Nhiễm Herpes simplex: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Herpes là tên gọi của một chủng virus lây truyền qua hình thức tiếp xúc trực tiếp và gây nên các bệnh ngoài da, virus có ái lực (thích) da và thần kinh. Thường gây ra tình trạng nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục… Bệnh có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng nặng như viêm não, viêm màng não, Herpes sơ sinh…Nắm được nguyên nhân, các triệu chứng đi kèm sẽ giúp chúng ta chủ động trong công tác kiểm soát, phòng tránh và điều trị bệnh.
Tổng quan chung: Virus Herpes simplex là gì?
Virus Herpes simplex thuộc họ virus Herpes. Virus Herpes (thường gặp gây bệnh ở người gồm: Herpes simplex virus (HSV) gây bệnh mụn rộp. Herpes zoster còn có tên khác là Varicella Zoster Virus (VZV) gây bệnh zona, thủy đậu xâm nhập trực tiếp và gây ra các bệnh ngoài da.
Virus herpes simplex gồm 2 loại:
- Herpes loại 1 (viết tắt HSV-1 hoặc herpes miệng), thường gây lở loét, bỏng rộp xung quanh miệng, môi.
- Herpes loại 2 (viết tắt HSV-2 hoặc herpes sinh dục) gây vết loét xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, tình trạng lở loét cũng xảy ra ở vị trí thắt lưng, cổ và mặt của người bệnh.
Bệnh Herpes lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc tại vùng da của người bệnh có chứa virus gây bệnh. Khi virus bắt đầu xâm nhập vào cơ thể, người bệnh Herpes chưa khởi phát ngay các triệu chứng. Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm hay gặp ánh sáng mặt trời, virus Herpes sẽ phát triển mạnh hơn và gây bệnh.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc chứng Herpes miệng, bệnh cũng trở nên nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành. Trong một số trường hợp hiếm gặp khác, virus Herpes còn gây ra bệnh viêm não Herpes ở trẻ sơ sinh.
Các bệnh do virus Herpes simplex(HSV) gây ra:
- Mụn rộp sinh dục: Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, được gây ra bởi virus Herpes Simplex 1 hoặc 2. Hai loại virus xâm nhập vào cơ thể thông qua màng nhầy và thường được tìm thấy trong mũi, miệng và bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền sang người khác thông qua việc tiếp xúc nước bọt, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Virus có thể gây ra mụn nước ở dương vật, bìu, âm đạo, hậu môn, miệng, môi.
- Herpes bẩm sinh: Đây là tình trạng nhiễm virus Herpes ở trẻ sơ sinh khi còn trong bụng mẹ. Tình trạng này thường hiếm khi xảy ra, nhưng có thể dẫn đến việc nhiễm trùng da toàn thân ở trẻ sơ sinh; tổn thương não; khó thở, rối loạn hô hấp khác; co giật; rối loạn chức năng thận, gan… Việc điều trị chỉ ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm các triệu chứng còn virus Herpes sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.
- Viêm giác mạc: Viêm giác mạc là tình trạng do virus Herpes tái phát. Việc nhiễm trùng có thể xảy ra ở nơi khác trên cơ thể, sau đó nhiễm trùng theo dây thần kinh và đi đến giác mạc với triệu chứng sưng giác mạc, sưng mí mắt và kèm theo các tổn thương nhỏ như ngứa mắt và giác mạc.
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng: Bệnh do virus Epstein – Barr gây ra. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em và người trẻ tuổi. Triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Triệu chứng bệnh do virus Herpes simplex
HSV không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Bất kỳ triệu chứng nào nhận thấy được và mức độ nghiêm trọng của chúng thường phụ thuộc vào việc người bệnh đang trong giai đ:oạn nguyên phát hay tái phát.
Nguyên phát
Giai đoạn nguyên phát của bệnh Herpes diễn ra trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần sau khi người bệnh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Các triệu chứng ở giai đoạn này tương tự với dấu hiệu của bệnh cúm, bao gồm:
- Sưng hạch bạch huyết.
- Đau đầu, đau nhức toàn thân.
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Chán ăn.
- Người bệnh nhận thấy ở một số vùng da trên cơ thể ngứa ran, nóng rát và xuất hiện các mụn nước nhỏ. Các mụn nước có thể mọc thành cụm hoặc lan ra thành mảng. Những mụn nước này sẽ vỡ ra và đóng vảy sau một thời gian.
