Nguyên Nhân Gây Viêm Tá Tràng và Cách Nhận Biết Bệnh
Viêm tá tràng là 1 trong các bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa. Bệnh không chỉ gây nên nhiều phiền toái ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà nguy cơ để lại di chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh viêm tá tràng, nhóm đối tượng dễ bị viêm và dấu hiệu nhận biết bệnh.
Nguyên nhân gây Viêm tá tràng
Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Hp
Nguyên nhân thường gặp nhất là do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori). Đây là một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày và có thể gây ra viêm dạ dày và ruột non. Vi khuẩn này sản xuất enzyme urease, giúp chúng tự bảo vệ bằng cách tạo ra một môi trường kiềm trong dạ dày, làm giảm độ acid. Việc giảm acid trong dạ dày tạo điều kiện cho vi khuẩn tăng sinh và phát triển, gây ra viêm và tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột non, dẫn đến loét tá tràng. Helicobacter pylori cũng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu của viêm niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày- tá tràng.
Tác dụng không mong muốn của NSAIDs
Trong trường hợp bệnh nhân phải sử dụng các thuốc NSAID – là thuốc có tác dụng giảm đau kháng viêm như aspirin, ibuprofen. Các loại thuốc này ức chế sản xuất prostaglandin, một chất gây viêm và chống đau tự nhiên của cơ thể, dẫn đến giảm bảo vệ niêm mạc ruột non và dạ dày. Việc sử dụng NSAIDs trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ loét tá tràng bằng cách gây ra tổn thương trực tiếp hoặc tăng sự tiết acid trong dạ dày, gây ra viêm và loét. Bệnh thường xảy ra ở những người sử dụng NSAIDs hàng ngày hoặc ở liều lượng cao, cũng như ở những người có tiền sử về vấn đề dạ dày hoặc ruột non.
Thường xuyên căng thẳng, lo âu
Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa bằng cách kích thích sản xuất axit trong dạ dày. Sự tăng axit này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột non, dẫn đến viêm và loét tá tràng.
Do chế độ ăn uống
Ăn nhiều các thức ăn có tính chất kích thích niêm mạc đường tiêu hóa như thức ăn chua, cay, quá nóng, rượu, cà phê, chè đặc…, ăn nhiều chất béo, nghiện thuốc lá, ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn uống không đúng giờ, ăn quá no hoặc quá đói…
Rối loạn miễn dịch: Bệnh nhân bị bệnh lý liên quan đến miễn dịch như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc viêm tá tràng cao.
Yếu tố sinh học: Những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột cũng có thể dẫn đến viêm tá tràng.
Nhóm đối tượng dễ bị Viêm tá tràng
- Người sử dụng thuốc NSAIDs.
- Người nghiện rượu và thuốc lá.
- Người già.
- Tiền sử gia đình: trong gia đình có người thân mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng
- Các bệnh lý liên quan đến miễn dịch: Những người bị bệnh lý như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc viêm tá tràng tăng lên đáng kể.
- Sinh hoạt và dinh dưỡng không hợp lý: thường xuyên chịu áp lực công việc hoặc căng thẳng với các vấn đề trong cuộc sống. Ăn uống thiếu chất xơ, thừa mỡ hay tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến có thể dẫn đến tình trạng viêm tá tràng
Dấu hiệu nhận biết bệnh Viêm tá tràng
Các triệu chứng của viêm tá tràng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể bị viêm tá tràng nếu có những triệu chứng sau:
- Đau bụng ở vùng trên rốn. Đau bụng có tính chất đặc trưng là cảm giác cồn cào khi đói hoặc nóng rát xảy ra 2-3 giờ sau bữa ăn. Thức ăn hoặc thuốc có thể giúp bạn giảm đau. Đôi khi, cơn đau có thể khiến bạn thức giấc vào ban đêm.
- Buồn nôn hay nôn. Thường sau khi nôn bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.
- Khó tiêu, ợ hơi, chướng hơi, căng bụng và khó dung nạp thức ăn béo.
- Ợ nóng hoặc khó chịu vùng ngực.
Trong một số trường hợp, phân của bạn có thể có màu đen và chất nôn có thể trông giống như có máu đỏ bầm. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tình trạng chảy máu trong ruột. Khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có một trong những triệu chứng này.
Viêm tá tràng là một bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa, nếu có những dấu hiệu bất thường hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.