan chọn lọc: cho phép bác sĩ thấy được các động mạch trong gan bị khối u đẩy rộng ra và hình ảnh đặc hiệu của ung thư gan. Hiện nay, sử dụng phương pháp chụp mạch máu số hóa xóa nền giúp bác sĩ quan sát chính xác tình trạng khối u trong gan. Phương pháp này có độ chính xác lên tới 90% đối với các khối u dưới 3cm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) gan: có độ chẩn đoán chính xác cao (tỷ lệ chẩn đoán chính xác lên tới 97,5% với các khối u đường kính trên 2cm) và giúp phát hiện được các tổn thương xâm lấn tĩnh mạch trong gan.
- Sinh thiết gan: nhằm xét nghiệm mô bệnh học, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ ung thư với các thương tổn khác. Chọc sinh thiết gan dưới hướng dẫn của siêu âm thực hiện thuận lợi, ít tai biến và có tỷ lệ chẩn đoán chính xác cao. Bác sĩ có thể chọc sinh thiết gan bệnh nhân qua nội soi ổ bụng hoặc dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác của phương pháp này trên 90%.
- Các phương pháp chẩn đoán khác: chụp X-quang lồng ngực (phát hiện di căn phổi), chụp tĩnh mạch cửa, soi ổ bụng,…
Khi được chẩn đoán mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ tiến hành xác định mức độ (giai đoạn) của ung thư. Các xét nghiệm giai đoạn giúp xác định kích thước và vị trí của khối u, cũng như xem liệu ung thư đã lan rộng hay chưa. Các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư gan bao gồm CT, MRI và xạ hình xương.
Có nhiều phương pháp khác nhau để xác định giai đoạn ung thư gan. Ví dụ, một phương pháp sử dụng các chữ số La Mã từ I đến IV, và một phương pháp khác sử dụng các chữ cái từ A đến D. Bác sĩ sẽ sử dụng giai đoạn của ung thư để xác định các phương án điều trị và tiên lượng cho bạn.
Kết luận
Ung thư gan mặc dù nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được căn bệnh này. Bạn cần thường xuyên quan sát để phát hiện các dấu hiệu khác thường của cơ thể đồng thời thực hiện một chế độ sinh hoạt khoa học. Đây chính là tấm lá chắn đơn giản nhưng an toàn nhất bảo vệ bạn trước nguy cơ phát sinh không chỉ của ung thư gan, mà còn của bất cứ căn bệnh nào.