Lưu ý:
- Người bệnh có thể mất khoảng 6 tuần để chữa lành hoàn toàn các mụn nước xuất hiện trong giai đoạn nguyên phát. Trước khi lành hẳn, các mụn nước này vẫn có khả năng lây truyền virus sang cho người khác.
- Các nốt mụn nước gây cảm giác đau và ngứa ở khu vực mà chúng xuất hiện. Mụn rộp ở bộ phận sinh dục gây cảm giác đau buốt khi người bệnh đi tiểu.
Tái phát
Một số người bị nhiễm virus Herpes chỉ có một đợt bùng phát duy nhất. Trong khi một số người khác gặp phải tình trạng tái phát sau mỗi vài tháng hoặc lâu hơn.
Các đợt tái phát ít xảy ra hơn theo thời gian sau khi cơ thể người bệnh bắt đầu sản sinh ra kháng thể chống lại virus. Các triệu chứng trong giai đoạn tái phát cũng ít nghiêm trọng hơn và được cải thiện nhanh chóng: Các nốt mụn nước xuất hiện ít hơn, giảm cảm giác đau đớn và có thể lành hoàn toàn chỉ sau vài ngày.
Virus Herpes gây ra nhiều biến chứng trên cơ thể người bệnh. Các biến chứng này có thể ở mức nhẹ hoặc nguy hiểm hơn tùy giai đoạn bệnh. Một số biến chứng thường gặp:
- Gây viêm nướu răng – miệng cấp tính, thường gặp nhất ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
- Bệnh gây ra những vết loét ở giác mạc, kết mạc thường khiến người bệnh đau, xốn, chảy nước mắt và rất nhạy cảm với ánh sáng. Về sau có thể dẫn đến mù lòa nếu không điều trị sớm.
- Herpes nếu không được điều trị kịp thời còn dẫn đến viêm não – màng não dạng Herpes cấp tính, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
- Phát ban dạng thủy đậu là biến chứng khá nguy hiểm của Herpes. Đây được xem là dạng nhiễm virus HSV ngoài ra, có dạng chốc lở, lan nhanh kèm theo các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, cơ thể suy nhược, xuất hiện các chùm mụn nước. Bệnh diễn tiến trong khoảng 7 – 10 ngày, lan rộng và kết nối nhau thành những mảng loét trợt rộng hơn. Tiếp đến có thể dẫn đến bội nhiễm vi trùng Staphylococcus hay Streptococcus.
- Hồng ban đa dạng: là hiện tượng phát ban đối xứng, xuất hiện ở tay, chân với nhiều dạng dát, sần, hoặc mảng chứ không chỉ mụn nước.
Các biến chứng khác có thể là viêm gan, viêm đường hô hấp, viêm khớp. Trẻ sơ sinh, nhiễm HSV-2 có tiên lượng xấu hơn nhiễm HSV-1. Các biến chứng trong giai đoạn tái phát thường ít xảy ra và nhẹ hơn sơ phát. Các biến chứng khác như đau dây thần kinh ngoại biên, viêm màng não, viêm não, liệt dây thần kinh sọ não, nhức đầu.
Nguyên nhân nhiễm virus Herpes
Những nguyên nhân gây nhiễm virus Herpes bao gồm:
- Thói quen quan hệ tình dục không an toàn (có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su khi quan hệ,…) chính là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu.
- Không chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hoặc chà xát, thụt rửa quá mạnh gây tổn thương sẽ tạo điều kiện cho virus Herpes xâm nhập.
- Niêm mạc hoặc da tiếp xúc với vết thương hở có tác nhân gây bệnh là virus Herpes.
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân với những người mang virus Herpes như khăn, bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…
- Thai phụ bị nhiễm virus Herpes có nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con rất cao.
- Lây nhiễm virus Herpes thông qua các vết thương hở ở răng – miệng (trám răng, nhổ răng,…) hoặc ở môi (môi bị khô, nứt).
- Tình trạng căng thẳng tinh thần, suy nhược cơ thể kéo dài hoặc suy giảm khả năng miễn dịch cũng tăng nguy cơ nhiễm virus Herpes.
Đối tượng và yếu tố tăng nguy cơ nhiễm virus Herpes
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Herpes bao gồm:
- Quan hệ tình dục với người nhiễm HSV-1 hoặc HSV-2.
- Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng biện pháp bảo vệ (bao cao su, màng chắn miệng).
- Có nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục với người lạ.
- Đang hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng máu khác
- Hệ miễn dịch bị suy yếu
- Là phụ nữ và trẻ em
- Nếu đang phát bệnh herpes sinh dục khi sinh con, cả 2 loại HSV có thể tiếp xúc với con của bạn và bé rất có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng.
Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh mụn rộp sinh dục từ bạn tình nam hơn. Nghiên cứu trên các cặp đôi mà trong đó một người nhiễm virus HSV-2 tái phát có triệu chứng (đối tác nguồn) cho thấy tỷ lệ lây truyền hàng năm là 11% – 17% từ đối tác nguồn là nam và 3% – 4% từ đối tác nguồn là nữ.
Chẩn đoán virus Herpes
Bác sĩ thường chẩn đoán loại virus này dựa vào những câu hỏi và khám lâm sàng, hoặc dựa vào một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm bệnh phẩm: tiến hành lấy mẫu dịch từ vết loét và sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự có mặt của virus Herpes hay không.
- Xét nghiệm máu: phân tích mẫu máu để sớm phát hiện kháng thể kháng HSV-1 và HSV-2.
- Phản ứng chuỗi polymerase: Lấy một mẫu máu, dịch não tủy hoặc thử nghiệm DNA để phát hiện virus HSV.
Cách điều trị bệnh Herpes
Hiện nay bệnh Herpes vẫn chưa có cách chữa trị triệt để. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương thức điều trị sau đây giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng:
Điều trị HSV bằng thuốc
Những mụn rộp do virus Herpes gây ra thường tự lành mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu mụn rộp mọc nhiều hoặc thường xuyên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng virus.
Các tùy chọn bao gồm:
- Aciclovir (acyclovir).
- Famciclovir.
- Valacyclovir.
Trường hợp nhiễm HSV kháng các loại thuốc khác thì điều trị bằng Foscarnet hoặc Cidofovir.
Lưu ý:
- Thuốc kháng virus giúp giảm khả năng lây truyền HSV trong một đợt bệnh và loại bỏ virus trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc dùng thuốc kháng virus giúp người bình thường phòng tránh nhiễm bệnh Herpes.
- Thông thường, người bệnh sử dụng thuốc kháng virus HSV dạng kem hoặc viên. Trong trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc trực tiếp vào cơ thể.
Điều trị HSV tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng một số liệu pháp sau đây tại nhà để giảm cảm giác đau, khó chịu do mụn rộp:
- Chườm nóng hoặc lạnh.
- Hỗn hợp baking soda, nước và bột ngô.
- Hỗn hợp tỏi nghiền trộn với dầu ô liu.
- Lô hội.
- Tinh dầu bạc hà, dầu bạch đàn hoặc dầu cây trà pha loãng trước với dầu nền (dầu vận chuyển).
- Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung Lysine giúp ngăn ngừa các đợt mụn rộp. Ước tính liều lượng khác nhau với mỗi người, nhưng dùng khoảng từ 1 – 3 gam Lysin hàng ngày được cho là có lợi với việc kiểm soát các triệu chứng và giảm các đợt tái phát.
Phòng bệnh do virus Herpes (HSV) gây ra
Để phòng các bệnh lý do virus Herpes gây ra, mọi người cần chủ động:
- Quan hệ tình dục an toàn: Có đời sống tình dục lành mạnh; chung thủy một vợ, một chồng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Herpes sinh dục và các căn bệnh nguy hiểm khác lây truyền qua đường tình dục; sử dụng biện pháp quan hệ tình dục an toàn như bao cao su.
- Không sử dụng chung đồ dùng các nhân: Đây là những vật dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có các bệnh do virus Herpes gây ra.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng những loại dung dịch vệ sinh lành tính, không nên mặc quần áo chật, bó, quần lót ẩm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Ăn uống điều độ, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, ngoài ra tăng cường luyện tập thể dục thể thao để cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
- Những người bị HSV-2 nên tránh mọi loại hoạt động tình dục với người khác trong khi bùng phát. Nếu người bệnh không gặp phải triệu chứng nhưng đã được chẩn đoán nhiễm virus, nên sử dụng bao cao su khi giao hợp. Nhưng ngay cả khi sử dụng bao cao su, virus vẫn có thể truyền sang bạn tình từ vùng da không được che chắn.
- Phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để khám và tư vấn phương pháp ngăn chặn virus lây nhiễm sang thai nhi.
Nhiễm Herpes simplex là một bệnh lý phổ biến có thể gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và tái phát. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng của nhiễm HSV, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Quan trọng hơn, duy trì lối sống lành mạnh và sử dụng các biện pháp bảo vệ sẽ giúp bạn sống chung với bệnh một cách hiệu quả.