Những điều cần biết về dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là hiện tượng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một loại chất có trong thành phần của thực phẩm. Dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến khoảng 6-8% trẻ em dưới 3 tuổi và 3% người lớn. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm nhưng tình trạng dị ứng thực phẩm có thể tự dung nạp khi trẻ lớn lên nên với trẻ em cần được đánh giá chỉ định ăn kiêng sau một khoảng thời gian thích hợp tùy theo biểu hiện lâm sàng cũng như loại thực phẩm dị ứng.
Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất lợi của hệ thống miễn dịch xảy ra sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định. Ngay cả khi với một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể gây nên các triệu chứng như vấn đề tiêu hoá, nổi mề đay hoặc phù nề đường thở. Ở một số người dị ứng thực phẩm có thể gây nên triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là phản ứng có thể đe dọa đến tính mạng – sốc phản vệ.
Dị ứng thực phẩm khác với không dung nạp thực phẩm. Bởi không dung nạp thực phẩm là một tình trạng ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm
Nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm là do hệ thống miễn dịch nhận diện nhầm cho rằng một loại thực phẩm hoặc chất có trong thực phẩm như là dị nguyên nên sinh ra các kháng thể IgE có chức năng trung hòa các dị nguyên này.
Lần sau khi ăn chỉ với một lượng nhỏ loại thực phẩm đó, kháng thể IgE sẽ nhận ra và truyền tín hiệu đến hệ thống miễn dịch để giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác nhằm chống lại tác nhân gây hại và gây ra phản ứng dị ứng cho cơ thể.
Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, nhưng những loại thực phẩm sau chiếm khoảng 90% các trường hợp dị ứng: Trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, lạc, các loại hạt, cá, động vật có vỏ như tôm, cua.., lúa mì, đậu nành.
- Hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa: Còn được gọi là hội chứng dị ứng miệng. Hội chứng dị ứng miệng là một loại dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng giới hạn ở vùng hầu họng sau khi ăn các loại hoa quả hoặc rau củ sống ở những người có dị ứng với phấn hoa. Nguyên nhân là do phản ứng chéo giữa IgE đặc hiệu với phấn hoa và protein tương đồng được tìm thấy trong hoa quả và rau củ. Các triệu chứng xuất hiện trong hoặc ngay sau ăn khoảng 5 – 10 phút như ngứa và phát ban ở miệng, ngứa và đau họng, phù nề mô, miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Tuy nhiên, các phản ứng của hội chứng dị ứng miệng sẽ ít nghiêm trọng hơn khi các thực phẩm này đã được nấu chín.
- Dị ứng thực phẩm sau gắng sức: Các triệu chứng dị ứng xuất hiện sau khi gắng sức trong vòng vài giờ sau khi ăn một số thực phẩm nhất định. Một trong những thực phẩm dị ứng được ghi nhận nhiều nhất là lúa mì, động vật có vỏ…Nhiều người các triệu chứng dễ dàng xuất hiện hơn khi kèm theo các yếu tố kèm theo như sử dụng đồ uống có cồn, nhiệt độ quá cao, giai đoạn tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, đang sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAIDs…. Các trường hợp nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Cách điều trị dị ứng thực phẩm
Điều trị dị ứng thực phẩm bao gồm các biện pháp điều trị các triệu chứng của dị ứng và quản lý các nguy cơ xảy ra các phản ứng dị ứng về sau, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh.
- Điều trị triệu chứng tùy theo bệnh cảnh lâm sàng
Trong trường hợp phản vệ, xử lý theo phác đồ phản vệ. Trong các trường hợp biểu hiện với các triệu chứng chậm, bệnh nhân cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ, điều trị triệu chứng và khám chuyên khoa Miễn dịch Dị ứng lâm sàng. Việc đánh giá nguy cơ xảy ra các phản ứng nghiêm trọng là rất quan trọng trong quản lý bệnh nhân dị ứng thực phẩm.
Kháng histamin được chứng minh có vai trò trong việc điều trị các trường hợp phản vệ cấp tính không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả của kháng histamin cũng như thuốc ổn định tế bào mast trong việc dự phòng cũng như điều trị các phản ứng dị ứng ở mức độ nặng. Thậm chí, việc sử dụng kháng histamin dự phòng có thể dẫn đến phát hiện muộn các triệu chứng, dẫn đến chậm sử dụng adrenalin điều trị sốc phản vệ.
- Chế độ ăn kiêng thực phẩm gây dị ứng rất quan trọng với người bệnh
Đây là biện pháp điều trị quan trọng trong chẩn đoán và quản lý dị ứng thực phẩm. Việc ăn kiêng với thực phẩm nghi ngờ dị ứng thực phẩm cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa dị ứng sau khi có chẩn đoán xác định hoặc ăn kiêng tạm thời với mục đích chẩn đoán.
Trên đây là một số thông tin về dị ứng thực phẩm bạn có thể tham khảo. Ngay khi có biểu hiện khác thường, bạn vẫn nên thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.