Nhiễm toan ceton là gì? Triệu chứng và nguyên nhân
Nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh. Xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong thời gian quá dài. Nhiễm toan ceton cơ thể gây ra một loạt các rối loạn chuyển hóa, mất bù cấp tính nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Vậy Nhiễm toan ceton là gì? Triệu chứng và nguyên nhân của nhiễm toan ceton? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Khái niệm nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh. Xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong thời gian quá dài. Bệnh phổ biến ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và ít phổ biến hơn ở những người bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh có thể điều trị và ngăn chặn nhiễm toan ceton nếu kiểm soát tốt đường huyết.
Cơ chế nhiễm toan ceton
Insulin đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa đường (Glucose) đi vào tế bào cơ thể (Glucose là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ bắp và các mô khác). Khi thiếu Insulin, cơ thể sẽ phân hủy chất béo làm nhiên liệu gây tích tụ axit trong máu gọi là Ceton, cuối cùng dẫn đến nhiễm toan Ceton do đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị.
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường bị nhiễm toan ceton khi:
- Bệnh nhân mới ở giai đoạn chẩn đoán, chưa chữa trị: Insulin trong cơ thể bị cạn kiệt, hoặc khi điều trị ngưng Insulin đột ngột.
- Bệnh nhân bị stress khi phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng, sinh nở, cường giáp, ung thư, các bệnh nội tiết, dùng thuốc cản trở sự tiết Insulin…
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng dễ nhiễm toan ceton nếu bị stress nặng.
Các triệu chứng nhiễm toan ceton phổ biến
Khi nhiễm toan ceton, người bệnh sẽ có các triệu chứng:
- Mất nước: cơ thể suy yếu, mệt mỏi, chán ăn, khát nước, khô da và niêm mạc, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp.
- Tăng đường huyết: Mệt, đi tiểu nhiều, nhìn mờ, khát nước
- Rối loạn ý thức: lơ mơ, váng vất, hôn mê.
- Triệu chứng toan chuyển hóa: buồn nôn, nôn, ói mửa, đau bụng, thở hít vào nhanh sâu (kiểu Kussmaul), hơi thở có mùi táo thối.
Về xét nghiệm sinh hóa, nhiễm toan ceton có đặc điểm:
- Chỉ số glucose huyết tăng cao: >250 mg/dL(13,9 mmol/L).
- Chỉ số pH máu <7.3.
- Dự trữ kiềm giảm <15 mEq/l.
- Ceton máu dương tính (Acid Beta Hydroxybutyric >5 mEq/L);
- Ceton niệu dương tính mạnh.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiễm toan ceton
Nguyên nhân nhiễm toan ceton bao gồm các yếu tố:
- Bệnh nhân đái tháo đường bỏ thuốc điều trị hoặc dùng thuốc không đúng liều.
- Nhiễm khuẩn.
- Các bệnh cấp tính: Nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm tụy cấp…
- Chấn thương, sau phẫu thuật;
- Sử dụng thuốc gây tăng đường huyết: Corticoid, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu…
Kết luận
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate..Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong.
Nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới hôn mê hoặc tử vong. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chủ động phòng ngừa biến chứng này. Đồng thời, khi có dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton, bệnh nhân nên ngay lập tức đi thăm khám để được chẩn đoán xác định và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.